Thừa Thiên Huế trên đường trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Bứt phá hoàn thành kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025

- Thứ Năm, 31/08/2023, 07:02 - Chia sẻ

Kỳ họp chuyên đề lần Thứ 13 HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thông qua nhiều nghị quyết liên quan đến đầu tư công, phát triển lâm nghiệp, giáo dục, chính sách hỗ trợ giảm nghèo…đặc biệt là điều chỉnh, mở rộng phạm vi Đề án Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế thuộc Quần thể di tích Cố Đô Huế đã được HĐND tỉnh thông qua. 

Triển khai di dời hơn 5.000 hộ dân

Theo tờ trình của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, đến nay đã triển khai di dời hơn 5.000 hộ dân thuộc dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế (giai đoạn 1). Việc tiếp tục thực hiện dự án giai đoạn 2 để di dời các hộ dân còn lại trong khu vực Kinh thành và các khu vực di tích quần thể di tích Cố đô Huế nằm ngoài hệ thống Kinh thành là cần thiết.

Dự án cầu qua cửa biển Thuận An, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: ITN
Dự án cầu qua cửa biển Thuận An, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nguồn: ITN

UBND tỉnh đề nghị HĐND tỉnh xem xét điều chỉnh, mở rộng phạm vi Đề án để hướng đến mục tiêu, từ năm 2019 - 2023 (giai đoạn 1) hoàn thành di dời dân cư, giải phóng mặt bằng phạm vi di tích Kinh Thành Huế gồm 11 khu vực; hoàn thành 10 dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Bắc Hương Sơ tổng diện tích 82,77ha phục vụ tái định cư.

Từ năm 2023 - 2025 (giai đoạn 2 - điều chỉnh, mở rộng) sẽ hoàn thành di dời dân cư, giải phóng mặt bằng tại 19 khu vực; hoàn thành khu dân cư phục vụ giải phóng mặt bằng có diện tích khoảng 9,04ha phục vụ tái định cư có diện tích 4,22ha.

Liên quan đến tổng nhu cầu đất tái định cư phục vụ di dời dân cư dự án Bảo tồn, tu bổ tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế, HĐND tỉnh cũng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Bắc Hương Sơ (khu vực 11).

Mục tiêu nhằm tạo quỹ đất tái định cư giải phóng mặt bằng phục vụ dự án di dời dân cư tại khu vực I di tích kinh thành Huế và các khu vực di tích thuộc quần thể di tích Cố đô Huế nằm ngoài Kinh thành Huế; đồng thời đáp ứng nhu cầu tái định cư một số dự án trên địa bàn TP. Huế... Dự án có tổng mức đầu tư 75,97 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách tỉnh.

Đẩy nhanh tiến độ các chương trình, dự án trọng điểm

Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh cũng cơ bản thống nhất với dự kiến nhu cầu kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 của UBND tỉnh.

Thừa Thiên Huế xác định năm 2024 là năm bứt phá để hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, hướng đến thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị. Vốn đầu tư công sẽ tập trung để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình, dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của cả tỉnh, có tính kết nối và lan tỏa.

Dự kiến nhu cầu kế hoạch đầu tư công năm 2024 là 6.974,563 tỷ đồng, bao gồm: Nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương: 3.752,310 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách Trung ương là 2.391,594 tỷ đồng. Năm 2024, khả năng huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội của tỉnh đạt khoảng 32.000 - 34.000 tỷ đồng.

Trong đó, tỉnh sẽ tiếp tục nỗ lực để tạo đột phá trong thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân, trong và ngoài nước để tập trung đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, đặc biệt đối với các dự án có sức lan tỏa rộng và tác động lớn tới phát triển kinh tế; các dự án hạ tầng xã hội phục vụ cộng đồng dân sinh. Các chính sách, quy định pháp luật về đầu tư công, xây dựng cơ bản đã được ban hành, ngày càng hoàn thiện tạo điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu đầu tư phát triển... Ngoài ra, kế hoạch năm 2024 thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia hơn 1.000 tỷ đồng.

Tờ trình của UBND tỉnh cũng xác định những khó khăn trong việc huy động các nguồn lực để thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển năm 2024 như, nguồn lực đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất dự kiến gặp nhiều khó khăn do sự biến động của thị trường bất động sản, nhiều doanh nghiệp bất động sản và xây dựng gặp khó khăn.

Việc huy động vốn khó khăn cùng với lãi suất ngân hàng cao, các nhà thầu địa phương không đủ năng lực cạnh tranh và bảo đảm tiến độ thi công các gói thầu lớn. Về thu hút đầu tư, tuy số lượng các dự án có tăng nhưng vẫn chưa thu hút được các dự án lớn, có chất lượng để tạo sự đột phá. Một số dự án chậm tiến độ ảnh hưởng đến sự phát triển và môi trường đầu tư của tỉnh. Đầu tư tín dụng cho các doanh nghiệp trên địa bàn vẫn còn gặp nhiều khó khăn do các doanh nghiệp trên địa bàn chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực tài chính không cao, dễ bị tác động từ các yếu tố bất lợi của nền kinh tế - xã hội.

Văn Anh