- Xin ông cho biết tín dụng chính sách xã hội đã có tác động như thế nào đối với công tác giảm nghèo tại tỉnh Đắk Lắk trong thời gian qua?
- Đắk Lắk là tỉnh thuộc miền núi còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo (9,15%), cận nghèo (6,8%) còn cao so với bình quân chung của cả nước, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Trong những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội được Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk triển khai thực hiện đã phát huy hiệu quả, trở thành đòn bẩy kinh tế quan trọng giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống. Qua đó, hỗ trợ các địa phương trong tỉnh có thêm nguồn lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đồng thời, hạn chế, ngăn ngừa tình trạng tín dụng đen, góp phần quan trọng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS.
- Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về những kết quả đạt được của các chương trình tín dụng chính sách xã hội đang triển khai tại địa phương?
- Trong suốt quá trình triển khai thực hiện, hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương. Đặc biệt, kể từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư, với quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng. Sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống chính trị và triển khai tích cực của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, công tác tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Cụ thể, đến nay tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 8.046 tỷ đồng, tăng khoảng 668 tỷ đồng so với cuối năm 2023. Trong 9 tháng đầu năm 2024, có trên 41.900 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn, với tổng số tiền gần 2.000 tỷ đồng.
Ngoài nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, thì UBND tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố đã quan tâm bổ sung thêm nguồn vốn từ ngân sách địa phương chuyển qua Ngân hàng Chính sách xã hội để tạo thêm nguồn vốn cho vay với số tiền 73,7 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội đạt gần 510 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 6,4% trên tổng nguồn vốn thực hiện). Dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn đạt hơn 7.980 tỷ đồng, tăng 624 tỷ đồng so với cuối năm 2023 (tỷ lệ tăng trưởng 8,5%), với trên 168 ngàn khách hàng còn dư nợ. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chiếm 0,10% tổng dư nợ, trong đó nợ quá hạn chiếm tỷ lệ 0,03%, nợ khoanh chiếm tỷ lệ 0,07%.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Trong đó đã tập trung ưu tiên cho khu vực vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập nhằm cải thiện cuộc sống từng bước vươn lên thoát nghèo. Góp phần hoàn thành 79 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 10,94% năm 2022 xuống còn 9,15% cuối năm 2023 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025).
- Để trở thành cầu nối với nhân dân trong công tác giảm nghèo, việc kiện toàn bộ máy tổ chức nhân sự của Ngân hàng Chính sách xã hội Đắk Lắk được thực hiện như thế nào thưa ông?
- Với vai trò là tổ chức tín dụng đặc thù, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận vừa phải đảm bảo tính chất tín dụng, vừa mang tính xã hội hóa. Do đó, việc kiện toàn mô hình quản lý luôn được coi trọng. Tập trung huy động sức mạnh tổng hợp trong quản lý nguồn vốn và chuyển tải nguồn vốn đến tay khách hàng để hiện thực hóa mục tiêu giảm nghèo.
Phải khẳng định rằng, đội ngũ cán bộ điều hành, tác nghiệp của chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ” đã có nhiều nỗ lực, vượt qua khó khăn, thử thách, nêu cao tinh thần trách nhiệm. Mạnh dạn tiếp nhận, quản lý an toàn vốn tín dụng ưu đãi của nhà nước. Cùng với đó là công tác phối hợp với các hội, đoàn thể và chính quyền cơ sở các cấp trong tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ quản lý. Chủ động ứng dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ làm công tác uỷ thác, cho ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn, đảm bảo đội ngũ ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn giỏi nghiệp vụ, năng nổ, nhiệt tình, công tâm, có trách nhiệm cao với công việc.
- Với vai trò là tổ chức tín dụng đặc thù, để không ngừng phát triển và ổn định, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Đắk Lắk đưa ra mục tiêu như thế nào trong thời gian tới, thưa ông?
- Trong thời gian tới, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tiếp tục tham mưu thực hiện tốt nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22.11.2014, Kết luận số 06-KL/TW ngày 10.6.2021 của Ban Bí thư, Quyết định số 1630/QĐ-TTg ngày 28.9.2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, đặc biệt là kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Chỉ thị số 39-CT/TU ngày 30.06.2023 của Ban thường vụ Tỉnh ủy.
Phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh "Đề án đầu tư tín dụng chính sách đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác bằng nguồn vốn ngân sách địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2024 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030" để bố trí nguồn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm bổ sung nguồn vốn để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo quy định, ngay sau khi có ý kiến của Ban thường vụ Tỉnh uỷ.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế, nâng cao đời sống cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Từ đó, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, đảm bảo an sinh xã hội.
Song song với đó, nâng cao năng lực quản trị, tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động tín dụng chính sách, hoạt động nhận uỷ thác của các tổ chức chính trị - xã hội và tình hình sử dụng vốn của người vay. Duy trì và nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động tại điểm giao dịch xã, tập trung nhân lực, trang thiết bị, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đảm bảo giao dịch an toàn, hiệu quả. Làm tốt công tác tuyên truyền, công khai chủ trương, chính sách và kết quả thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Chú trọng công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác tín dụng chính sách xã hội nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Triển khai thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội đến năm 2030 phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương.
- Xin cám ơn ông!