Góp sức xây nền nông nghiệp xanh

- Thứ Năm, 23/03/2023, 07:19 - Chia sẻ

Tăng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học và luôn tuân thủ nguyên tắc “4 đúng”, hàng nghìn nông dân đang góp sức xây dựng một nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường. 

Từ hơn một năm nay, cả nghìn nông dân trồng lúa và hoa kiểng (hoa, cây cảnh) ở huyện Lấp Vò và TP. Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp không còn “xài” thuốc bảo vệ thực vật tràn lan nữa.

“Nhờ được tập huấn, tụi tui biết đến nguyên tắc “4 đúng” khi dùng thuốc bảo vệ thực vật. Đó là đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ liều lượng và đúng cách. Áp dụng cách này cây kiểng ít sâu bệnh, chi phí giảm nhiều, lại đỡ hại sức khỏe và môi trường”,  ông Nguyễn Trọng Trí, ở xã Tân Khánh Đông, TP. Sa Đéc chia sẻ.

Nông dân trồng hoa kiểng ở Sa Đéc, Đồng Tháp đã thay đổi thói quen, tuân thủ
Nông dân trồng hoa kiểng ở Sa Đéc, Đồng Tháp đã thay đổi thói quen, tuân thủ "4 đúng" khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật

Ở huyện Lấp Vò, ông Cao Thọ Trường, Phó giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Thành cũng cho biết, sau khi được tập huấn, bà con không còn phun thuốc theo định kỳ, bất kể lúa có bệnh hay không. Thay vào đó, bà con theo dõi kỹ tình trạng cây lúa, thấy có dịch hại mới phun theo nguyên tắc “4 đúng”. Cách làm này giúp bà con tiết kiệm chi phí 500 - 700 nghìn đồng/ha, đồng thời bảo vệ sức khỏe và bảo vệ cả môi trường.

Các lớp tập huấn mà ông Trí và ông Trường nhắc tới nằm trong khuôn khổ Chương trình hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm giai đoạn 2021 - 2026 do Cục Bảo vệ thực vật, Hiệp hội CropLife, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp phối hợp tổ chức. Mục đích của chương trình là hỗ trợ nông dân và đại lý buôn bán thuốc bảo vệ thực vật nắm rõ nguyên tắc sử dụng thuốc và phòng trừ dịch hại để phát huy hiệu quả các sản phẩm thuốc và duy trì môi trường xanh, sạch, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Từ đó, hình thành vùng sản xuất nông sản an toàn, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn tiêu dùng và phục vụ xuất khẩu. Sâu xa hơn là hướng đến mục tiêu “phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường” đặt ra trong Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2030.

"Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường", chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy nhấn mạnh. Cụ thể, ngành nông nghiệp phải hướng dẫn bà con sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng lúc, đúng cách, đúng liều lượng; đồng thời khuyến khích bà con chuyển sang sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, giảm lượng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học. "Đây đều là những việc khó nhưng buộc phải làm", vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Trên thực tế, để xây dựng nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, bên cạnh việc thay đổi thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của nông dân, bảo đảm tuân thủ nguyên tắc “4 đúng”, thu gom tiêu hủy bỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn định hướng tăng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Cụ thể, Bộ đặt mục tiêu tăng số lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng lên trên 30% vào năm 2030.

Xu hướng gia tăng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học để bổ sung và thay thế phần nào các sản phẩm thuốc hóa học đang ngày càng phổ biến, kể cả ở các quốc gia phát triển và đang phát triển. Lý do là thuốc bảo vệ thực vật sinh học có những ưu điểm rõ rệt, nổi bật là sử dụng thực thể tự nhiên có khả năng kiểm soát dịch hại bằng các cơ chế thân thiện hơn với môi trường. Với đặc tính tự nhiên, thuốc bảo vệ thực vật sinh học ít độc với con người và an toàn cho cây trồng và hiệu quả. Hơn nữa, quá trình nghiên cứu, phát triển các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật sinh học đã ghi nhận những kết quả nổi bật trong thời gian qua và cho ra đời ngày càng nhiều sản phẩm mới.

Ở nước ta, lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học nhập khẩu hàng năm trên 15.000 tấn, chiếm 15% tổng lượng thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu. Trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, có 39 loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học, chiếm 9,94%.

Hiện tại, một số mô hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đang được triển khai và cho kết quả khả quan. Ví dụ mô hình “Sức mạnh sinh học trên lúa” sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học chiết xuất từ than bùn, lá, vỏ thân cây xoài, cây núc nác, cây liễu, cây hoa hòe, cây vải..., trên diện tích 40.000ha tại ấp Thới Hòa, xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ với sự tham gia của hơn 7.000 nông dân. Các hộ dân tham gia mô hình cho biết, các loại thuốc sinh học không có tác dụng phòng trừ sâu bệnh nhanh bằng các loại thuốc hóa học song lại cho năng suất lúa và giá trị kinh tế cao hơn, đồng thời an toàn cho sức khỏe và bảo vệ môi trường.

Mô hình sử dụng thuốc hữu cơ sinh học Amtech 100EW (dịch chiết từ vỏ lụa hạt điều) để điều trị bệnh trên cây thanh long ruột đỏ tại xã Long Trì, huyện Châu Thành, tỉnh Long An cũng cho hiệu quả tốt. Ông Nguyễn Văn Vĩnh, chủ vườn đang sử dụng thuốc Amtech 100EW, cho biết, tuy chi phí cao hơn so với thuốc hóa học song loại thuốc này giúp mẫu mã thanh long đẹp hơn, màu sắc sáng và tai xanh tươi lâu hơn, bán giá cao hơn. Đặc biệt, kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trước khi xuất khẩu cho thấy không còn dư lượng của bất kỳ chất nào trong số 168 chất cấm tồn dư trong trái khi xuất khẩu. Nhờ vậy, vườn thanh long của ông được thương lái thu mua với giá cao.

Tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” và tăng cường sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, hàng nghìn nông dân đã và đang góp sức xây dựng một nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường.

Hà Lan