Bắc Ninh: Quy hoạch xây dựng 2 vùng liên huyện và 8 vùng huyện

- Thứ Tư, 27/03/2024, 18:37 - Chia sẻ

Theo báo cáo tổng hợp Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh, phương án phát triển 2 vùng liên huyện gồm Vùng Bắc Đuống - Vùng Nam Đuống và 8 vùng huyện, thị xã, thành phố (thành phố Bắc Ninh, thành phố Từ Sơn, huyện Yên Phong, Tiên Du) thị xã (thị xã Quế Võ, thị xã Thuận Thành), huyện (huyện Gia Bình, huyện Lương Tài).

Trên cơ sở định hướng cấu trúc không gian toàn tỉnh, dự kiến Bắc Ninh có 2 vùng liên huyện, bao gồm: Vùng Bắc Đuống và Vùng Nam Đuống.

Vùng Bắc Đuống – Vùng động lực phát triển – Đô thị tổng hợp: Theo mục tiêu, Bắc Ninh sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (dự kiến đến năm 2030) và khu vực phía Bắc sông Đuống sẽ là nội thành của thành phố trực thuộc Trung ương, được quy hoạch theo mô hình cấu trúc chùm đô thị đa trung tâm, gồm thành phố Bắc Ninh, Tiên Du, Từ Sơn là trọng điểm phát triển ngành thương mại – dịch vụ, đồng thời là trung tâm động lực tổng hợp của Bắc Ninh.

Với định hướng phát triển đô thị đa cực, vùng phát triển đô thị sẽ trở thành động lực quan trọng với ngành dịch vụ. Bên cạnh đó, vùng Bắc Đuống cũng trở thành trung tâm cung cấp dịch vụ du lịch và giải trí cao cấp của tỉnh với nhiều loại hình dịch vụ đa dạng phù hợp khách du lịch trong nước cũng như quốc tế, tác động lan tỏa tới các hoạt động kinh tế khác của tỉnh; bổ sung thêm các dịch vụ giải trí và phục vụ du khách trong cả vùng Thủ đô và nâng cao điều kiện sống, cải thiện dịch vụ xã hội cùng các lựa chọn nhà ở hấp dẫn và phù hợp với người lao động, đồng thời thu hút nhân tài trong vùng Thủ đô.

Đồng thời, vùng Bắc Đuống được xác định là vùng phát triển công nghiệp, công nghệ cao là trọng điểm trong hoạt động sản xuất và chế biến chế tạo của tỉnh, tập trung các ngành ưu tiên với tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ, bao gồm những ngành công nghiệp mới như công nghiệp hàng không, dược phẩm và công nghệ y khoa với cơ sở hạ tầng phù hợp, hướng tới sự đa dạng hóa trong nền công nghiệp cũng như nền kinh tế của tỉnh trong các năm tới

Vùng Nam Đuống – Vùng Đô thị - Công nghiệp – Nông nghiệp: Vùng Nam Đuống tiếp giáp T.P Hà Nội và các tỉnh lân cận trong vùng Thủ đô với thị xã Thuận Thành đóng vai trò là trung tâm. Định hướng phát triển vùng đô thị cửa ngõ và đô thị ven sông Đuống, đồng thời phát triển công nghiệp công nghệ cao hướng tới các ngành công nghiệp sinh thái; là vùng phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới với cơ sở hạ tầng xã hội phát triển với mục tiêu ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản, đảm bảo an ninh lương thực.

Quy hoạch xây dựng 2 vùng liên huyện và 8 vùng huyện -0
Thành phố Bắc Ninh là khu vực trung tâm đô thị dịch vụ và trung tâm tài chính của tỉnh. Nguồn: ITN

Quy hoạch 8 vùng huyện đảm bảo phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển tổng thể của tỉnh Bắc Ninh, gồm 4 vùng thành phố: Vùng thành phố Bắc Ninh phát triển toàn diện công nghiệp, thương mại – dịch vụ du lịch bền vững, là khu vực trung tâm đô thị dịch vụ và trung tâm tài chính của tỉnh; Vùng thành phố Từ Sơn là trung tâm văn hóa, du lịch và giải trí, giáo dục đào tạo, nghiên cứu, vùng công nghiệp đô thị, cụm du lịch; Vùng Yên Phong là trung tâm công nghiệp trọng tâm của tỉnh, dịch vụ công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ cấp vùng; Vùng Tiên Du là trung tâm dịch vụ công cộng, thương mại, vui chơi giải trí, chủ lực trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin hàng đầu của tỉnh.

Về vùng thị xã có 2 vùng: Vùng thị xã Thuận Thành là trung tâm đô thị và công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh, tăng trưởng đồng đều về cả công nghiệp và dịch vụ hướng tới phát triển bền vững; Vùng thị xã Quế Võ là hành lang đô thị công nghiệp, dịch vụ, thể dục thể thao, y tế cấp vùng, phát triển nông thôn theo hướng nông nghiệp đô thị gắn với du lịch sinh thái, du lịch làng nghề, thể dục thể thao, y tế cấp vùng.

Có 2 vùng huyện: Vùng huyện Gia Bình là trung tâm nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, kết hợp với các đô thị, khu - cụm công nghiệp với mức sống cao của tỉnh Bắc Ninh; Vùng huyện Lương Tài trở thành đô thị bền vững cả về kinh tế lẫn đời sống xã hội, dựa trên thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp công nghệ cao và khai thác tiềm năng kinh tế dịch vụ và nông nghiệp của huyện.

Phan Phương
#