Thực hiện Chương trình OCOP ở Hà Nội

Xây dựng vùng nguyên liệu bền vững

Một trong những đặc thù của sản phẩm OCOP là phải mang nét đặc trưng của địa phương, gắn với tổ chức sản xuất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn và xây dựng vùng nguyên liệu ổn định. Thời gian qua, cùng với phát triển sản xuất, các chủ thể OCOP trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tập trung xây dựng vùng nguyên liệu, góp phần mở ra nhiều cơ hội liên kết trong xây dựng chuỗi sản xuất. Thành phố cũng đang thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, phát triển bền vững.

Phát triển sản phẩm OCOP từ vùng sản xuất tập trung

Huyện Ứng Hòa là vùng chuyên canh lúa gạo lớn nhất của thành phố Hà Nội. Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành vùng sản xuất lúa chất lượng cao tập trung với quy mô ổn định khoảng 5.690ha tại 5 vùng được UBND thành phố phê duyệt; năng suất bình quân đạt từ 58 tạ/ha, sản lượng từ 33.000 tấn trở lên. Từ lợi thế này, huyện đã xây dựng và phát triển chuỗi giá trị gạo chất lượng cao mang nhãn hiệu “Gạo chất lượng Khu Cháy”. Trong đó, sản phẩm gạo Japonica giống J02 của Hợp tác xã (HTX) Đoàn Kết, xã Phương Tú được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao năm 2019 và được công nhận lại năm 2023, giúp nông dân nâng cao giá trị sản phẩm.

Lãnh đạo Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng NTM Hà Nội tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của TP. Hà Nội. Ảnh: Lưu Đoàn
Lãnh đạo Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng NTM Hà Nội tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của TP. Hà Nội. Ảnh: Lưu Đoàn

Giám đốc HTX Đoàn Kết Cao Thị Thủy cho biết, những năm trước đây, do hiệu quả kinh tế thấp nên nhiều hộ dân không còn mặn mà với cây lúa, nhiều mảnh ruộng bị bỏ hoang. Với phương châm “không để một ruộng nào bị bỏ hoang và đưa đến người tiêu dùng sản phẩm gạo an toàn, chất lượng”, HTX Đoàn Kết đã thuê lại diện tích sản xuất của các hộ không có nhu cầu gieo trồng trên địa bàn để thực hiện kế hoạch sản xuất. Được sự hỗ trợ của UBND huyện Ứng Hòa, HTX Đoàn Kết đã xây dựng được cánh đồng mẫu lớn với quy trình sản xuất lúa chất lượng cao gắn với nhãn hiệu “Gạo chất lượng Khu Cháy” khép kín từ khâu sản xuất đến đóng gói, bảo đảm quy trình chất lượng. Ngoài trực tiếp thuê ruộng để sản xuất, HTX Đoàn Kết còn liên kết với các HTX trong và ngoài huyện tham gia chuỗi sản xuất lúa hàng hóa như: cung cấp dịch vụ mạ khay, máy cấy, thuốc bảo vệ thực vật, phơi sấy, bao tiêu sản phẩm...

Cũng từ lợi thế “cánh đồng mẫu lớn”, HTX Đoàn Kết mạnh dạn đầu tư 3 máy bay không người lái với số tiền 1,8 tỷ đồng phục vụ sản xuất lúa để tiết giảm chi phí nhân công. Đồng thời, đầu tư hệ thống sấy thóc với công suất 300 tấn/ngày; phát triển hệ thống xay, xát gạo theo dây chuyền hiện đại có thanh lọc hạt vỡ và tạp chất, đủ tiêu chuẩn vào các kênh siêu thị, cửa hàng phân phối, tiến tới mục tiêu xa hơn là xuất khẩu. Theo Giám đốc HTX Cao Thị Thủy: Được công nhận sản phẩm OCOP, “Gạo chất lượng Khu Cháy” có tem nhãn, được hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nên ngày càng nhiều người tiêu dùng biết đến, thị trường mở rộng. Qua đó, giúp nhãn hiệu “Gạo chất lượng Khu Cháy” được nâng tầm giá trị, mang lại thu nhập cao hơn cho nông dân, tạo sự lan tỏa cho nhiều nông sản khác tham gia vào Chương trình OCOP.

Không chỉ tại Ứng Hòa, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện đã hình thành rất nhiều vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất ra các sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm. Từ những vùng sản xuất đó, các địa phương và chủ thể sản xuất đã xây dựng nên nhiều sản phẩm OCOP được người tiêu dùng đánh giá cao. Điển hình tại các huyện Chương Mỹ, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm… Đến nay, thành phố đã có hơn 2.700 sản phẩm được chứng nhận OCOP. Sản phẩm OCOP của Hà Nội không chỉ ngày càng đa dạng về bao bì, mẫu mã, đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, mà còn từng bước gia tăng giá trị, góp phần giúp nông dân, hợp tác xã mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao doanh thu.

Tháo gỡ khó khăn từ thực tế

Một trong những tiêu chí hàng đầu của các sản phẩm OCOP là phải mang đậm nét đặc trưng của địa phương gắn với tổ chức sản xuất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định. Hà Nội là Thủ đô của cả nước, là đô thị lớn với tốc độ đô thị hóa nhanh nên vùng nguyên liệu cho sản xuất cũng chính là bài toán đặt ra cho các chủ thể OCOP, đặc biệt là nguyên liệu sản xuất nhóm sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến và làng nghề.

Huyện Chương Mỹ - một trong những địa phương có nhiều làng nghề truyền thống, có tiềm năng rất lớn phát triển sản phẩm OCOP. Các làng nghề mây, tre đan có nhiều lợi thế phát triển, song ngành sản xuất này trên địa bàn huyện hiện phải đối diện với nhiều khó khăn, nhất là về nguyên liệu. Trước đây, các loại mây, song phục vụ sản xuất có thể mua dễ dàng từ các tỉnh miền núi phía Bắc nhưng hiện nay, nguồn cung từ vùng này bị thiếu hụt nghiêm trọng nên phải nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài nên chi phí sản xuất bị đẩy lên cao và không chủ động được nguồn nguyên liệu.

Trong bối cảnh thiếu hụt nguồn nguyên liệu, những hộ sản xuất mây, tre, giang đan huyện Chương Mỹ đang hợp tác với các đơn vị nghiên cứu, chế biến, xử lý nguyên liệu từ các loại cây đu đủ, mướp, chuối. Các nghệ nhân, thợ giỏi đã nghiên cứu, sáng tạo mẫu mã từ các loại vật liệu trên để tạo ra sản phẩm thủ công bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật cho xuất khẩu và bước đầu được khách hàng đón nhận. Mặc dù giải pháp này đã kịp thời xử lý bài toán thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu sản xuất mây, tre, giang đan nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, các làng nghề mây, tre đan mong muốn thành phố Hà Nội và huyện Chương Mỹ hỗ trợ liên kết với các tỉnh xây dựng vùng nguyên liệu bền vững phục vụ sản xuất.

HTX Nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương (huyện Đông Anh) có 4 sản phẩm được công nhận OCOP, chủ yếu là rau hữu cơ. Giám đốc HTX Phạm Thị Lý cho biết: Tiên Dương là HTX nhỏ nên khi tham gia Chương trình OCOP đã lựa chọn sản phẩm gắn với giá trị bản địa, đó là cây rau. Sản phẩm của HTX hiện được tiêu thụ trong các bếp ăn tập thể và cửa hàng thực phẩm sạch. Mặc dù có bước phát triển rất tốt nhưng Đông Anh đang trong quá trình phát triển thành quận, toàn bộ vùng trồng rau đều trong quy hoạch và sẽ phải thu hồi đất trong tương lai. Khi đó, việc duy trì nguyên liệu cho sản xuất sản phẩm OCOP sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Để phát triển sản phẩm OCOP, từng bước hình thành, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn và ổn định, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tham mưu UBND thành phố quy hoạch vùng chuyên canh tập trung, ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ thúc đẩy sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, gắn với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, ở hầu hết địa phương đều đã hình thành và xây dựng các sản phẩm OCOP song song với hình thành các vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, những vùng nguyên liệu trên địa bàn hầu hết còn manh mún, nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, việc xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn theo các tiêu chí hữu cơ, an toàn, VietGAP, GlobalGAP, HACCP, xây dựng mã vùng trồng, thương hiệu vùng trồng cho sản phẩm OCOP… chưa được các địa phương và chủ thể OCOP quan tâm đúng mức.

Hướng tới tính “bền vững” trong phát triển sản phẩm OCOP, các ngành chức năng và địa phương của thành phố cần quan tâm đặc biệt tới việc phát triển các vùng nguyên liệu. Cùng với đó, chủ thể OCOP cũng cần chủ động nâng cao năng lực tài chính, hệ thống kho bãi, dây chuyền sản xuất, chế biến và chủ động xúc tiến thương mại, đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử để mở thêm cơ hội giới thiệu sản phẩm đặc trưng tới người tiêu dùng.

Để các sản phẩm OCOP phát triển ổn định, bền vững, bên cạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, các chủ thể OCOP của Hà Nội cũng không khỏi trăn trở về việc bảo đảm nguyên liệu đầu vào ổn định, chất lượng cao, hợp pháp. Khó khăn của các chủ thể sản xuất hiện nay là phải đáp ứng được những tiêu chuẩn nghiêm ngặt của thị trường, các nhà quản lý trong thời đại công nghệ số, nhất là với các nhà nhập khẩu tại các nước phát triển. Để tháo gỡ, nhiều chủ thể đã tham gia vào mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và hộ gia đình tại một số làng nghề nhằm chuyển đổi nguyên liệu đầu vào. Trong mối liên kết này, phía doanh nghiệp sẽ cung cấp nguyên liệu đầu vào, tư vấn công nghệ và cách thức quản lý, đồng thời hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm đầu ra.


Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội

Địa phương

Áp dụng công nghệ sản xuất chè sạch - hướng phát triển bền vững tại Thái Nguyên
Địa phương

Áp dụng công nghệ sản xuất chè sạch - hướng phát triển bền vững tại Thái Nguyên

Cây chè được xác định là cây trồng chủ lực, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân. Hiện nay, nhiều địa phương của Thái Nguyên đang đẩy mạnh phát triển chè an toàn theo hướng sản xuất hàng hóa, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cũng như bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Xưởng xe tơ của gia đình thôn Cổ Chất 1
Địa phương

Xây dựng thương hiệu, bảo tồn tinh hoa làng nghề

Nam Định là tỉnh có nhiều làng nghề truyền thống đã đăng ký nhãn hiệu tập thể, trong đó phải kể đến nghề ươm tơ dệt lụa; tuy nhiên, nghề ươm tơ dệt lụa hiện đang có nguy cơ mai một và tỉnh Nam Định đang khẩn trương triển khai Dự án Xây dựng nhãn hiệu tập thể cho làng nghề Cổ Chất, với mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tinh hoa của nghề truyền thống này. Đây là một trong những tiêu chí quan trọng trong Kế hoạch bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống giai đoạn 2021 - 2030 của UBND tỉnh Nam Định.

Vùng cao Thái Nguyên giảm nghèo nhanh nhờ hỗ trợ sinh kế
Trên đường phát triển

Vùng cao Thái Nguyên giảm nghèo nhanh nhờ hỗ trợ sinh kế

Đến hết năm 2024, toàn tỉnh Thái Nguyên có 100% xã thuộc 3 thành phố và 5 huyện đạt chuẩn NTM. Tại huyện vùng cao Võ Nhai, còn 5 xã đang nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao thu nhập, sớm hoàn thành các tiêu chí NTM trong những năm tới. Trong năm, huyện đã dành hơn 9 tỷ đồng thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.

Áp dụng công nghệ sản xuất chè vụ đông
Địa phương

Áp dụng công nghệ sản xuất chè vụ đông

Thị trường tiêu thụ và giá bán chè dịp cuối năm luôn ở mức cao, vì vậy hầu hết các hộ sản xuất chè của tỉnh Thái Nguyên đã chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh để những vườn chè tiếp tục trổ búp bất chấp thời tiết lạnh giá.

Vĩnh Phúc chi gần 100 tỉ đồng cho công nghiệp hỗ trợ. ẢNh: ITN
Trên đường phát triển

Vĩnh Phúc chi gần 100 tỷ đồng cho công nghiệp hỗ trợ

Nhằm thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, điển hình là Quyết định số 3663/QĐ-UBND về ban hành chương trình hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, với tổng số tiền hỗ trợ trên 94,7 tỷ đồng.

Xây dựng kinh tế xanh là lựa chọn tất yếu
Địa phương

Xây dựng kinh tế xanh là lựa chọn tất yếu

Xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là lựa chọn tất yếu để vừa đáp ứng yêu cầu tăng trưởng, vừa góp phần bảo đảm cho người dân thành phố một môi trường sống lành mạnh và vì sự phát triển bền vững.

Công ty Cổ phần Hanicons trượt thầu tại nhiều địa phương nhưng vẫn trúng thầu tuyệt đối tại Đồng Tháp
Địa phương

Công ty Cổ phần Hanicons trượt thầu tại nhiều địa phương nhưng vẫn trúng thầu tuyệt đối tại Đồng Tháp

Công ty Cổ phần Hanicons đã trúng tuyệt đối 9/9 gói thầu do Ban QLDA tỉnh Đồng Tháp làm chủ đầu tư, bên mời thầu, hiện đang chờ phê duyệt kết quả gói thầu thứ 10. Trong khi đó, nhà thầu này liên tiếp trượt thầu tại nhiều địa phương khác và bị đề nghị xử lý vì không trung thực, làm giả hồ sơ, tài liệu trong đấu thầu.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại cuộc họp
Địa phương

Ứng dụng công nghệ số cho sản phẩm chè Thái Nguyên

Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên vừa có cuộc họp với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, các huyện Đại Từ, Phú Lương, Đồng Hỷ, TP. Thái Nguyên, cùng đại diện UBND một số xã và hợp tác xã (HTX) sản xuất, kinh doanh chè trên địa bàn tỉnh để thảo luận về các giải pháp ứng dụng công nghệ số cho sản phẩm chè Thái Nguyên.