Tình yêu với đất nước Ba Lan được PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng cảm nhận từ truyện ngắn Người gác đèn biển của Henryk Sienkiewicz trong tập Truyện cổ điển Ba Lan từ khi còn là học sinh lớp 7. Sau này, khi đọc, hiểu thêm về văn học Ba Lan, dịch và giới thiệu một số tác phẩm của nền văn học bao la ấy, ông mới cảm nhận được định mệnh đã gắn bó đời mình với dòng văn học này. “Nó là duyên nợ từ tiền kiếp”. Từ đó, ông luôn trăn trở, tìm tòi sáng tạo với nhiều tác phẩm của Adam Mickiewcz, Henryk Sienkiewicz… Đến nay, những tác phẩm dịch văn học Ba Lan của PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng đã xuất bản có: Quo Vadis, Trên sa mạc và trong rừng thẳm, Con hủi, Hiệp sĩ Thánh Chiến… Ông từng giành giải thưởng dịch văn học của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1987 cho 2 tác phẩm Quo Vadis và Trên sa mạc và trong rừng thẳm (của Henryk Sienkiewicz).
Tác phẩm dịch thuật của dịch giả Nguyễn Hữu Dũng |
Theo quan điểm của PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng, trong văn học dịch cần cố gắng giữ được các yếu tố “Tín - Đạt - Nhã”. Trong đó, Tín là nội dung phải đúng nguyên bản, không thêm không bớt; Đạt là cách diễn đạt, viết câu đúng nghĩa, không phải câu nói cửa miệng; Nhã là chỉ cái hay, văn chương mỗi nước có cách nói, chơi chữ ví von, có nhiều cái khó dịch được. Nếu dịch theo đúng ngôn ngữ đôi khi sẽ rất thô, vì vậy đòi hỏi người dịch phải tìm ngôn từ tiếng Việt phù hợp với ngữ cảnh và nhân vật trong tác phẩm để truyền tải. Một bản dịch hay, tài năng hay sự tinh tế có thể chỉ chiếm 1%, nhưng thiếu đi 1% này, 99% nỗ lực và tình yêu của dịch giả cũng khó thành công.
Trên thị trường sách hiện nay, sách dịch chiếm tỷ lớn, nhưng không phải bản dịch nào cũng đạt chất lượng, thậm chí có bản dịch đã bị làm méo mó, dịch sai nguyên tác. Vì thế, khi chọn tác phẩm để dịch, trước hết dịch giả phải yêu tác phẩm, xác định được mục tiêu lựa chọn tác phẩm đó. Nếu dịch thuật chỉ đơn giản dựa vào nhu cầu thị trường thì không ai bảo đảm sẽ có một bản dịch thành công. PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng khẳng định: “Dựa vào thị trường để đánh giá hoặc chọn một tác phẩm dịch, theo tôi là sai. Không thể tồn tại lối suy nghĩ đó về văn chương, dịch thuật”.
Văn hóa đọc ngày nay khá phát triển, sách dịch văn học chỉ là một góc nhỏ của thế giới đọc. Áp lực cạnh tranh giữa văn học dịch và sách điện tử là vấn đề lớn đối với ngành xuất bản, người đọc. Tuy nhiên, theo Giám đốc NXB Phụ Nữ Khúc Thị Hoa Phượng: “Tôi vẫn mê, vẫn tha thiết được đọc những bản dịch mang lại vẻ đẹp có chiều sâu thực sự, khiến người đọc sống một đời sống có tâm hồn. Tôi tin những độc giả sâu sắc vẫn lựa chọn một cuốn sách dịch, dù họ có thể đọc trực tiếp nguyên tác hoặc sách điện tử. Bởi việc được sờ tận tay tác phẩm mình yêu thích mới là điều đáng trân trọng”.