Hà Giang

Đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông

- Thứ Năm, 09/05/2024, 08:14 - Chia sẻ

Thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) từ năm 2009 đến hết năm 2023, tỉnh Hà Giang đã triển khai nhiều giải pháp giảm tối đa tai nạn giao thông; tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện cũng gặp phải một số tồn tại, bất cập. UBND tỉnh kiến nghị, Chính phủ, các bộ ngành Trung ương quan tâm đầu tư hệ thống giao thông thông minh trên địa bàn tỉnh; đồng thời, hỗ trợ kinh phí đầu tư nâng cấp, cải tạo các tuyến quốc lộ, từng bước nâng cao chất lượng các công trình hạ tầng giao thông.

Tai nạn giao thông được kiềm chế, giảm cả 3 tiêu chí

Thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh từ năm 2009 đến nay, UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các ngành chuyên môn bám sát các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch của cấp trên, xác định rõ vai trò, trách nhiệm được giao, chỉ đạo, đôn đốc các phòng, ban, đơn vị trực thuộc thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ về công tác bảo đảm trật tự ATGT trong các năm; kịp thời đề xuất, tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp phù hợp trong công tác quy hoạch phát triển giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh. Đồng thời phối hợp, kiểm tra, rà soát, xử lý vi phạm trật tự ATGT; các vị trí "điểm đen", điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, điểm ùn tắc giao thông đường bộ để kiến nghị các cơ quan chức năng có biện pháp khắc phục.

Đoàn giám sát khảo sát thực tế tại huyện Bắc Quang. Ảnh Đức Tuyên
Đoàn giám sát khảo sát thực tế tại huyện Bắc Quang. Ảnh Đức Tuyên

Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT từ năm 2009 đến hết năm 2023 trên địa bàn tỉnh của Đoàn ĐBQH tỉnh cho thấy, trong 15 năm qua, tình hình trật tự ATGT được duy trì ổn định và giữ vững, tai nạn giao thông liên tục được kéo giảm trên cả 3 tiêu chí. Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm được tăng cường; trật tự kỷ cương về ATGT được thiết lập. Công tác đăng kiểm phương tiện, quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, quản lý kinh doanh vận tải trên địa bàn được kiểm soát tốt.

Đoàn giám sát đánh giá, việc tạo đột phá trong phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân; đặc biệt, việc đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai được đầu tư xây dựng sẽ tiếp tục tăng cường kết nối, nâng cao năng lực giao thông trong thời gian tới.

Đầu tư nâng cấp các tuyến quốc lộ trọng yếu

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Thị Minh Hạnh, thời gian qua, UBND tỉnh Hà Giang đã xác định được những địa điểm nổi cộm về vấn đề an toàn giao thông và có giải pháp giảm tối đa tai nạn giao thông kết hợp với nâng cao công tác tuyên truyền; tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện của các ngành chuyên môn cũng gặp phải một số tồn tại, bất cập. Trong đó, sự phối hợp giữa một số cơ quan chuyên môn, chuyên trách, các thành viên Ban An toàn giao thông cấp tỉnh, cấp huyện có lúc chưa được chặt chẽ, thống nhất; việc xử lý các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn tai nạn chưa triệt để; cơ sở vật chất ở một số đơn vị, trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe còn nhiều hạn chế, thiếu thốn...

Kết quả giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh cho thấy, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên do điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác bảo đảm trật tự ATGT còn hạn chế. Mặt khác, vẫn còn bất cập trong công tác quản lý nhà nước về giao thông; trách nhiệm chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện của các sở, ban, ngành, địa phương chưa tương xứng với quyết tâm chính trị mà Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã xác định.

Theo Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Thị Lan, UBND tỉnh cần quan tâm đầu tư phát triển, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng hiện đại, an toàn. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác bảo đảm trật tự ATGT và quản lý điều hành vận tải, điều khiển giao thông; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và nâng cao chất lượng các dự án, công trình xây dựng hạ tầng giao thông trọng điểm trên địa bàn.

Sở Giao thông Vận tải nhanh chóng khắc phục những "điểm đen", điểm tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông. Cùng với đó, sử dụng hiệu quả nguồn vốn duy tu, bảo dưỡng để bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, bảo đảm giao thông an toàn và thông suốt; thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, đăng kiểm phương tiện. Các ngành chức năng của tỉnh, "nòng cốt" là lực lượng Công an siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về bảo đảm trật tự ATGT; công tác đào tạo, sát hạch lái xe, cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe.

Từ thực tiễn địa phương, Đoàn ĐBQH tỉnh cũng kiến nghị, Chính phủ bố trí kinh phí trong công tác giải tỏa hành lang an toàn giao thông đường bộ theo lộ trình đã được phê duyệt. Quan tâm đầu tư nâng cấp các tuyến quốc lộ trọng yếu trên địa bàn tỉnh Hà Giang trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030, hoàn chỉnh lên 4 làn xe theo quy hoạch và bố trí kinh phí cho tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang sớm được đưa vào khai thác sử dụng...

Trần Tâm
#