Phát triển du lịch quốc gia Sa Pa ngày càng thân thiện, hiếu khách

- Thứ Sáu, 05/04/2024, 20:05 - Chia sẻ

Chiều 5.4, tại Hà Nội, UBND Thị xã Sa Pa (Lào Cai) phối hợp UBND quận Hoàn Kiếm (TP. Hà Nội) tổ chức Hội thảo “Giải pháp phát triển du lịch quốc gia Sa Pa - Đặc sắc, hấp dẫn, thân thiện, chuyên nghiệp hướng tới đô thị du lịch sạch ASEAN”.

Đây là hoạt động nằm chuỗi sự kiện "Ngày hội Văn hóa du lịch Sa Pa tại Hà Nội" với mục đích xúc tiến, quảng bá, giới thiệu văn hóa - du lịch Sa Pa tại Hà Nội. 

Dự hội thảo có: Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Bùi Hoài Sơn; Tổng Thư ký Tổng cục Du lịch Việt Nam Vũ Quốc Trí; Phó Bí thư Thường trực Thị ủy thị xã Sa Pa Thào A Sinh; Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa Tô Ngọc Liễn; Phó Chủ tịch UBND Thị xã Sa Pa Đỗ Văn Tân; cùng đại diện lãnh đạo quận Hoàn Kiếm.

Đưa Sa Pa trở thành ngọn hải đăng phát triển du lịch
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Bùi Hoài Sơn phát biểu

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa Tô Ngọc Liễn cho biết: Sa Pa là thị xã trẻ của của tỉnh Lào Cai, được được nâng cấp thành thị xã từ ngày 1.1.2020 gồm: 10 xã và 6 phường với 84 thôn bản và 27 tổ dân phố, cách thủ đô Hà Nội hơn 300km, cách trung tâm Lào Cai 35km về phía Tây Nam, nằm trên trục Quốc lộ 4D từ Lào Cai đi Lai Châu, là cửa ngõ giữa hai vùng Đông Bắc và Tây Bắc. Với diện tích tự nhiên 68,473ha; dân số trên 72.000 người, gồm 6 dân tộc chính (Mông, Dao, Tày, Giáy, Xá Phó, Kinh).

Đưa Sa Pa trở thành ngọn hải đăng phát triển du lịch -0
Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa Tô Ngọc Liễn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thanh Bình

Trong những năm qua, với sự chung tay của Đảng bộ, chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương, hoạt động du lịch của Sa Pa ngày càng phát triển cả về chất và lượng; nhiều địa danh của Sa Pa đã được đánh giá, bình chọn với những danh hiệu ấn tượng như: 1/50 thị trấn đẹp nhất thế giới; 1/14 điểm đến cần phải khám phá khi tới châu Á; 1/10 điểm du lịch hấp dẫn nhất Đông Nam Á...

Sa Pa chính thức được công nhận là Khu du lịch Quốc gia vào năm 2017 và năm 2020 chính thức chuyển từ chính quyền nông thôn lên chính quyền đô thị, đây là lợi thế lớn cho sự phát triển của Sa Pa nói chung và du lịch Sa Pa nói riêng.

Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, từ năm 2020 đến hết quý I.2022, lượng khách du lịch giảm sâu. Tuy nhiên khi dịch bệnh được kiểm soát, du lịch Sa Pa đã nhanh chóng phục hồi – kết thúc năm 2022, thị xã Sa Pa đón trên 2,5 triệu lượt khách; đến năm 2023 – năm du lịch Sa Pa tròn 120 năm tuổi, thị xã đón trên 3,68 triệu lượt khách.

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe giới thiệu về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thị xã; thực trạng du lịch Sa Pa và định hướng phát triển trong thời gian tới. Trong đó, nhiều ý kiến đã gợi mở giải pháp quan trọng, định hướng cho chiến lược phát triển du lịch Sa Pa thêm đặc sắc, hấp dẫn, thân thiện, chuyên nghiệp - hướng tới đô thị du lịch sạch ASEAN trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội thảo, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Bùi Hoài Sơn cho biết: Với cảnh quan thiên nhiên hùng vỹ, khí hậu đặc trưng và văn hóa dân tộc độc đáo, Sa Pa là một trong những địa danh du lịch nổi tiếng của Việt Nam và thế giới. Sa Pa là một trong những thương hiệu hấp dẫn của du lịch Việt Nam. Theo đó, phát triển của Sa Pa sẽ là cảm hứng cho phát triển du lịch tỉnh Lào Cai. Đồng thời mong muốn các ý kiến tham gia sẽ là những tư liệu, luận cứ khoa học và bài học lý luận giúp thị Sa Pa nghiên cứu, tiếp thu và tổng hợp thành các nhóm giải pháp quan trọng, định hướng cho chiến lược phát triển du lịch Sa Pa trong giai đoạn tới, để Sa Pa thực sự xứng đáng là khu du lịch trọng điểm quốc gia mang tầm quốc tế.

"Ngày hội Văn hóa Du lịch Sa Pa tại Hà Nội" diễn ra từ ngày 5.4 đến hết ngày 7.4 tại Khu vực Lầu Bát Giác - Sau Tượng đài Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội với nhiều chương trình đặc sắc như: “Vũ điệu dưới trăng”; “Chợ tình”; Tái hiện không gian chợ phiên và chợ tình Sa Pa… Các chương trình hứa hẹn mang lại những trải nghiệm ý nghĩa, ấn tượng cho đông đảo du khách và Nhân dân Thủ đô Hà Nội.

Thanh Bình – An Nhiên
#