Khát vọng vươn lên trên mảnh đất lịch sử Điện Biên

- Thứ Ba, 30/04/2024, 07:44 - Chia sẻ

Những ngày này, trên khắp mảnh đất Điện Biên, một bầu không khí rộn ràng, từ thành phố đến các thôn bản, đâu đâu cũng rực rỡ cờ hoa, băng rôn, biểu ngữ. Từ mảnh đất lịch sử từng chịu bao bom cày, đạn xới, sau 70 năm ghi dấu bằng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, giờ đây Điện Biên đã vươn mình đổi thay trên tất cả các lĩnh vực. 

Từ mảnh đất hoang tàn bởi chiến tranh

Những năm đầu sau chiến thắng Điện Biên Phủ (1954), mảnh đất Điện Biên chịu ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh, kết cấu hạ tầng bị bom đạn tàn phá, đâu đâu cũng là tàn tích chiến tranh; kinh tế hoàn toàn phụ thuộc vào nông nghiệp. Thời điểm đấy, sản xuất nông nghiệp còn rất thô sơ, lạc hậu, vẫn chủ yếu là độc canh, tự cấp, tự túc, đói nghèo đè nặng lên cuộc sống của đồng bào các dân tộc. 

Điện Biên đang trên đà phát triển xứng với tầm vóc Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Điện Biên đang trên đà phát triển xứng với tầm vóc Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm sau chiến dịch Điện Biên Phủ, trên địa bàn tỉnh chỉ trồng lúa được 1 vụ, còn 1 vụ bỏ hoang; năng suất cây lúa chỉ hơn 10 tạ/ha; đến năm 1963 năng suất lúa mới chỉ đạt hơn 20 tạ/ha, ngô đạt hơn 9,4 tạ/ha… Thời điểm đó, cả tỉnh phải phụ thuộc vào nguồn trợ cấp lương thực từ Trung ương và huy động sự hỗ trợ từ các địa phương khác.

Ông Lò Văn Hặc, 85 tuổi, bản Noong Nhai, xã Thanh Xương (huyện Điện Biên) nhớ lại: trong chiến dịch Điện Biên Phủ, TP. Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên phải hứng chịu biết bao trận mưa bom, lửa đạn. Mỗi tấc đất, mỗi gốc cây, ngọn cỏ đều thấm máu của những chiến sĩ Điện Biên quả cảm năm xưa đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của quê hương, của dân tộc. Năm 1954, hòa bình lặp lại, song để lại cho Điện Biên vết thương chiến tranh quá lớn. Nhà cửa, đường sá, cầu cống và các thôn bản bị tàn phá, đổ nát. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngập tràn vỏ bom, đạn. Thời kỳ đó, trên cánh đồng Mường Thanh chỉ có cỏ hoang và chi chít hố bom, dây thép gai chằng chịt. Một số diện tích còn sót lại chỉ cấy được một vụ lúa mỗi năm vì không có nguồn nước tưới và năng suất rất thấp. Thời điểm đó, cả tỉnh chung một mục tiêu là bảo đảm an ninh lương thực, giải quyết vấn đề thiếu đói.

Sau giải phóng Điện Biên, cao điểm giai đoạn 1959 - 1963, với khẩu hiệu “lấy Tây Bắc làm quê hương, lấy nông trường làm gia đình”, những chiến sĩ Điện Biên trở lại chiến trường, thanh niên xung phong tham gia vào Nông trường Điện Biên... bước vào trận chiến mới: cải tạo, khôi phục sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Đặc biệt, năm 1969, công trình đại thủy nông Nậm Rốm hoàn thành và đi vào hoạt động, với hai kênh tả - hữu dài hơn 30km ôm trọn thung lũng Điện Biên cung cấp nước tưới rất hiệu quả. Điện Biên bắt đầu bước vào công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh, tái thiết nền kinh tế - xã hội.

Vươn mình đổi thay

Thành phố Điện Biên Phủ một chiều tháng 4.2024, nắng vàng như rót mật xuống cánh đồng Mường Thanh khi lúa đang thì con gái. 70 năm trôi qua, Điện Biên Phủ xưa kia đã đổi thay từng ngày với nhiều công trình hạ tầng. Sân bay Mường Thanh năm nào giờ đã thành Cảng Hàng không Điện Biên với các chuyến bay thương mại Điện Biên - Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Hạ tầng giao thông đường bộ, đô thị, nông thôn mới… đang dần hoàn thiện. Kinh tế nông nghiệp phát triển mạnh với nhiều dự án nông nghiệp công nghệ cao, cánh đồng lớn, các sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn dần khẳng định được thương hiệu, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Du lịch đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với đa dạng các loại hình…

Ngày 2.12.2023, chiếc máy bay Airbus A321 mang số hiệu VN1802 (Hà Nội - Điện Biên) của Vietnam Airlines và chuyến bay mang số hiệu VJ298 của Vietjet Air (TP. Hồ Chí Minh - Điện Biên Phủ) lần lượt hạ cánh xuống đường băng Cảng hàng không Điện Biên. Đây là sự kiện lịch sử, mở ra thời kỳ, cơ hội mới thúc đẩy Điện Biên phát triển mạnh mẽ. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô cho biết: công trình Cảng hàng không Điện Biên có ý nghĩa hết sức quan trọng, mở ra những cơ hội mới trong thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với Điện Biên. Đây là tiền đề thuận lợi để tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh, nhất là du lịch - dịch vụ; tăng cường kết nối của tỉnh Điện Biên nói riêng và các tỉnh Tây Bắc nói chung với thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, từ đó tạo đà, tạo động lực để tỉnh Điện Biên bứt phá vươn lên trong thời gian tới.

Phát huy tinh thần cách mạng, đoàn kết một lòng giữa cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc, kinh tế Điện Biên đã từng bước phát triển, đạt nhiều kết quả quan trọng; năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,1%, cao hơn so với bình quân chung cả nước, xếp hạng 27/63 tỉnh, thành phố, đứng thứ 4/14 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Lượng khách du lịch ước đạt trên 1 triệu lượt người, tăng 23,46% so với năm 2022; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch tăng 26,45% so với cùng kỳ năm trước.

Song song với các công trình, diện mạo Điện Biên ngày càng đổi thay thực chất nhờ các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống tinh thần, vật chất cho nhân dân... Người dân được thụ hưởng đầy đủ, bảo đảm, kịp thời các chế độ, chính sách; được cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản, được đào tạo nghề, tạo việc làm mới... Trường học về đến những thôn bản xa xôi, gian khó nhất.

Có thể thấy, sau 70 năm giải phóng, Điện Biên đang vươn mình đổi thay, khoác lên mình “chiếc áo mới”. Từ diện mạo, hạ tầng đến những ngôi nhà mới khang trang. Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Điện Biên có thêm hàng nghìn gia đình phấn khởi đón xuân trong nhà mới. Từ bản làng vùng thấp đến những nơi “thâm sơn cùng cốc”, xa xôi cách trở trên khắp mảnh đất Điện Biên “mọc” lên biết bao ngôi nhà vững chãi...

Hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng

Điện Biên là tỉnh duy nhất có chung đường biên giới với 2 nước Trung Quốc - Lào; có đường hàng không đến Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Đặc biệt, Điện Biên là vùng đất lịch sử với chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, nơi lưu giữ các giá trị lịch sử, văn hóa quốc gia và đồng bào các dân tộc... Đây là điều kiện thuận lợi để tỉnh liên kết không gian, mở ra triển vọng phát triển kinh tế - xã hội. Khát vọng, tầm nhìn cho Điện Biên đổi mới, phát triển xứng tầm được đặt ra trong quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định mục tiêu: phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại, có năng suất và chất lượng cao kết hợp với công nghiệp chế biến, du lịch; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới. Đồng thời, nêu bật các đột phá, phương hướng phát triển từng ngành, lĩnh vực; phương án quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn và các khu chức năng; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội; phân bổ và khoanh vùng đất đai. Đặc biệt, Điện Biên được quy hoạch phát triển theo mô hình cấu trúc không gian 4 trục động lực - 3 vùng kinh tế - 4 cực tăng trưởng. Đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc; là một trong những trung tâm du lịch, dịch vụ, y tế của vùng.

Phương án tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội theo mô hình cấu trúc không gian có 4 trục động lực gồm: trục kinh tế động lực theo quốc lộ 279, tuyến cao tốc Điện Biên - Sơn La - Hà Nội gắn với Cảng hàng không Điện Biên; trục phát triển kinh tế dọc theo quốc lộ 12; trục phát triển kinh tế dọc theo quốc lộ 6; trục phát triển kinh tế dọc theo quốc lộ 4H kết nối với vùng phía Tây của tỉnh. 3 vùng kinh tế gồm: vùng kinh tế động lực phát triển đa dạng các lĩnh vực; vùng tập trung phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp và công nghiệp chế biến, du lịch và vùng nông lâm nghiệp, thủy sản, du lịch và thương mại dịch vụ. 4 cực tăng trưởng được xác định là thành phố Điện Biên Phủ, thị xã Mường Lay, thị trấn Tuần Giáo, thị trấn Mường Nhé; đây sẽ là cơ sở quan trọng để các địa phương định hướng quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với tiềm năng, lợi thế.

Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường khẳng định: quy hoạch tỉnh có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như quốc phòng - an ninh của địa phương; đây là một trong những động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Do đó, để tạo được động lực tăng trưởng mới, khai thác tối đa tiềm năng phát triển, tỉnh tiếp tục rà soát, điều chỉnh các quy hoạch chuyên ngành, nhất là quy hoạch về đất đai, xây dựng, tài nguyên… bảo đảm phù hợp, đồng bộ với quy hoạch tỉnh. Nghiên cứu, đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho từng thời kỳ, tạo động lực mới cho sự phát triển. 

Nhật Phương
#