Huyện Thạch Thất, Hà Nội phát huy giá trị từ “bảo vật văn hóa”

- Thứ Ba, 30/04/2024, 08:07 - Chia sẻ

Năm 2024 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng, là năm bứt phá để phấn đấu cơ bản hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 - 2025. Trong bối cảnh có những thuận lợi khó khăn đan xen, huyện Thạch Thất, Hà Nội đang không ngừng phấn đấu, nỗ lực toàn diện về mọi mặt, tổng kết quý I.2024, huyện đã đạt được một số kết quả tích cực, đặc biệt là trong các hoạt động văn hoá - xã hội.

Thạch Thất phát huy giá trị từ “bảo vật văn hóa” -4
Thạch Thất tiếp tục nỗ lực bứt phá trong năm 2024

Với sự đoàn kết, quyết tâm và trách nhiệm cao của cả hệ thống chính trị từ Huyện tới cơ sở, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của thành phố và các ban, sở, ngành thành phố, sự vào cuộc tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong huyện… đã tạo động lực để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Thạch Thất nỗ lực phấn đấu, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 theo KH đề ra, phấn đấu cơ bản hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Theo đó đã đạt được những kết quả tích cực, tạo bước đệm cho việc phát triển của toàn huyện trong quý II.

Tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện trong những tháng đầu năm 2024 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, hầu hết các lĩnh vực đạt kết quả tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023. Kinh tế phát triển ổn định, số doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đăng ký mới và số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tiếp tục gia tăng, kinh tế duy trì đà tăng trưởng.

Thạch Thất phát huy giá trị từ “bảo vật văn hóa” -0

Đặc biệt, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương, trong mùa lễ hội đầu năm 2024, công tác tổ chức các hoạt động văn hóa được đẩy mạnh. Huyện đã tổ chức thành công các hoạt động thông tin tuyên truyền, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao chào mừng năm mới Giáp Thìn, kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, kỷ niệm 77 năm Bác Hồ về làm việc tại xã Cần Kiệm, 496 năm ngày sinh Trạng Bùng - Phùng Khắc Khoan...

Đáng chú ý là sự kiện Lễ hội truyền thống và kỷ niệm 10 năm đón nhận Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương vừa được tổ chức thành công rực rỡ, thu hút hàng ngàn du khách thập phương, lan tỏa những giá trị, nét đẹp của địa phương.

Thạch Thất phát huy giá trị từ “bảo vật văn hóa” -1

Thạch Thất phát huy giá trị từ “bảo vật văn hóa” -2
Những “bảo vật” độc đáo đầy tỉ mỉ trang nghiêm chốn thanh tịnh Tây Phương. Ảnh: Thanh Hải

Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương tọa lạc trên đỉnh núi Câu Lậu, ở độ cao khoảng 100m, cách trung tâm thành phố khoảng 40km về hướng Tây. Tương truyền, chùa có nền móng xây dựng từ những thế kỷ đầu Công nguyên, ban đầu mang tên gọi Sùng Phúc Tự.

Hệ thống tượng Phật tại chùa Tây Phương có thể coi là những kiệt tác hiếm có trong nghệ thuật điêu khắc tôn giáo, tiêu biểu như: Bộ tượng Di Đà Tam Tôn, Thích Ca Tam Thánh... Trong đó, phải kể đến bộ tượng Thập bát La Hán, phản ánh rõ nét nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam.

Thạch Thất phát huy giá trị từ “bảo vật văn hóa” -3

Theo quy hoạch, chùa Tây Phương là trung tâm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng; nơi tổ chức các lễ hội truyền thống của đông đảo người dân huyện Thạch Thất và vùng lân cận; điểm du lịch hấp dẫn của thành phố Hà Nội, vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Nhân kỷ niệm 10 năm đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương (2014 - 2024), huyện Thạch Thất đã tổ chức chuỗi hoạt động ý nghĩa nhằm phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của ngôi cổ tự.

Thông qua các hoạt động văn hóa này, tạo nên mốc đánh dấu cho việc triển khai những chính sách, kế hoạch xúc tiến du lịch toàn huyện, hiện huyện cũng đang tích cực nghiên cứu xây dựng tuyến phố đi bộ vào chùa Tây Phương; tuyến đi bộ dọc trục đường vườn hoa Phùng Khắc Khoan để tổ chức các hoạt động văn hóa, xúc tiến đầu tư, thương mại, góp phần phát triển du lịch văn hóa và không gian sáng tạo văn hóa. Đây chính là những tín hiệu tích cực cho sự phát triển đưa huyện Thạch Thất phát triển xứng tầm với vai trò đô thị phía Tây của Thủ đô Hà Nội trong tương lai.

Thạch Thất là vùng đất cổ, là vùng quê có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời, với những bản sắc của văn hóa xứ Đoài, hòa chung với nền văn hóa Thăng Long Hà Nội - Thủ đô ngàn năm văn hiến. Với bề dày lịch sử trên 600 năm hình thành và phát triển, huyện Thạch Thất hiện có 209 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương.

Trong sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng, Lễ hội Chùa Tây Phương có giá trị vô cùng to lớn, lan tỏa đến đông đảo các Phật tử, nhân dân trong huyện, cũng như du khách thập phương. Mùa lễ hội hàng năm tại di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương diễn ra từ đầu xuân năm mới, ngày chính hội là 6.3 Âm lịch và kéo dài đến hết tháng 3 Âm lịch. Trong tâm thức của người dân Thạch Thất vẫn lưu truyền câu ca:

“Tây Phương phong cảnh hữu tình

Rủ nhau trẩy hội có mình có ta

Nhớ ngày mùng 6 tháng 3

Ăn cơm với cà trẩy hội chùa Tây’’

Ngọc Châm
#