Thừa Thiên Huế

Nâng cao chất lượng dân số vùng dân tộc thiểu số

- Thứ Năm, 12/10/2023, 15:52 - Chia sẻ

Việc triển khai hiệu quả công tác chăm sóc sức khoẻ, nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng khó khăn, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Xác định điều này, thời gian tới tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục tăng cường công tác y tế để đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại.

Nâng cao chất lượng dân số vùng dân tộc thiểu số  -0
Tập huấn kỹ năng về nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 

Vẫn còn sự chênh lệch

Theo Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 2016-2022, kết quả thực hiện chính sách dân tộc và công tác dân tộc là đáng ghi nhận và đem lại hiệu quả nhất định, giúp đồng bào dân tộc thiểu số có ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo. Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống giảm. Nhiều hộ gia đình và cá nhân đã nhận thức được tầm quan trọng của công tác bình đẳng giới trong phát triển kinh tế-xã hội và giữ gìn hạnh phúc gia đình.

Tuy nhiên, theo Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế, tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các chỉ số, dân số, tuổi thọ thấp hơn bình quân cả nước. Sự chênh lệch này một phần do điều kiện đời sống khó khăn, chế độ dinh dưỡng khả năng tiếp cận dịch vụ sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình còn hạn chế.

Đơn cử, tại huyện vùng cao A Lưới, tính đến cuối năm 2022 dân số toàn huyện có khoảng 53.828 người, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm trên 77,09%. Cuối năm 2022, hộ nghèo dân tộc thiểu số là 5.137 hộ chiếm 95,1%. Với đặc thù là huyện miền núi, người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao nên chất lượng dân số còn ở mức thấp.

Theo số liệu được đưa ra tại Hội nghị triển khai Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh thường gặp ở người cao tuổi; giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống do UBND huyện A Lưới vừa tổ chức, trong 8 tháng năm 2023, toàn huyện có 13 trường hợp tảo hôn, giảm 4 trường hợp so với cùng kỳ và không xảy ra trường hợp kết hôn cận huyết thống. Tuy nhiên, tỷ lệ tảo hôn vẫn còn cao so với mặt bằng chung của toàn tỉnh và có xu hướng gia tăng đột biến tại một số xã như Trung Sơn, Hồng Hạ.

Tiếp tục tăng cường công tác y tế

Để cải thiện tình hình sức khỏe người dân tộc thiểu số, đại diện Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ, Sở đã phối hợp với các ban, ngành liên quan, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh đầu tư cũng như củng cố mạng lưới y tế. Đẩy mạnh tuyên truyền nhằm ngăn chặn, đẩy lùi các hủ tục lạc hậu như tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Sau thời gian triển khai các chính sách, dự án đầu tư, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, 87,5% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, 100% trạm y tế cấp xã có đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; 100% xã có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng đủ để đáp ứng nhu cầu học tập và phổ biến kiến thức cho người dân; 100% hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh, trên 55% số hộ gia đình sử dụng nước sạch…

Thời gian tới, Sở Y tế sẽ tiếp tục tăng cường công tác y tế để đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại; khống chế, tiến tới loại bỏ dịch bệnh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nâng cao tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế. Tăng số phụ nữ có thai được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế; giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thấp còi tại địa bàn dự án.

Cùng với đó, sẽ tiếp tục đầu tư, củng cố mạng lưới y tế cấp huyện, xã; đào tạo đội ngũ cán bộ y tế cơ sở, y tế và cộng tác viên dân số thôn, bản đạt chuẩn; nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Đặc biệt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm ngăn chặn, đẩy lùi các hủ tục lạc hậu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, như tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống...

Bảo Văn
#