Thái Nguyên

Nhiều doanh nghiệp may đã có đủ đơn hàng đến hết quý II.2024

- Thứ Ba, 19/03/2024, 12:33 - Chia sẻ

Tính đến đầu tháng 3, hầu hết các doanh nghiệp may trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có đủ đơn hàng đến hết quý II.2024, thậm chí là cả năm. Đây là tín hiệu tích cực để hoàn thành mục tiêu sản xuất 115 triệu sản phẩm may của tỉnh trong năm 2024.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG Nguyễn Văn Thời chia sẻ, là một trong những doanh nghiệp may xuất khẩu hàng đầu trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện đã có đủ đơn hàng đến hết quý II.2024, chủ yếu là xuất khẩu cho các đối tác lớn như: Decathlon, Columbia, The Children’s Place, Sportmaster, Costco, Nike, Adidas… Công ty đặt mục tiêu năm 2014, doanh thu, sản lượng tăng trưởng từ 5 - 10% so với năm 2023. Nhờ ký được các đơn hàng có số lượng lớn và giá trị kinh tế cao, trong 2 tháng đầu năm, doanh thu tiêu thụ của đơn vị đạt 871 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ. Hiện tại, công ty đang tập trung sản xuất các đơn hàng của tháng 3 để kịp thời bàn giao, đồng thời tiếp tục tìm kiếm các đơn hàng mới.

Công ty CP Đầu tư và Phát triển TDT, trụ sở chính tại huyện Phú Bình, chuyên may may áo khoác jacket, áo polo xuất khẩu sang các nước châu Âu, ngay từ đầu năm, không khí lao động sản xuất của đơn vị đã rất nhộn nhịp. Số lượng đơn hàng dồi dào và giá trị kinh tế tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, 2 nhà máy của công ty đặt tại huyện Phú Bình và Đại Từ đã có đủ đơn hàng đến hết năm 2024. Đây là những tín hiệu tích cực để công ty nỗ lực hoàn thành mục tiêu doanh thu 20 triệu USD trong năm 2024 (tăng hơn 10% so với năm 2023) và tạo việc làm ổn định cho hơn 1.800 lao động.

Các doanh nghiệp chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ -0
 Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG đang hoạt động. Ảnh: ITN

Ông Nguyễn Viết Hạnh, Giám đốc Công ty CP may Thành Hưng cho biết: Năm nay, đơn vị sẽ tập trung tái cơ cấu thị trường. Ngoài duy trì các thị trường truyền thống, doanh nghiệp này còn mở rộng tìm kiếm thị trường xuất khẩu sang Nga, Hàn Quốc và một số nước châu Á...

Tính chung 2 tháng đầu năm nay, sản lượng may toàn tỉnh đạt 16,7 triệu cái (bằng 15% kế hoạch năm); giá trị xuất khẩu đạt 85,3 triệu USD. Tuy sản lượng chỉ bằng 99,9% so với cùng kỳ năm 2023, theo các doanh nghiệp may thì giá trị các đơn hàng lại tăng hơn từ 5 - 10%. Đây được xem là kết quả đáng ghi nhận, thể hiện nỗ lực của các doanh nghiệp may trong việc tìm kiếm, cơ cấu lại thị trường tiêu thụ.

Theo nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực dệt may, năm 2024, ngành dệt may cả nước nói chung và xuất khẩu may Thái Nguyên nói riêng sẽ có những tín hiệu tích cực giúp cho các doanh nghiệp hồi phục và tăng trưởng mạnh mẽ.

Các doanh nghiệp may của tỉnh đã và đang đề ra các giải pháp để nắm bắt các cơ hội cũng như nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Trước mắt, các doanh nghiệp tập trung vào chủ động tìm kiếm, khai thác thị trường trong nước và quốc tế; tập trung nghiên cứu sản phẩm mới, chất lượng mới... để làm các đơn hàng khó, kết cấu sản phẩm phức tạp, thời gian giao hàng nhanh. Đồng thời, nâng cao năng lực quản trị thông qua áp dụng chuyển số trong công tác quản trị sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; chú trọng đầu tư thiết bị hiện đại, tự động hóa, sản xuất xanh, sạch, thân thiện với môi trường...

Với những đặc điểm cơ bản của thị trường ngành dệt may giai đoạn tới, các chuyên gia cũng khuyến nghị thêm đối với các doanh nghiệp may cần bám sát thị trường, đối tác để có những dự báo, xây dựng phương án sản xuất, duy trì hoạt động; tận dụng tối đa những cơ hội từ FTA mang lại, đơn cử như Việt Nam là quốc gia duy nhất ký kết FTA với tác cả đối tác kinh tế lớn trên toàn cầu như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Anh, Nga và Eu; chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 được Chính phủ phê duyệt mới đây sẽ là nền móng thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sợi - dệt - nhuộm...

Phan Phương
#