Gia Lai kết nối nguồn lực nâng cao chất lượng giáo dục

Phát triển mô hình giảng dạy ngôn ngữ dân tộc thiểu số

- Thứ Sáu, 15/12/2023, 08:36 - Chia sẻ

Thực hiện nhiệm vụ chung của giáo dục dân tộc (GDDT) năm học 2023 - 2024 là tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương của Đảng, Quốc hội và Nhà nước về đổi mới và phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh Gia Lai đang ưu tiên mọi nguồn lực để đầu tư kiên cố hóa trường lớp, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, thực hiện tốt chính sách đối với người dạy, người học, triển khai nhiều giải pháp hiệu quả phát triển mô hình giảng dạy ngôn ngữ dân tộc thiểu số (DTTS).

Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất

Để nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào DTTS, ngành giáo dục tỉnh Gia Lai đã thực hiện nhiều giải pháp, bảo đảm kế hoạch triển khai “Chương trình phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”. Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai đã chỉ đạo các đơn vị cơ sở thực hiện tốt việc đánh giá điều kiện duy trì công tác giáo dục trên địa bàn, có giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo các cấp học vùng đồng bào DTTS. Đặc biệt, chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học cho các cơ sở giáo dục ở khu vực đơn vị quản lý. Đơn cử, các điểm trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT), Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT), liên tục được rà soát, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất trường, lớp, công trình. Từ đó lập kế hoạch đầu tư nâng cấp, cải tạo, sửa chữa để bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên; đặc biệt chú ý đối với các trường ở khu vực có nguy cơ sạt lở đất, gần sông suối.

Ngành giáo dục tập trung rà soát, tổ chức lại cơ sở giáo dục vùng đồng bào DTTS chưa bảo đảm các điều kiện để học sinh hoạt và học tập. Nhất là các trường PTDTNT, bán trú có tổ chức ăn, ở tập trung cho học sinh. Tùy tình hình thực tế với quy hoạch và điều kiện của địa phương, bố trí con em bà con DTTS có điều kiện thuận lợi nhất trong quá trình học tập.

,Gia Lai đề xuất ưu tiên kinh phí mở rộng mạng lưới trường mầm non
Gia Lai phấn đấu 2025 đạt 65% số trường mầm non được công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục. Nguồn: ITN

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai cho biết, các đơn vị, cơ sở Giáo dục và Đào tạo ở vùng DTTS thường xuyên được quán triệt xây dựng các giải pháp để đưa con em bà con DTTS từ mầm non đến phổ thông được đến trường đầy đủ và đúng độ tuổi. Chú trọng tập trung tăng tỷ lệ trẻ em DTTS 5 tuổi đi học mẫu giáo, tỷ lệ học sinh DTTS hoàn thành cấp tiểu học, THCS. Không để các em vì hoàn cảnh khó khăn mà phải bỏ học nhằm nâng cao kết quả phổ cập giáo dục.

Thầy Nguyễn Văn Tuyển, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lơ Pang, xã Lơ Pang, huyện Mang Yang chia sẻ, mặc dù điều kiện còn nhiều khó khăn, song nhà trường bằng nhiều nguồn kinh phí từ ngân sách đến xã hội hóa đã vận động, quyên góp sách vở, truyện tranh, dụng cụ học tập cũng như đồ chơi cho các em nhỏ trong khuôn viên sân trường. Niềm hạnh phúc nhất của nhà trường cũng như của thầy cô, học sinh là trường đã hoàn thiện xong cơ sở vật chất, trường học, lớp học, bàn ghế cũng như các dụng cụ trợ giảng cho các em. Đây là động lực để giáo viên và học sinh cố gắng đạt những thành tích tốt nhất trong sự nghiệp giáo dục vùng sâu.

Duy trì giảng dạy ngôn ngữ dân tộc thiểu số

Để công tác giáo dục gắn với thực tế văn hóa của địa phương, đồng thời tuyên truyền, nâng cao nhận thức, duy trì bản sắc dân tộc cho học sinh trong các trường PTDTNT cấp THPT, ngành giáo dục Gia Lai ngoài việc huy động các nguồn lực tài chính đầu tư cơ sở vật chất, còn chú ý duy trì đào tạo ngôn ngữ DTTS tùy theo địa bàn. Các chương trình dạy tiếng DTTS được quan tâm, chú trọng. Các cơ sở giáo dục duy trì và phát triển quy mô trường, lớp, học sinh học tiếng Bahnar và tiếng Jrai ổn định.

Mặt khác, ngành giáo dục còn chú trọng tăng cường phối hợp với các cơ quan như: Ban Dân tộc, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch… phát triển các ấn phẩm bằng tiếng nói, chữ viết DTTS, cung cấp thêm tài liệu tham khảo cho giáo viên và học sinh trong dạy học. Đồng thời tổ chức các lớp dạy tiếng DTTS cho cán bộ công tác ở vùng DTTS, miền núi, thực hiện đầy đủ, bảo đảm chế độ, chính sách phát triển giáo dục vùng DTTS.

Ngành giáo dục tỉnh Gia Lai hướng tới kết nối nguồn lực nâng cao chất lượng giáo dục
Ngành giáo dục tỉnh Gia Lai hướng tới kết nối nguồn lực nâng cao chất lượng giáo dục. Nguồn: ITN

Gia Lai phấn đấu đến năm 2025 sẽ triển khai hiệu quả tổ chức dạy học tiếng Bahnar, tiếng Jrai ở cấp tiểu học vùng có đông học sinh là người DTTS. Cùng với đó, 80% cán bộ quản lý giáo dục có liên quan về dạy học tiếng DTTS được bồi dưỡng nâng cao năng lực kiến thức dân tộc và quản lý dạy học các ngôn ngữ này; bảo đảm đủ 100% sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn dạy học từ lớp 1 đến lớp 5 đối với tiếng Bahnar, tiếng Jrai được ban hành trong chương trình môn học. Mục tiêu đến năm 2030 ổn định tổ chức dạy học tiếng DTTS tại các trường trong hệ thống giáo dục địa phương.

Cùng với việc dạy học tiếng DTTS, các hoạt động tăng cường giao lưu ngôn ngữ cho học sinh tiểu học vùng DTTS cũng được quan tâm. Trong đó, chú trọng xây dựng môi trường giao tiếp, giao lưu tiếng Việt, tiếng DTTS cho trẻ em, học sinh. Bên cạnh đó, ngành giáo dục còn chú trọng bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, cộng tác viên hỗ trợ ngôn ngữ DTTS về tăng cường tiếng Việt cho trẻ em, học sinh DTTS và ngược lại.

Mỹ Ngọc
#