Tỉnh có diện tích trồng lúa lớn nhất nước, bắt đầu trồng lúa chất lượng cao

- Thứ Ba, 16/07/2024, 16:24 - Chia sẻ

Ngày 16.7, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang tổ chức lễ khởi động “Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh.​

Tỉnh có diện tích trồng lúa lớn nhất nước, bắt đầu trồng lúa chất lượng cao
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang phối hợp ngành chức năng khởi động 50ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp trên địa bàn huyện Tân Hiệp

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Kiên Giang, thông tin, Kiên Giang là một tỉnh có diện tích trồng lúa lớn nhất cả nước, mỗi năm sản lượng lúa của Kiên Giang đạt khoảng 4,5 triệu tấn.  

Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết, tham gia Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 (Đề án), Kiên Giang đăng ký 200.000ha, được chia thành 2 giai đoạn thực hiện tại 12 huyện trên địa bàn tỉnh. Mô hình đầu tiên được triển khai trên cánh đồng lúa 50ha thuộc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Thanh niên (xã Phú Hòa, huyện Tân Hiệp).

Dự kiến tháng 8.2024, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai 1 mô hình thí điểm 10ha trên diện tích lúa - tôm tại huyện An Minh.

Tổng kinh phí thực hiện Đề án hơn 596 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh, vốn vay Ngân hàng Thế giới, vốn tư nhân. Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, tổ chức, tiếp nhận cung cấp thông tin và triển khai Đề án trong năm 2024.​

Tỉnh có diện tích trồng lúa lớn nhất nước, bắt đầu trồng lúa chất lượng cao
Mô hình canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp của HTX Dịch vụ nông nghiệp Thanh niên sẽ thực hiện trong vụ Thu Đông 2024, vụ Đông Xuân 2024-2025 và vụ Hè Thu 2025

Một số hạng mục đầu tư chính của Đề án trên địa bàn tỉnh gồm: nâng cấp hệ thống tưới tiêu, cải thiện hệ thống giao thông, hỗ trợ cơ sở hạ tầng chuỗi giá trị lúa gạo, hỗ trợ nông nghiệp kỹ thuật số, cơ giới hóa đồng bộ… 

Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thanh niên Phú Hòa Nguyễn Văn Huỳnh chia sẻ: “Tôi và xã viên rất vinh dự khi được chọn làm đơn vị đầu tiên của tỉnh khởi động Đề án với diện tích 50ha, 25 hộ tham gia. Việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trên đồng ruộng từ lâu đã được hợp tác xã triển khai rất hiệu quả và được sự đồng tình ủng hộ của người dân. Do đó, khi tham gia, bà con xã viên thấy tự tin và thực hiện thành công Đề án”.

Các hộ tham gia Đề án sẽ nhận được sự hỗ trợ như giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, sau khi thu hoạch lúa Hè Thu 2024, nông dân không đốt rơm rạ thay vào đó sẽ được vận chuyển ra khỏi đồng ruộng. Đồng thời, ứng dụng cơ giới hóa máy sạ cụm, sạ hàng, Drone phun phân, thuốc, giống để giảm lượng giống, lượng phân thuốc và lượng nước sử dụng trên đồng ruộng.

Tỉnh có diện tích trồng lúa lớn nhất nước, bắt đầu trồng lúa chất lượng cao
Tham gia Đề án, ngoài việc góp phần làm tăng chuỗi giá trị cho nông dân, còn góp phần đáng kể vào công tác bảo vệ môi trường, phát thải thấp

Theo lãnh đạo Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, hiệu quả chung của Đề án là nâng cao giá trị toàn chuỗi thêm 40%, tỷ suất lợi  nhuận của người trồng lúa tăng 50%. Hiệu quả xã hội là 1 triệu hộ nông dân được đào  tạo và áp dụng canh tác bền vững, góp phần bảo vệ môi trường và giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính.

Đề án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững ở đồng bằng sông Cửu Long và hình thành, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn ổn định lâu dài, bảo đảm chất lượng canh tác bền vững, hiệu quả.

Lãnh đạo Cục trồng trọt, Bộ NN&PTNT cho biết, hiện nay Bộ NN&PTNT đã triển khai 7 mô hình thí điểm của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, tại 5 địa phương, gồm: TP. Cần Thơ, tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng, Kiên Giang và Trà Vinh. Riêng tỉnh Kiên Giang và Trà Vinh mỗi địa phương có hai mô hình.

Mỗi mô hình triển khai 50ha và hoàn toàn tuân thủ theo các quy trình canh tác bền vững giảm phát thải của Cục Trồng trọt ban hành, đồng thời thực hiện liên kết theo đúng các tiêu chí của Đề án, bao gồm yếu tố vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra.

Cùng với mô hình thí điểm của Bộ, tại 12 tỉnh, thành phố, đồng bằng sông Cửu Long đã và đang xây dựng kế hoạch để triển khai các mô hình, theo đó mỗi huyện sẽ có từ một đến hai mô hình quy mô khoảng 50ha. Song song đó, Bộ đã xây dựng các kế hoạch triển khai đề án được phê duyệt, theo lộ trình đến năm 2025 đạt khoảng 180.000ha.



 

Nguyễn Hành
#