Hà Nam đặt mục tiêu sản xuất công nghiệp hỗ trợ chiếm trên 30%

- Thứ Hai, 08/04/2024, 08:32 - Chia sẻ

Tỉnh Hà Nam đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp hỗ trợ chiếm tỉ trọng từ 30% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.

Nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng quy mô sản xuất

Theo thống kê của Ban Quản lý các Khu công nghiệp Hà Nam, trong số 560 dự án đầu tư đang còn hiệu lực tại các khu công nghiệp tỉnh, có 247 dự án thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ (chiếm trên 44% tổng số dự án). Nhiều lĩnh vực tăng từ 15%/năm trở lên như thiết bị điện, điện tử, bộ dây điện ô tô, xe gắn máy, màn hình cảm ứng... Nhiều doanh nghiệp đã và đang không ngừng đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng quy mô sản xuất để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đại diện Ban Quản lý các Khu công nghiệp Hà Nam cho biết, trong bối cảnh ngành sản xuất trong nước còn phụ thuộc nguyên liệu đầu vào từ nguồn nhập khẩu và số lượng doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài còn khiêm tốn, thì việc tăng ưu đãi cho doanh nghiệp hỗ trợ để thu hút đầu tư là cần thiết. Năm 2023, trong tổng số 52 dự án đăng ký đầu tư mới vào các khu công nghiệp của tỉnh Hà Nam đã có 34 dự án thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ (chiếm trên 65% số dự án).

Ông Lưu Trần Sơn, Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hà Nam cho biết, UBND tỉnh luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp công nghiệp đầu tư, phát triển, mở rộng quy mô hoạt động, trong đó dành riêng khu công nghiệp Đồng Văn III cho công nghiệp hỗ trợ.

Khu công nghiệp Đồng Văn III, tỉnh Hà Nam. Ảnh: VGP
Khu công nghiệp Đồng Văn III, tỉnh Hà Nam. Ảnh: VGP

Hiện tỉnh có 12 doanh nghiệp được xác nhận là doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ được ưu tiên phát triển. Nhiều doanh nghiệp lớn như Công ty TNHH Seoul Semiconductor Vina sản xuất hệ thống dây dẫn tại khu công nghiệp Đồng Văn II và khu công nghiệp Thanh Liêm tạo việc làm ổn định cho trên 7.000 lao động.

Năm 2024, tỉnh Hà Nam phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt 219.441 tỷ đồng (tăng 12,5% so với năm 2023). Đến năm 2025, tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh là 56,5%; giá trị sản xuất công nghiệp hỗ trợ chiếm tỉ trọng từ 30% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.

Để đạt mục tiêu trên, UBND tỉnh Hà Nam cũng đẩy mạnh đào tạo, thu hút nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp; củng cố, nâng cao chất lượng các dịch vụ đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, nhất là doanh nghiệp ngành điện, điện tử, cơ khí lắp ráp…

Đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho công nghiệp hỗ trợ

Cuối năm 2023 vừa qua, Quyết định số 1439/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp hỗ trợ Đồng Văn III phía Đông đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình chính thức có hiệu lực.

Theo đó, dự án có tổng vốn đầu tư 2.320 tỷ đồng. Quy mô sử dụng đất là 223ha, thực hiện tại các phường Yên Bắc, Tiên Nội và Hòa Mạc; các xã Tiên Ngoại, Yên Nam và thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Nhà đầu tư là Công ty Cổ phần đầu tư bất động sản Taseco với vốn góp 348,041 tỷ đồng.

Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư. Dự án không được áp dụng chính sách khuyến khích phát triển khu công nghiệp hỗ trợ theo quy định tại Khoản 1 Điều 32 Nghị định số 35/2022/NĐ-CP và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Đối với các ưu đãi, hỗ trợ đầu tư khác thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

UBND tỉnh Hà Nam sẽ chịu trách nhiệm về sự phù hợp của dự án với các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cập nhật vị trí và quy mô diện tích khu công nghiệp hỗ trợ Đồng Văn III phía Đông vào phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất tỉnh Hà Nam 5 năm 2021 - 2025 và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy hoạch và pháp luật về đất đai; tổ chức xây dựng và thực hiện phương án thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất…

UBND tỉnh cũng tiến hành chỉ đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hà Nam và các cơ quan có liên quan rà soát, bảo đảm khu vực thực hiện dự án phù hợp với yêu cầu bảo vệ, phát huy giá trị của di sản văn hóa và các điều kiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa. Bên cạnh đó, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát nhà đầu tư thực hiện theo quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp được phê duyệt, hoàn thành thủ tục xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng…

Minh Đức
#