Giá trúng thầu chênh lệch hàng chục tỷ đồng so với giá nhập khẩu
Theo KLTT, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình tổ chức, triển khai mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 vẫn còn một số tồn tại, thiếu sót, vi phạm. Điển hình như: Chủ đầu tư lấy đơn giá tổng hợp của dự toán gói thầu mua sắm hàng hóa tương tự để phê duyệt dự toán mà không lập chi tiết cho thiết bị và các phụ kiện kèm theo; Tờ khai hàng hóa nhập khẩu (thông quan) của các loại thiết bị y tế do nhà thầu cung cấp cho CDC và các bệnh viện (bản chụp) đều bị tẩy xóa, che khuất giá nhập khẩu của thiết bị;...
Các bệnh viện Đông Anh, Bắc Thăng Long, Sơn Tây thực hiện mở thầu sớm so với thời gian quy định tại hồ sơ yêu cầu của gói thầu mua sắm thiết bị; Bệnh viện Đông Anh thực hiện mua sắm Gói thầu số 01 có thay đổi từ máy thở E360E sang máy thở E360T nhưng không lấy ý kiến của Hội đồng khoa học, Hội đồng mua sắm, Chuyên gia; Bệnh viện Bắc Thăng Long thực hiện mua sắm máy thở và máy theo dõi bệnh nhân cùng thời điểm, nhưng chia nhỏ thành các gói thầu để phê duyệt dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm trang thiết bị, không đảm bảo theo quy định tại khoản 3 Điều 33 Luật Đấu thầu 2013, kế hoạch lựa chọn nhà thầu không nêu hình thức lựa chọn nhà thầu theo Quy định...
Một số nhà thầu được các hãng sản xuất thiết bị y tế có văn bản gửi đến UBND thành phố Hà Nội, Sở Y tế và các Bệnh viện về việc chỉ định nhà phân phối cho hãng hoặc cam kết cung cấp đầy đủ thiết bị nếu trúng thầu, tuy nhiên sau khi trúng thầu, các đơn vị này không mua thiết bị của hãng, mà lại mua qua các Công ty khác làm tăng đơn giá thiết bị.
Hơn 20 loại thiết bị y tế do các nhà thầu cung cấp cho 31 bệnh viện trực thuộc Sở Y tế Hà Nội thuộc 58 gói thầu được mua bán qua nhiều công ty trung gian, các công ty ký hợp đồng mua bán với nhau trong thời gian ngắn, qua mỗi lần mua bán giá trang thiết bị đều có mức chênh lệnh tăng cao, dẫn đến giá của đơn vị trúng thầu cao hơn nhiều lần so với giá nhập khẩu. Cụ thể: Tổng giá trị trúng thầu hơn 134 tỷ đồng, giá trị nhập khẩu và phụ kiện mua thêm gần 62 tỷ đồng, chênh lệch giữa giá trúng thầu và giá nhập khẩu là gần 73 tỷ đồng. Sau khi thanh lý Hợp đồng nhà thầu giảm giá còn hơn 111 tỷ đồng, chênh lệch hơn 49 tỷ đồng.
Đáng nói là, giá một số loại sinh phẩm, hóa chất, vật tư, kít xét nghiệm tại các gói thầu do CDC và 11 bệnh viện thuộc Sở Y tế Hà Nội trúng thầu và ký hợp đồng mua có giá trị hơn 73 tỷ đồng. Trong khi giá nhập khẩu hoặc sản xuất trong nước hơn 37 tỷ đồng, chênh nhau hơn 35 tỷ đồng. Giá trúng thầu sau khi giảm giá là hơn 70 tỷ đồng, chênh lệch hơn 33 tỷ đồng.
Chuyển thông tin để Bộ Công an giao cơ quan chức năng xác minh, làm rõ
Thanh tra Chính phủ kiến nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các Sở ngành, cơ quan, đơn vị, CDC Hà Nội, các bệnh viện có liên quan đã nêu tại KLTT kiểm điếm làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân và có hình thức xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao đã để xảy ra một số thiếu sót, vi phạm trong việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phấm, kít xét nghiệm, thuốc phục vụ phòng chống dịch Covid-19 đã nêu tại Kết luận.
Đồng thời, TTCP cũng chuyển thông tin để Bộ Công an giao cơ quan chức năng xác minh, làm rõ đối với một số gói thầu thiết bị, vật tư, sinh phẩm, kít xét nghiệm tại một số đơn vị.
Các kiến nghị tại Kết luận số 1116 của TTCP về việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, thuốc phục vụ phòng, chống dịch Covid 19 tại TP Hà Nội đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đồng ý tại Văn bản số 4663 của Văn phòng Chính phủ ký ngày 27.12.2022. Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo TTCP theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kết luận thanh tra số 1116/KL-TTCP ngày 16.12.2022. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện và gửi TTCP kết quả để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.