Hàng năm, các đơn vị của thành phố và các quận, huyện, TP. Thủ Đức đều đã có kế hoạch, văn bản triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị, địa phương. Theo thống kê, năm 2022, có 375 hoạt động; năm 2023 có khoảng 500 hoạt động hưởng ứng được tổ chức đồng loạt trên toàn Thành phố với hình thức đa dạng, phong phú, tạo điều kiện cho người dân trực tiếp tham gia, như thu gom chất thải nguy hại hộ gia đình, thu gom chất thải có thể tái chế, ngày hội Sống Xanh, tọa đàm, hội thi, ra quân tổng vệ sinh, trồng cây xanh, tạo mảng xanh...
Nhằm đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động người dân thực hiện Chỉ thị số 19, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thi xây dựng công trình sạch - xanh - thân thiện môi trường dựa vào cộng đồng tại khu dân cư năm 2022 và năm 2023. Qua 2 lần tổ chức, Hội thi có 1.251 công trình sạch - xanh - thân thiện môi trường của hơn 300 đơn vị dự thi cấp quận, huyện, TP. Thủ Đức; trong đó có 88 sản phẩm công trình dự thi cấp Thành phố và có 71 sản phẩm đoạt giải. Hiện, toàn TP. Hồ Chí Minh đang tiếp tục duy trì 1.920 điểm, công trình sạch, xanh, thân thiện môi trường; đã có 198 điểm ô nhiễm được chuyển thành khu vực sinh hoạt cộng đồng như sân chơi thể thao, vườn hoa, công viên, khu sinh hoạt cộng đồng.
Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã dự thảo trình UBND Thành phố Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023 - 2025. Theo đó, chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025, tối thiểu 55% dân số nông thôn được tiếp cận bền vững với nước sạch đạt quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày; từ 65% trở lên dân số nông thôn được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung; bảo đảm cấp nước sạch sinh hoạt quy mô hộ gia đình cho các hộ dân tại những khu vực chưa có khả năng tiếp cận với nước cấp tập trung, vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, vùng thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn.
Đồng thời, bảo đảm ít nhất 70% số hộ nông thôn triển khai các giải pháp phân loại chất thải tại nguồn; từ 98% trở lên chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý; từ 50% trở lên số hộ nông thôn có nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lý bằng các biện pháp phù hợp, hiệu quả; 50% số đơn vị cấp huyện triển khai mô hình thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt phi tập trung theo cụm hoặc theo khu vực phù hợp, hiệu quả.