Gấp rút hoàn thiện đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thủ đô

- Thứ Sáu, 19/04/2024, 07:08 - Chia sẻ

Hiện TP. Hà Nội đang gấp rút hoàn thiện Quy hoạch chung thủ đô, trong quá trình hoàn thiện, TP. Hà Nội đã chỉ đạo cơ quan tổ chức lập quy hoạch và đơn vị tư vấn tiếp thu nhiều ý kiến góp ý của bộ, ngành, cơ quan liên quan và các chuyên gia phản biện của Hội đồng thẩm định để hoàn chỉnh nội dung, giải pháp quy hoạch của đồ án.

Vừa qua, Bộ Xây dựng đã tổ chức hội nghị và thống nhất thông qua điều chỉnh Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 với một số yêu cầu chỉnh sửa. UBND thành phố Hà Nội đã giao các cơ quan chuyên môn phối hợp với Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia nghiên cứu các ý kiến của bộ, ngành trung ương, tiếp thu hoàn chỉnh đồ án quy hoạch, giải trình các vấn đề có liên quan.

Đối với nhóm ý kiến góp ý của Bộ Xây dựng, Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam về xác định chỉ tiêu, quy mô quỹ đất phát triển cho đô thị và các khu chức năng phù hợp với mô hình đô thị. Đơn vị tư vấn đã rà soát điều chỉnh bổ sung các chỉ tiêu quy hoạch, quy mô phát triển, chức năng phát triển cụ thể, các giải pháp không gian của từng khu vực phát triển đô thị nông thôn tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn có liên quan.

Căn cứ vào đặc điểm phát triển của đô thị Hà Nội gồm khu vực nội đô với các khu vực có giá trị di sản như phố cổ, phố cũ, Hoàng thành Thăng Long, hồ Gươm, khu Ba Đình… cần phải thực hiện theo bảo tồn di sản; khu vực đô thị hiện hữu, làng xóm đô thị hóa cần phải thực hiện theo nguyên tắc cải tạo và tái thiết đô thị với các chỉ tiêu, tiêu chí đặc thù để thực hiện; khu vực phát triển đô thị mở rộng, đô thị mới áp dụng theo các tiêu chí đô thị xanh, sinh thái, TOD, thông minh… phù hợp điều kiện của từng khu vực.

Thành phố Hà Nội sẽ phát triển trục sông Hồng trở thành không gian kiến trúc cảnh quan sinh thái trung tâm của Vùng đô thị Hà Nội. Ảnh: ITN
Thành phố Hà Nội sẽ phát triển trục sông Hồng trở thành không gian kiến trúc cảnh quan sinh thái trung tâm của Vùng đô thị Hà Nội. Nguồn: ITN

Đối với các khu vực chức năng đặc thù như khu công nghệ cao, khu đào tạo, khu du lịch, khu văn hóa, thể dục thể thao… sẽ áp dụng các tiêu chí đặc thù.

Tiếp thu góp ý của các Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, đơn vị tư vấn đã bổ sung thuyết minh làm rõ các mô hình áp dụng vào Điều chỉnh Quy hoạch chung như: thành phố trong thủ đô, đô thị xanh, đô thị thông minh, TOD; chuyển hóa các mô hình lý thuyết thành các giải pháp quy hoạch cụ thể.

Quá trình nghiên cứu lập Điều chỉnh Quy hoạch chung đã ứng dụng các mô hình phát triển để lựa chọn chức năng phát triển của từng khu vực, lựa chọn chỉ tiêu tính toán để có quy mô phát triển phù hợp, lựa chọn mô hình tổ chức không gian, kết hợp với mô hình giải pháp phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị theo từng khu vực.

Bên cạnh đó, quá trình ứng dụng các mô hình còn cân nhắc điều kiện hiện trạng của từng khu vực, kế thừa và phát huy các quy hoạch dự án đã có để chuyển tiếp quá trình phát triển đô thị được nhịp nhàng, không tạo mâu thuẫn, xung đột pháp lý.

Các mô hình áp dụng cần tiếp tục được cụ thể hóa ở các giai đoạn lập chương trình triển khai thực hiện, lập đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết ở cấp thấp hơn và triển khai các dự án đầu tư xây dựng.

Quy hoạch xác định cấu trúc không gian phát triển bao gồm: 5 không gian phát triển; 5 hành lang và vành đai kinh tế; 5 trục động lực; 5 vùng kinh tế, xã hội; 5 vùng đô thị. Cùng với TP. Hồ Chí Minh, thủ đô Hà Nội đóng vai trò là cực tăng trưởng của đất nước, đóng vai trò trọng yếu trong tam giác động lực của vùng đồng bằng sông Hồng (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh) và tứ giác phát triển khu vực miền Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Thanh Hóa).

Để tổ chức triển khai hiệu quả Quy hoạch, 7 nhóm giải pháp trọng tâm là huy động và sử dụng nguồn lực; phát triển nguồn nhân lực; bảo vệ môi trường; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; cơ chế, chính sách liên kết, phát triển vùng; quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn; thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch.

Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội cũng là một bộ phận của Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng, điểm khởi nguồn, kết nối, trải nghiệm và lan tỏa không gian văn hóa sông Hồng, cùng với các địa phương trong vùng như một câu chuyện về dòng chảy văn hóa, lịch sử, di sản, bản sắc, tư liệu…Do đó, Quy hoạch chung cần tái hiện được một Hà Nội nghìn năm văn hiến, gắn với những con sông, nhất là sông Hồng và cảnh buôn bán tấp nập; từ đó, đặt ra yêu cầu cải tạo, chỉnh trang và trả lại cho các con sông những chức năng trước đây như không gian mặt nước, thoát nước, thoát lũ, phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch, vui chơi, giải trí.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng, cần rà soát, bổ sung căn cứ lập Quy hoạch, nguyên tắc và phương pháp lập Quy hoạch; thực trạng phát triển kinh tế - xã hội; hiện trạng sử dụng đất, hệ thống đô thị - nông thôn; quan điểm và mục tiêu, các khâu đột phá và nhiệm vụ trọng tâm phải bám sát các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước; phương hướng phát triển các ngành quan trọng theo phân cấp ngành 2, ngành 3 của nền kinh tế...

Văn Anh
#