Hòa Bình: Chủ động ứng phó phòng, chống thiên tai

- Thứ Tư, 24/04/2024, 07:50 - Chia sẻ

Hòa Bình là địa phương miền núi còn nhiều khó khăn, song lại thường xuyên xảy ra các trận thiên tai, lũ quét gây thiệt hại nặng nề. Thời gian qua, với sự vào cuộc đồng bộ, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền; hỗ trợ, đồng hành của Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai (QPT), toàn tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, dự án, giải pháp giảm thiểu thiệt hại và khắc phục hậu quả do thiên tai. Đặc biệt, là nâng cao tinh thần cảnh giác, năng lực của cộng đồng, người dân trong chủ động ứng phó đối với các nguy cơ, rủi ro từ thiên nhiên...

Đầu tư nguồn lực lớn nhằm giảm thiểu nguy cơ, thiệt hại  

Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình thời gian gần đây đã xảy ra nhiều trận thiên tai, gây tổn thất nặng nề về người, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và tác động xấu đến môi trường sinh thái... với thiệt hại ước khoảng gần 7 tỷ đồng. Trong đó, có thể nhắc đến trận mưa lũ lịch sử hồi tháng 10.2017 với tổng lượng mưa lên tới mức gần 476mm, gây sạt lở, lũ quét, ngập lụt trên diện rộng.

Công trình Bể bơi phòng tránh đuối nước Trường TH và THCS xã Chiềng Châu (Mai Châu) được khánh thành đưa vào sử dụng với sự hỗ trợ của QPT. Ảnh: Lê Huệ
Công trình Bể bơi phòng tránh đuối nước Trường TH và THCS xã Chiềng Châu (Mai Châu) được khánh thành đưa vào sử dụng với sự hỗ trợ của Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai. Ảnh: Lê Huệ

Phát huy vai trò là cầu nối nhân đạo, nâng cao năng lực phòng chống thiên tai (PCTT) cho các địa phương và người dân, QPT đã thực hiện nhiều chương trình, dự án trên địa bàn cả nước, góp phần giảm thiểu thiệt hại và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Trong hơn 15 năm hoạt động, QPT đã vận động, hỗ trợ xây dựng 122 công trình cộng đồng PCTT; 142 bể bơi học đường; hơn 1 nghìn suất học bổng vì tương lai xanh; lắp đặt 843 trạm đo mưa, 16 tháp cảnh báo lũ lưu động và nhiều dự án, mô hình quan trọng khác tại 55 tỉnh, thành.

Từ năm 2019 đến nay, QPT đã tài trợ cho tỉnh 8,331 tỷ đồng để xây dựng 1 trường học; lắp đặt 4 bể bơi và 10 trạm đo mưa tự động; hỗ trợ trang thiết bị cứu hộ cho đội xung kích PCTT; hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 và trang thiết bị trường học trên địa bàn các huyện, thành phố. Tỉnh cũng xây dựng 15 khu tái định cư sau đợt thiên tai năm 2017; sử dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương, dự phòng ngân sách địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để huy động xây dựng khoảng 170 công trình PCTT. Từ đó, giảm thiểu tối đa các thiệt hại, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân vùng thiên tai. Ngoài ra, tỉnh cũng xây dựng Đội xung kích PCTT cấp xã tại 151/151 xã, phường, thị trấn với 8.899 thành viên sẵn sàng trực chiến trong trường hợp thiên tai xảy ra.

Nâng cao năng lực ứng phó của cộng đồng, người dân

Tại buổi làm việc với QPT mới đây, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phi Long cho biết: Hòa Bình là địa phương miền núi điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn; lại có hệ thống sông suối, hồ đập phân bố rộng khắp; thường xuyên xảy ra các trận thiên tai, lũ quét gây thiệt hại nặng nề. Sự đồng hành, quan tâm của QTP đã góp phần giảm thiểu rủi ro thiên tai cho địa phương. Trân trọng nguồn hỗ trợ của QPT, tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương có sự phối hợp chặt chẽ nhằm quản lý, vận hành các công trình, dự án hỗ trợ, bảo đảm phát huy tối đa hiệu quả.

Chia sẻ về quyết tâm của địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Công Sứ cho biết: Nâng cao cảnh giác trong PCTT là một việc hết sức quan trọng. Công tác này không thể coi nhẹ và cần sự vào cuộc của các cấp, ngành. Những năm qua, dù có nhiều cố gắng song công tác PCTT trên địa bàn vẫn bộc lộ nhiều hạn chế. Mặt khác, phương tiện phục vụ PCTT còn thiếu thốn; kinh phí giải quyết cho vấn đề di dân và khắc phục sạt lở các công trình giao thông, hồ đập còn thiếu. Vì vậy, UBND tỉnh yêu cầu, các địa phương luôn cảnh giác cao độ với phương châm phòng là chính; xây dựng phương án PCTT sát với thực tiễn để nếu có tình huống xảy ra thì việc nhìn nhận, giải quyết tốt hơn, chủ động hơn.

UBND tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương bổ sung các phương tiện kỹ thuật, trang thiết bị làm việc nhằm nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ huy PCTT cấp huyện, cấp xã. Đồng thời, tổ chức, thực hiện nhiệm vụ tại địa phương theo phương châm “4 tại chỗ”. Chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện dự phòng theo kế hoạch đã giao; tổ chức huấn luyện, diễn tập các phương án sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ đê, đập, tìm kiếm cứu nạn bảo đảm khắc phục kịp thời hậu quả thiệt hại sau thiên tai, sớm ổn định sản xuất và đời sống Nhân dân.

Các địa phương tiến hành rà soát, thống kê cụ thể vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, các tuyến đường đi qua ngầm, tràn để có phương án ứng phó và thiết lập hệ thống biển cảnh báo nguy hiểm cho người dân được biết. Đối với các khu vực đã xảy ra hiện tượng sạt lở hoặc vùng mới di dân tái định cư, thường xuyên kiểm tra theo dõi các hiện tượng bất thường để chủ động phòng tránh, sẵn sàng phương án di dời người dân bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản; kiểm tra, rà soát, xử lý việc đào xẻ đồi, núi để xây dựng nhà và công trình làm gia tăng nguy cơ rủi ro thiên tai. Đối với cấp xã và các thôn, xóm cần tổ chức phổ biến, tập huấn cho các đội xung kích PCTT ứng trực, quan sát và kịp thời cảnh báo các sự cố có thể xảy ra để chủ động phòng tránh, khắc phục hậu quả...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Công Sứ cũng mong muốn, QPT tiếp tục quan tâm xem xét hỗ trợ cho Hòa Bình các thiết bị cảnh báo, dự báo thiên tai (các trạm đo mưa tự động). Nhất là đối với khu vực thường xuyên xảy ra lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, khu vực dân cư vùng cao dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Đồng thời, xem xét, hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng, trạm y tế, trường học, trang thiết bị phòng, chống đuối nước cho các em học sinh trong vùng ảnh hưởng của thiên tai và hỗ trợ về trang thiết bị cứu hộ. Ngoài ra, tỉnh cũng đề nghị QPT giúp Hòa Bình kết nối các chương trình, hội thảo, hội nghị học tập kinh nghiệm, nâng cao năng lực cho các cán bộ làm công tác PCTT...

Trần Tâm
#