Thực hiện chương trình OCOP Hà Nội

Thạch Thất khẳng định vị trí dẫn đầu

- Thứ Ba, 29/08/2023, 06:58 - Chia sẻ

Sau gần 4 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện Thạch Thất là một trong những đơn vị có nhiều sản phẩm được UBND thành phố Hà Nội đánh giá, xếp hạng, công nhận với 142 sản phẩm. Kết quả này nhờ nỗ lực của các chủ thể, cùng sự chung tay góp sức của chính quyền trong triển khai, phổ biến chương trình, chính sách đối với sản phẩm OCOP trên địa bàn.

Hàng trăm sản phẩm được gắn sao

Thạch Thất là đơn vị dẫn đầu thành phố về số lượng sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được đánh giá, xếp hạng, công nhận với 142 sản phẩm, trong đó có 114 sản phẩm đạt 4 sao, 28 sản phẩm đạt 3 sao. Nhiều sản phẩm OCOP của huyện ược người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng như: sản phẩm gỗ trường kỷ, đồng hồ, sập thờ của hộ kinh doanh Nguyễn Trung Đức (xã Canh Nậu); rau ăn lá, củ, quả theo mùa của Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Ngải; rau hữu cơ của trang trại Hoa Viên (xã Yên Bình)… Để đạt kết quả này, bên cạnh nỗ lực của các chủ thể, phải kể đến sự chung tay góp sức của chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, phổ biến chương trình, chính sách đối với sản phẩm OCOP trên địa bàn.

Thạch Thất khẳng định vị trí dẫn đầu -0

Hà Nội hiện có 806 làng nghề và làng có nghề. Tính đến hết năm 2022, có 321/806 làng đã được thành phố công nhận danh hiệu làng nghề, làng nghề truyền thống với 6/7 nhóm nghề của cả nước, gồm 48 làng nghề truyền thống, 273 làng nghề. Bên cạnh các làng nghề, Hà Nội còn có 1.136 HTX nông nghiệp đang hoạt động, 1.695 trang trại, 149 chuỗi liên kết được duy trì và phát triển, hơn 164 mô hình ứng dụng công nghệ cao, và hàng nghìn sản vật nông nghiệp nức tiếng xưa nay. Đây là điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện Chương trình OCOP, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn, xây dựng nông thôn mới bền vững.  

Hiện, TP. Hà Nội đã đánh giá, phân hạng và chứng nhận được 2.167/9.852 sản phẩm OCOP cả nước (chiếm 22%), gồm 6 sản phẩm được Trung ương công nhận 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.369 sản phẩm 4 sao, 780 sản phẩm 3 sao, Trong đó: ngành thực phẩm 1.372 sản phẩm, ngành đồ uống 47 sản phẩm, ngành thảo dược 39 sản phẩm, ngành thủ công mỹ nghệ 660 sản phẩm, ngành vải và may mặc 47 sản phẩm, du lịch 2 sản phẩm và trở thành điểm sáng, đi đầu của cả nước trong phát triển Chương trình OCOP. Chương trình OCOP đã đánh thức tiềm năng sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp thủ đô và là "cú hích" làm đổi mới tư duy sản xuất, đánh đúng, trúng nhu cầu tiêu dùng, tạo chuyển dịch mạnh mẽ trong xây dựng và phát triển kinh tế nông thôn.

Thời gian qua, thành phố cũng luôn quan tâm, tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo kết nối giao thương, trưng bày sản phẩm nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại, tổ chức các tuần hàng giúp cho các chủ thể giới thiệu sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng. Qua đó, sản phẩm OCOP và các đặc sản vùng, miền từng bước được người tiêu dùng nhận diện, đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã bao bì, phong phú về chủng loại, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn. 

Phó Chánh Thường trực Văn phòng Điều phối Nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí

Chủ trang trại Hoa Viên Trương Kim Hoa cho biết: với quy mô hơn 30ha, trang trại chuyên sản xuất rau hữu cơ, trong đó có nhiều loại rau rừng, thảo dược mang tính đặc sản, quy trình sản xuất chặt chẽ, tuân thủ nghiêm ngặt quy định về sản xuất rau hữu cơ, đạt các chứng nhận quốc tế, một số sản phẩm rau đạt tiêu chuẩn OCOP. Nhờ xây dựng được thương hiệu OCOP nên sản phẩm rau của trang trại tiêu thụ mạnh tại các kênh phân phối hiện đại, hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch...

Tương tự, bà Nguyễn Thị Ánh ở xã Phú Kim có 1ha trồng bưởi Diễn, năm 2019, gia đình đăng ký tham gia Chương trình OCOP và đạt 3 sao. Nhờ đó, bưởi có giá trị cao, thu khoảng 420 triệu đồng/ha/năm. “Đặc biệt, tham gia Chương trình OCOP, các hộ nông dân chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang tập trung, theo hướng an toàn, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm”, bà Nguyễn Thị Ánh cho biết thêm. Hay như, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Ngải Nguyễn Đỗ Ban chia sẻ: hợp tác xã đã tham gia Chương trình OCOP từ năm 2019. Sau khi được công nhận, sản phẩm OCOP của hợp tác xã được tiêu thụ theo chuỗi ở các siêu thị và bếp ăn tập thể nhiều hơn, thu nhập của các hộ tham gia vào hợp tác xã cao hơn.

Thực tế cho thấy, các sản phẩm làng nghề truyền thống, nông sản trên địa bàn huyện được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP sẽ mở ra cơ hội mới trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các chủ thể. Tham gia Chương trình OCOP, các hộ nông dân chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang tập trung, theo hướng an toàn, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Trần Đức Thanh: nhờ triển khai hiệu quả Chương trình OCOP, các chủ thể chuyển từ sản xuất truyền thống sang hiện đại, đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, thay đổi mẫu mã... đáp ứng nhu cầu thị trường; tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Nhờ đó, đã đóng góp vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung trên địa bàn huyện. Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn toàn huyện ước thực hiện năm 2023 đạt 35.913.480 triệu đồng, tăng trưởng đạt 12,5%/năm và ước thu nhập bình quân đầu người năm 2023 là 100 triệu đồng/người, mục tiêu đến năm 2025 là 120 triệu đồng/người.

Phấn đấu thêm 300 sản phẩm được xếp hạng OCOP

Để hỗ trợ các chủ thể tham gia Chương trình OCOP, những năm qua, huyện Thạch Thất phối hợp với các đơn vị tư vấn hướng dẫn các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân có sản phẩm tham gia OCOP sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ. Đối với các chủ thể tham gia OCOP tại các làng nghề, tập trung đầu tư, nâng cấp hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại, thiết kế nhãn hiệu, mẫu mã, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm… phù hợp nhu cầu thị trường và chuẩn bị hồ sơ để UBND thành phố đánh giá phân hạng.

Sản phẩm OCOP huyện Thạch Thất ngày càng khẳng định chỗ đứng trên thị trường (ảnh bài chính)
Sản phẩm OCOP huyện Thạch Thất ngày càng khẳng định chỗ đứng trên thị trường

Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Kim Loan cho biết: xác định Chương trình OCOP là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống nông dân, dựa vào tiềm năng, huyện tiếp tục quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã đưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Cùng với đó, các làng nghề cũng không ngừng cải tiến mẫu mã chất lượng sản phẩm, tạo hàng hóa chất lượng cao. Huyện còn hỗ trợ các chủ thể tham gia Chương trình OCOP về đào tạo nhân lực, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP… Với tiềm năng và kết quả đạt được, Thạch Thất sẽ sớm hoàn thành mục tiêu có 300 sản phẩm được xếp hạng OCOP 3-5 sao vào năm 2025, tiếp tục là điểm sáng thực hiện Chương trình OCOP của Hà Nội.

Thời gian qua, TP. Hà Nội đã đẩy mạnh tuyên truyền về Chương trình OCOP, sản phẩm OCOP để các doanh nghiệp, cá nhân nhận diện, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn các chủ thể có sản phẩm OCOP sản xuất cung ứng sản phẩm OCOP bảo đảm tiêu chuẩn, yêu cầu, thị hiếu, thủ tục của nhà phân phối, người tiêu dùng nhằm đẩy mạnh khai thác, tiêu thụ sản phẩm OCOP chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, giá cả phù hợp.

Phó Chánh Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố Nguyễn Văn Chí cho biết: thành phố tổ chức các sự kiện, tuần hàng tiêu thụ sản phẩm OCOP và hàng nông sản là hoạt động giúp cho các chủ thể sản xuất, kinh doanh tăng cường kết nối giao thương tìm đầu ra cho sản phẩm, trao đổi kinh nghiệm về chuyển đổi số, các giải pháp thích ứng linh hoạt sau đại dịch và biến động thị trường. Đặc biệt, đây còn là hoạt động thiết thực hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới.

Tuy vậy, theo Phó Chánh Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố: các chủ thể có sản phẩm OCOP được UBND thành phố công nhận cần tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị để đưa sản phẩm OCOP ngày càng phát triển. Các đơn vị phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng Online tăng cường kết nối giao thương, tiêu thụ các sản phẩm OCOP để người tiêu dùng nhận diện thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP.  

__________

Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội

Khánh Duy