Nam Định: Phát huy vai trò của hợp tác xã trong xây dựng nông thôn mới

- Thứ Hai, 04/12/2023, 14:39 - Chia sẻ

Với các hoạt động thiết thực, thành phần kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) đã tạo động lực cho nông nghiệp, nông thôn phát triển, góp phần sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu do tỉnh Nam Định đề ra.

Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển

Theo Phó Chủ tịch phụ trách Liên minh HTX tỉnh Nam Định Trần Văn Phiệt, Nam Định là một trong 2 tỉnh về đích chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh sớm nhất cả nước vào năm 2019, vượt trước 1,5 năm so với kế hoạch đề ra. 

Toàn tỉnh hiện có 480 HTX đang hoạt động trong các ngành, lĩnh vực kinh tế, trong đó có 377 HTX nông nghiệp, thu hút 376.813 thành viên là cá nhân, hộ gia đình, đồng thời tạo việc làm cho 7.525 lao động. Thời gian qua, các HTX nông nghiệp đã phát huy vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho nông dân, tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản.

Đặc biệt, sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, cùng với các thành phần kinh tế khác, kinh tế tập thể, HTX bước vào giai đoạn phục hồi và có bước phát triển, tiếp tục xây dựng được nhiều mô hình HTX mới. Số HTX có sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu đáp ứng nhu cầu của thành viên và của thị trường ngày càng tăng. Các HTX đã tổ chức tốt các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gắn với tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho các thành viên. Thu nhập bình quân của thành viên, người lao động đạt 43 triệu đồng/người/năm. Toàn tỉnh đến nay có 78 HTX nông nghiệp thực hiện liên kết với các đối tác trong sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản cho các hộ thành viên; 1.136 tác nhân tham gia liên kết thực hiện chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, trong đó có 997 hộ nông dân, 78 HTX và 33 doanh nghiệp.

Tỉnh tiếp tục phát huy thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu của các địa phương, tỉnh đã có 51 HTX với 86 sản phẩm của các HTX được đánh giá sản phẩm OCOP xếp hạng 3 sao và 4 sao (chiếm 24,5% tổng sản phẩm OCOP toàn tỉnh); nổi bật có 2 sản phẩm là nghêu thịt hộp Lenger của Công ty TNHH thuỷ sản Lenger Việt Nam (TP. Nam Định) và gạo sạch chất lượng cao 888 của Công ty TNHH Toản Xuân (huyện Ý Yên) đang trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá sản phẩm OCOP 5 sao.

Hết năm 2022, toàn tỉnh có 26 HTX ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 9 HTX áp dụng công nghệ trong canh tác; 10 HTX áp dụng công nghệ trong nuôi trồng, chế biến, bảo quản sản phẩm; 4 HTX ứng dụng công nghệ tự động hóa; 3 HTX áp dụng công nghệ sinh học, công nghệ sản xuất vật tư nông nghiệp.

Nam Định: Phát huy vai của hợp tác xã trong xây dựng nông thôn mới -0
Thành phần kinh tế tập thể, HTX tạo động lực cho nông nghiệp, nông thôn phát triển. Ảnh: ITN

Khoa học công nghệ là nền tảng

Đến nay, tỉnh đã xây dựng được 39 chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với quy mô liên huyện, liên tỉnh, được Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn theo Thông tư số 3075/QĐ-BNN-QLCL ngày 20.7.2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Giai đoạn 2019-2023, tỉnh đã tiếp nhận, ứng dụng 45 quy trình công nghệ, xây dựng 15 mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ sản xuất liên kết chuỗi trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao từ sản xuất giống cây trồng, chăn nuôi đến chế biến và nuôi thủy sản. Ngoài ra, nhiều mô hình HTX mới được ra đời với sự đổi mới về phương thức quản lý điều hành và phương án sản xuất, kinh doanh linh hoạt phù hợp. Nhiều HTX đã chú trọng ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất, tiêu thụ, tiếp cận huy động các nguồn vốn để đầu tư nâng cấp hạ tầng, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh. Tập trung tích tụ ruộng đất, đầu tư máy móc, thiết bị ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và tổ chức sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn gắn với chuỗi giá trị...

Một trong những HTX đi đầu trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất là HTX Sản xuất và Kinh doanh hoa cây cảnh Nam Phong (xã Nam Phong, TP. Nam Định đã được hỗ trợ đầu tư lắp đặt nhà màng hiện đại với hệ thống tưới nhỏ giọt, kho lạnh bảo quản hoa và hệ thống làm lạnh xử lý cây ra hoa như ý. Bên cạnh đó, HTX còn đầu tư hệ thống điều khiển tự động và bán tự động để điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm theo nhu cầu sinh trưởng ở từng giai đoạn của cây hoa. Từ đó giúp người trồng có thể chủ động chăm sóc, điều tiết quá trình sinh trưởng cho số lượng hoa hữu hiệu và chất lượng sản phẩm cao cung ứng cho thị trường.

Thời gian tới, các HTX trên địa bàn tỉnh tiếp tục đổi mới hoạt động, mở rộng quy mô sản xuất; đẩy mạnh xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế HTX gắn với chuỗi giá trị, tạo động lực cho quá trình xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân.

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, các huyện, thành phố sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tiếp tục phát huy giá trị, tạo điều kiện thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP của các địa phương. Chú trọng đầu tư xây dựng vùng sản xuất công nghệ cao, phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh. Qua đó phát huy vai trò của các HTX tiếp tục đóng góp xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng nông thôn, góp phần tích cực vào Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Tú Anh
#