Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp gắn với phát triển, mở rộng thị trường

- Thứ Sáu, 14/06/2024, 06:07 - Chia sẻ

Theo thống kê, quý I.2024, ngành nông nghiệp Hà Nội tăng trưởng 3,76%, cao hơn 1,62% so với cùng kỳ năm 2023 (ngành nông nghiệp cả nước chỉ tăng 2,98%).

Điểm sáng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho rằng, mức tăng trưởng trong quý I.2024 là kết quả của quá trình tái cơ cấu ngành trong nhiều năm qua. Theo đó, tái cơ cấu ngành nông nghiệp luôn bám sát theo quy hoạch vùng, quy hoạch chung để phát triển và đây là cách làm xuyên suốt của ngành nông nghiệp thủ đô trong thời gian tới. Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đánh giá với những điều chỉnh quy hoạch chung phát triển thủ đô và Luật Thủ đô (sửa đổi) có những điều khoản mới, nông nghiệp Hà Nội sẽ được định hướng rõ nét và bứt phá.

Mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao tại xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm. Ảnh: ITN
Mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao tại xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm. Nguồn: ITN

Hà Nội hình thành nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cũng cho biết, cơ cấu nông nghiệp cũng có sự chuyển dịch, trong đó giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm 90,44%; thủy sản 9,29%; lâm nghiệp 0,27%.

Cơ cấu giống cây trồng có sự chuyển dịch theo hướng tăng cường sử dụng giống có chất lượng cao, giá trị cao, thay thế dần các giống chất lượng thấp, không phù hợp. Cơ cấu giống lúa tiếp tục chuyển dịch theo hướng mở rộng diện tích lúa chất lượng cao, nhóm giống lúa chất lượng, lúa nếp chiếm 65,5% diện tích gieo trồng. Diện tích sản xuất hoa, cây cảnh tăng và diện tích gieo trồng hoa chất lượng cao đạt hơn 30% diện tích. Các vùng trồng đã được cấp mã số, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa nông sản, thúc đẩy liên kết, hình thành các chuỗi giá trị bền vững.

Với định hướng là trung tâm của trung chuyển, kết nối, Hà Nội đã và đang làm tốt công tác liên kết, qua đó hình thành các kênh cung ứng nông sản chất lượng, an toàn cho người dân. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, hiện nay thành phố tiếp tục duy trì, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn với 159 chuỗi, trong đó có 53 chuỗi sản phẩm động vật và 106 chuỗi sản phẩm thực vật. Các chuỗi đã thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia. Sở NN&PTNT Hà Nội cũng tham mưu phối hợp với 43 tỉnh, thành phố chủ động, tích cực duy trì và hỗ trợ phát triển 926 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho thành phố Hà Nội.

Sản xuất có trọng tâm, trọng điểm

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho rằng, tái cơ cấu ngành nông nghiệp thủ đô cần phù hợp với điều kiện phát triển mới; trong đó quy hoạch, thị trường, công nghệ số là những giải pháp mang tính quyết định. Hà Nội không đi sâu vào sản xuất tràn lan, mà có trọng tâm, trọng điểm. “Ngành Nông nghiệp phải rà soát, điều chỉnh, bổ sung các vùng, khu vực sản xuất cây trồng, vật nuôi, thủy sản phù hợp với tình hình thực tế theo hướng hữu cơ, hài hòa với thiên nhiên và thích ứng với biến đổi khí hậu. Chú trọng những sản phẩm cây trồng, dịch vụ, công nghệ gắn với nhu cầu và phục vụ phát triển đô thị, phù hợp với tính chất, đặc điểm khu vực đô thị, khu vực ven đô; đồng thời, phát triển các mô hình trang trại nông nghiệp trong đô thị”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng cho biết, phát triển nông nghiệp số gắn liền với nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, nông thôn hiện đại, nông dân chuyên nghiệp, văn minh là mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm mà Thành ủy, UBND thành phố đã chỉ đạo tại Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30.12.2022 và Kế hoạch số 239/KH-UBND ngày 27.9.2023 về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Thực tế, việc chuyển đổi số tại khu vực nông thôn đã và đang diễn ra theo xu thế tất yếu và xuất phát từ nhu cầu thiết thực của người dân. Nhiều người dân đã chủ động tiếp cận, tìm hiểu, sử dụng các nền tảng số phục vụ hoạt động kinh doanh của mình, như: sử dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm, tạo gian hàng, bán hàng trực tuyến, quản lý đơn hàng, thanh toán điện tử...

(Trang thông tin có sự phối hợp của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội)

Anh Lương