Quận Tây Hồ phát triển OCOP gắn với du lịch

- Chủ Nhật, 28/01/2024, 07:54 - Chia sẻ

Với hơn 40 sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), quận Tây Hồ thuộc nhóm địa phương đi đầu, và là "điểm sáng" của TP. Hà Nội trong triển khai thực hiện chương trình này. Một trong những điểm nhấn tạo nên sức hút cho các sản phẩm OCOP quận đó là phát triển sản phẩm OCOP thành đặc sản của địa phương gắn với phát triển du lịch.

Mỗi phường đều có sản phẩm OCOP

Thời gian qua, quận Tây Hồ luôn chú trọng phát triển các sản phẩm OCOP xuất phát từ các làng nghề truyền thống, nghề gia truyền gắn với du lịch và dịch vụ. Với những lợi thế sẵn có, cùng sự quan tâm của thành phố, cũng như quận, đến nay Tây Hồ có trên 40 sản phẩm OCOP được thành phố đánh giá, công nhận.

Các sản phẩm truyền thống tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP
Các sản phẩm truyền thống tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP

Chỉ tính riêng trong năm 2023, quận đã tổ chức đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP đối với 20 sản phẩm, của 8 chủ thể trên địa bàn. Trong đó, với 5 chủ thể lựa chọn sản phẩm tham gia OCOP là các loại bánh truyền thống đặc trưng của quận (bánh nướng, bánh dẻo, bánh chả, bánh cốm…): Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Thanh Hương; hộ kinh doanh bánh trung thu Bảo Phương; hộ kinh doanh Thanh Vân; hộ kinh doanh Đỗ Thế Gia; hộ kinh doanh bánh trung thu Ba Thể. Ngoài ra, còn có sản phẩm trà sen Hiền Xiêm của hộ kinh doanh Lưu Thị Hiền; một số thực phẩm chế biến: giò lụa, giò tai nấm, xúc xích, chả cốm của Công ty TNHH Thảo Nguyên Hà Nội; bò ướt tỏi, bò sấy khô của hộ kinh doanh Quân Giang Âu Cơ…

Là đời thứ 5 trong một gia đình giàu truyền thống về bánh, kẹo Đỗ Thế Gia tại Hà Nội, bà Đỗ Thu Thủy, đại diện cho thương hiệu bánh mứt kẹo gia truyền Đỗ Thế Gia Đỗ Thu Thủy cho biết: được quận phổ biến về Chương trình OCOP, chúng tôi nhận thấy đây là chương trình có ý nghĩa thiết thực không chỉ với chủ thể sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, mà còn với cả đến người tiêu dùng. Thông qua Chương trình đã giới thiệu đến người tiêu dùng những sản phẩm đặc sắc có chất lượng tốt, mang lại giá trị kinh tế cho nhà sản xuất. Bên cạnh đó, tạo công việc cho người dân, giúp nâng cao thu nhập cho những người lao động, sản xuất trên địa bàn. Với người tiêu dùng, qua Chương trình OCOP sẽ yên tâm, tin tưởng hơn khi lựa chọn những sản phẩm đã được chứng nhận OCOP vừa có chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

"Quá trình tham dự chương trình, cơ sở sản xuất bánh kẹo Đỗ Thế Gia đã được UBND quận hỗ trợ tốt công tác tư vấn, làm hồ sơ tham dự đánh giá sản phẩm, qua đó chủ thể tham gia chương trình tự tin với sản phẩm mình lựa chọn"- chủ hộ kinh doanh Đỗ Thế Gia nhấn mạnh.

Tương tự, với sản phẩm Trà sen Hiền Xiêm - sản phẩm được sản xuất thủ công, truyền thống lâu đời, được sự quan tâm giúp đỡ của UBND quận, phòng Kinh tế quận đã tạo điều kiện tham dự Chương trình OCOP. Nghệ nhân Lưu Thị Hiền cho biết: 1 năm cơ sở sản xuất 3-4 tạ một/vụ, với giá thành 8-10 triệu/1kg, sản phẩm sản xuất không đủ để cung cấp ra thị trường. Tuy nhiên, theo nghệ nhân, quận, thành phố cần tạo điều kiện hơn nữa để cơ sở trồng khu vực sen có thêm nguồn nguyên liệu sản xuất trà.

Bên cạnh những sản phẩm truyền thống tham dự chương trình OCOP, trong thời gian qua, quận Tây Hồ chú trọng đến các sản phẩm ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao. Công ty TNHH thực phẩm Thảo Nguyên là một ví dụ điển hình. Theo Giám đốc Công ty Nguyễn Thị Nguyên: Công ty có 35 sản phẩm, trung bình đạt sản lượng 800-1.000kg/ngày với mỗi sản phẩm. Tham gia thị trường thực phẩm đã được 15 năm nên nguyên liệu đầu vào sản xuất, Công ty đều lựa chọn những nhà cung cấp uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thực phẩm sạch hữu cơ. Nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ của Cộng hòa Liên bang Đức nên sản phẩm của Công ty đều đạt chuẩn theo yêu cầu. Tham gia Chương trình OCOP, Công ty ngày càng hoàn thiện tốt hơn mẫu mã, bao bì, tem nhãn cũng như tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn đánh giá.

Theo Phó Trưởng Phòng Kinh tế quận Nguyễn Thị Thanh Hương, quận phát triển theo hướng du lịch - dịch vụ, vì vậy các sản phẩm tham gia chương trình OCOP đều là những sản phẩm truyền thống, lâu đời đơn cử như: xôi Phú Thượng; đào Nhật Tân; bánh trung thu Bảo Phương… Năm 2023, việc đánh giá các tiêu chí đối với sản phẩm tham dự Chương trình OCOP khó khăn hơn, tạo áp lực không nhỏ cho các chủ thể. Nhờ công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức được lợi ích của việc tham gia chương trình, các chủ thể đều nhiệt tình tham dự. Bên cạnh đó, các chủ thể đều nỗ lực hoàn thiện sản phẩm để phấn đấu nâng hạng đối với sản phẩm mình đã tham gia. Qua đó, sản phẩm trên địa bàn quận ngày càng phong phú, luôn nỗ lực đáp ứng các tiêu chí do ban tổ chức đưa ra. Đến nay trên địa bàn quận có hơn 40 sản phẩm, các sản phẩm đều đạt OCOP 3 sao trở lên, có những sản phẩm tiềm năng 5 sao. 

Tạo động lực thúc đẩy phát triển Chương trình OCOP

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Nguyễn Thanh Tịnh: Những năm qua, quận xác định OCOP là một trong những chương trình trọng tâm mang lại hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ nâng cao giá trị “đặc sản vùng miền” của các sản phẩm đặc trưng và tiềm năng riêng có. Các sản phẩm OCOP của quận được ghi nhận, đánh giá cao về chất lượng, được thị trường đón nhận tích cực.

Theo Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24.2.2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí và quy định đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm có bổ sung một số tiêu chí mới nhằm nâng cao chất lượng, giá trị và khai thác các giá trị văn hóa của sản phẩm OCOP. Cụ thể, đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP phân cấp cho UBND cấp huyện đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao; UBND cấp tỉnh đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP đạt 4 sao; Trung ương đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP đạt 5 sao (OCOP cấp quốc gia).

Giai đoạn 2018-2022, sau hơn 3 năm triển khai Chương trình OCOP, toàn quận đã phát triển được 23 sản phẩm OCOP với sự tham gia của các chủ thể tại 6/8 phường có sản phẩm được UBND thành phố đánh giá, phân hạng. Đáng chú ý, các sản phẩm OCOP của quận được Hội đồng OCOP thành phố Hà Nội đánh giá rất cao. Cụ thể, có đến 20/23 sản phẩm được UBND thành phố cấp giấy chứng nhận OCOP 4 sao; năm 2023, hơn 20 sản phẩm OCOP đã được quận đánh giá phân hạng. Bên cạnh đó, việc thường xuyên được hỗ trợ để tham gia các tuần hàng, hội chợ xúc tiến thương mại, du lịch Festival… cũng là cơ hội để các chủ thể quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng. 

Năm 2024, Tây Hồ xác định mục tiêu tăng cường nâng cao, mở rộng các sản phẩm OCOP, đáp ứng việc phát triển kinh tế, du lịch làng nghề trên địa bàn quận; tiếp tục giữ vững và lan tỏa những giá trị, thương hiệu, sở hữu trí tuệ nhãn hiệu tập thể làng nghề, sản vật của quận... Theo đó, quận ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP theo nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng và các điểm du lịch, kết nối để tạo thành sản phẩm “Dịch vụ du lịch OCOP Tây Hồ”.

Với phương châm đó, quận đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và UBND các phường, Hiệp hội làng nghề, Hợp tác xã và các hộ kinh doanh trên địa bàn quận tích cực tuyên truyền Chương trình OCOP đến với người dân, tích cực vận động các chủ thể, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh nổi tiếng xưa, nay tham gia chương trình OCOP. Qua đó, để chương trình OCOP của quận có thêm những sản phẩm truyền thống, nổi tiếng. Thông qua chương trình, nhiều câu chuyện làm nên thương hiệu đặc biệt như: chè sen Hiền Xiêm; bánh mứt kẹo Đỗ Thế Gia; Hộ kinh doanh Bánh trung thu Bảo Phương nổi tiếng xưa nay đất Hà Thành… đến được với người tiêu dùng. Qua đó, đã giữ vững và lan tỏa những giá trị truyền thống của thương hiệu, làm giàu và phong phú thêm sản phẩm truyền thống đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao và tiềm năng 5 sao.

Kết quả trên là nhờ thời gian qua, quận chủ trương hỗ trợ các chủ thể phát triển các sản phẩm tiềm năng OCOP của quận, tạo động lực thúc đẩy phát triển Chương trình OCOP; tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể tham gia hệ sinh thái các sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng và thị trường. Quận cũng chú trọng kết nối, mở rộng tiếp cận các kênh phân phối, chương trình bán hàng hiện đại, thông qua kênh thương mại điện tử; cải thiện nâng cao mẫu mã, bao bì gắn với kể câu chuyện sản phẩm để đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại, du lịch đối với sản phẩm OCOP quận Tây Hồ đến với đông đảo người tiêu dùng, vươn xa hơn nữa tại thị trường trong nước và quốc tế.

__________

Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP. Hà Nội

Khánh Duy
#