Vành đai lửa năm xưa, vành đai xanh hôm nay

- Chủ Nhật, 28/04/2024, 09:54 - Chia sẻ

Có vị trí đặc biệt quan trọng, là cửa ngõ vào TP. Cần Thơ và vùng IV chiến thuật nên trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, tuyến Lộ Vòng Cung được ví là một “vành đai lửa” khốc liệt. 44 năm sau chiến tranh khói lửa, Lộ Vòng Cung trở thành một “vành đai xanh” thanh bình, là điểm hẹn của du khách thập phương với những vườn trái cây trĩu quả...

Vòng cung đi dễ khó về…

Lộ Vòng Cung là cung đường dài khoảng 30km, bắt đầu từ phường An Bình, quận Ninh Kiều, uốn cong theo một nhánh sông Hậu, trải dài qua huyện Phong Điền. Đây được xem là cửa ngõ vào TP. Cần Thơ nên trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ, tuyến vành đai này được cả địch và ta giành giật quyết liệt. Hầu hết các cơ quan Khu ủy khu 9, các đơn vị chủ lực Quân khu 9 đứng chân, làm "bàn đạp" để đánh vào trung tâm nội ô Cần Thơ. Phía địch cũng xác định đây là “cánh cửa thép”, vành đai bảo vệ cơ quan đầu não của địch nên đã lập hàng trăm đồn bốt và nhiều chi khu, yếu khu… hòng ngăn chặn lực lượng quân giải phóng tiến vào. Thế nên, trong những tháng ngày kháng chiến trường kỳ ấy, Vòng Cung nổi tiếng với câu ca: “Vòng Cung đi dễ khó về/Đạn chen đầu đạn, bom kề hố bom”.

Vùng đất lửa năm xưa nay thành điểm du lịch sinh thái, mỗi năm thu hút hàng trăm nghìn lượt khách trong và ngoài nước. Ảnh: Yến Phương
Vùng đất lửa năm xưa nay thành điểm du lịch sinh thái, mỗi năm thu hút hàng trăm nghìn lượt khách trong và ngoài nước. Ảnh: Yến Phương

Trong ký ức vẹn nguyên của các cựu chiến binh TP. Cần Thơ, những năm tháng chiến tranh, dọc theo cả tuyến Lộ Vòng Cung, đất đai vườn tược bị bom cày đạn xới không có giờ phút yên bình. Bởi với lực lượng cách mạng, Lộ Vòng Cung là cửa mở cho quân chủ lực tiến công sân bay Trà Nóc và Cần Thơ, là tuyến đường cung cấp hậu cần cho các đơn vị bộ đội, đường nối vững chắc giữa căn cứ của tỉnh, của khu với căn cứ Miền, là cánh cửa mở cho các lực lượng ta đánh vào trung tâm nội ô Cần Thơ. Còn với địch, đây là “cánh cửa thép”, là vành đai bảo vệ sân bay Trà Nóc, cùng Bộ Chỉ huy vùng IV chiến thuật, Quân đoàn IV, Tiểu khu Phong Dinh… Trên tuyến Lộ này, địch đã lập hàng trăm đồn, bốt và nhiều chi khu, yếu khu hòng ngăn chặn lực lượng quân giải phóng tiến vào. Từ đó, Lộ Vòng Cung trong thế giằng co quyết liệt giữa ta và địch.

Không chỉ sử dụng không quân, pháo binh, máy bay ném bom B57 để đánh phá ngày đêm, địch còn rải chất độc hóa học làm các vườn cây trụi lá nhằm thực hiện “Vùng Lộ Trắng”. Giai đoạn từ năm 1968 kéo dài đến tháng 4.1975, vùng này đã hứng chịu hàng trăm ngàn tấn bom đạn và chất độc hóa học.

Người dân xã Mỹ Khánh góp hơn 10 ngàn ngày công cho chuyển đạn, tải thương, mai táng liệt sĩ và tham gia phá cầu, đường. Toàn xã Mỹ Khánh có hơn 400 hầm bí mật để che giấu cán bộ, bộ đội; hơn 100 bãi chông, bãi mìn với hàng nghìn mũi chông, một công xưởng chế tạo vũ khí thô sơ. Ta xây dựng trên toàn tuyến 104 điểm giao liên để thông tin và đưa đón bộ đội ra vào lộ vòng cung.

Những ký ức về một thời bom đạn được Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, thượng tá Nguyễn Thị Vân bồi hồi kể lại: khi đó với vai trò là Trung đội phó Đội biệt động Cần Thơ, bà cùng đồng đội, đồng chí chuyển 5 tấn vũ khí các loại từ Minh Hải về Cần Thơ, đưa vào nội thành bằng đường hợp pháp. Đội đã dùng chiếc ghe có sức chở 300 giạ lúa, ngụy trang như một gia đình đang đi buôn bán. “Tôi xác định bản thân có thể hy sinh bất cứ lúc nào nếu địch phát hiện có vũ khí trên ghe, nhưng với quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, và “thà hy sinh, chứ không để vũ khí lọt vào tay địch”. Tôi đã chuẩn bị cho tình huống không hay xảy ra nên cài sẵn một quả mìn và chuyền dây đến vị trí mình ngồi, sẵn sàng chiến đấu đến cùng. Từ Minh Hải về Cần Thơ, chiếc ghe 8 lần bị giặc lục soát, nhưng rồi với sự cứng rắn, bình tĩnh, bà đã vận chuyển trót lọt vũ khí vào thành và căn cứ Vòng Cung.

Nếu như địch được trang bị tất cả các vũ khí tối tân và phương tiện chiến tranh hiện đại để bám vòng cung, quyết tâm thực hiện kế hoạch bình định, thì ta chiến đấu với địch bằng sự đùm bọc của nhân dân, bằng ý chí quyết chiến, quyết thắng, thực hiện phương châm bám đất, bám dân, tổ chức đánh địch bằng ba mũi giáp công chính trị, quân sự và binh vận. 

Đổi thay ở các xã Anh hùng

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Lộ Vòng Cung đã được công nhận là Khu Di tích lịch sử Quốc gia; Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các địa phương trên tuyến Lộ Vòng Cung đã vượt lên khó khăn, đoàn kết, ra sức xây dựng vùng đất lửa năm xưa thành một “vành đai xanh” với hàng ngàn héc ta vườn cây trái, rau màu. Đến nay, tất cả các xã trên tuyến Lộ Vòng Cung đều đã đạt chuẩn nông thôn mới. Phần lớn diện tích Lộ Vòng Cung ngày ngay thuộc địa phận huyện Phong Ðiền và 6/6 xã thuộc huyện Phong Điền được phong danh hiệu Xã Anh hùng. Từ ngày hòa bình về trên quê hương Anh hùng, Đảng bộ, chính quyền Phong Ðiền nỗ lực xây dựng chính quyền vững mạnh, phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao đời sống người dân, khuyến khích nhà nhà làm du lịch theo kiểu khép kín theo tuyến vòng cung; xây dựng thương hiệu cho các đặc sản, sản phẩm nông nghiệp. Đến nay, dâu Hạ Châu đã lọt vào tốp 100 đặc sản quà biếu của Việt Nam.

Phong Điền hiện có 6 nhãn hiệu đã được cấp văn bằng bảo hộ là: sầu riêng Tân Thới, chanh không hạt Trường Long, cam mật không hạt Tám Đảo, vú sữa Trường Khương A, bánh hỏi mặt võng Út Dzách và trà cao Trường Phát.

Năm 2016, Phong Ðiền trở thành huyện đầu tiên của TP. Cần Thơ đạt chuẩn nông thôn mới. Đến nay, huyện có 2 xã được công nhận là xã nông thôn mới kiểu mẫu, còn lại 4 xã là xã nông thôn mới nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 giảm chỉ còn 0,06%, 95,07% người dân có BHYT. Năm 2024, Phong Điền phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới nâng cao. Theo đó, tận dụng lợi thế về sản xuất cây ăn trái và phát triển du lịch sinh thái, huyện đã và đang triển khai hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng các mô hình chuyên canh ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao chất lượng nông sản, nhất là phát triển các chuỗi liên kết trong sản xuất. Bên cạnh đó, thực hiện kết nối, liên kết với các doanh nghiệp, xây dựng các cơ sở chế biến để tạo đầu ra ổn định cho nông sản của địa phương.

Phấn khởi về những thành quả, Chánh văn phòng UBND huyện Nguyễn Thành Tài cho biết: toàn huyện có 37 mô hình sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP với diện tích khoảng 286ha và 1 mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP với quy mô trên 16ha. Các hoạt động sản xuất đã góp phần tăng mức thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt trên 67 triệu đồng/người/năm. Có được kết quả này là nhờ trong những năm qua, huyện luôn chủ động, sáng tạo, khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế của địa phương.

Gần nửa thế kỷ đã qua đi khi chiến tranh kết thúc, vành đai lửa năm xưa nay đã thành lá phổi xanh của TP. Cần Thơ với những vườn cây mát rượi và xum xuê hoa trái. Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và ngành kinh tế sạch của huyện với 17 di tích lịch sử, 48 điểm du lịch, Đảng bộ, chính quyền và người dân huyện Phong Điền đã và đang nỗ lực xây dựng một vành đai xanh tươi với những con người nhân ái, hào hiệp, thanh lịch, hiếu khách trong lòng du khách trong nước và quốc tế.

Vũ Châu
#