Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai nhiệm vụ, giải pháp kéo giảm án hành chính

- Thứ Hai, 09/10/2023, 07:36 - Chia sẻ

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác định việc hòa giải, đối thoại là giải pháp quan trọng nhằm giải quyết dứt điểm bức xúc, khiếu kiện của tổ chức, cá nhân, không phát sinh các vụ án hành chính.

Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai nhiệm vụ, giải pháp kéo giảm án hành chính -0
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa có công văn số 13578/UBND-VP về việc triển khai chỉ đạo của Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ, giải pháp kéo giảm án hành chính trên địa bàn tỉnh gửi các sở, ban ngành địa phương.

Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác hòa giải ở cơ sở gắn với công tác dân vận, đối thoại, vận động để người dân hiểu, đồng thuận, chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là trong công tác quản lý đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…

Xác định hòa giải, đối thoại là giải pháp quan trọng nhằm giải quyết dứt điểm bức xúc, khiếu kiện của tổ chức, cá nhân; thường xuyên rà soát, kiện toàn, tổ chức tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên cơ sở, tuyên truyền viên pháp luật…

Thực hiện tốt công tác phối hợp trong việc tham mưu ban hành quyết định hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thi hành án hành chính, bảo đảm đúng quy định về nội dung và hình thức.

Các đơn vị kịp thời khắc phục, tự thu hồi các quyết định hành chính khi phát hiện có sai sót, không chờ kết quả giải quyết của tòa án. Khi phát sinh các vụ án hành chính thì phải thực hiện nghiêm trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc đối thoại, tham gia phiên tòa và cung cấp kịp thời, đầy đủ hồ sơ, tài liệu cho Tòa án theo quy định của pháp luật.

TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác quản lý về đất đai, quy hoạch và trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh; công khai, minh bạch, thực hiện đúng trình tự, thủ tục, quy trình khi triển khai thực hiện dự án và các chế độ, chính sách liên quan đến giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai; đồng thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, yếu kém trong quản lý đất đai ở địa phương.

Các đơn vị củng cố, kiện toàn, bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức làm công tác trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, xử lý vi phạm hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo phải bảo đảm về trình độ, năng lực công tác, có đạo đức, trách nhiệm với công việc.

Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ chuyên sâu trong từng lĩnh vực (thủ tục hành chính, quản lý đất đai, bồi thường, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm hành chính…) cho đội ngũ cán bộ, công chức, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Nắm chắc và phân tích, đánh giá, dự báo tình hình khiếu kiện hành chính, nhất là trong lĩnh vực đất đai, đề ra giải pháp xử lý phù hợp, kịp thời, góp phần làm hạn chế, kéo giảm các vụ án hành chính.

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo xử lý việc thi hành án hành chính thuộc trách nhiệm của đơn vị, địa phương; đồng thời tập trung giải quyết dứt điểm khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dân ngay từ cơ sở, không để phát sinh “điểm nóng”.

Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát việc ban hành các quyết định hành chính để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các hạn chế, thiếu sót, có giải pháp khắc phục, nâng cao chất lượng ban hành quyết định hành chính, nhất là trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, quy hoạch…

Thạc Hiếu
#