An Giang: Ứng dụng khoa học công nghệ là nhân tố cốt lõi trong phát triển kinh tế tập thể

- Thứ Ba, 24/10/2023, 11:03 - Chia sẻ

Là tỉnh có tiềm năng, lợi thế trong phát triển nông nghiệp, những năm gần đây, An Giang đặc biệt chú trọng phát triển các mô hình hợp tác xã (HTX) ứng dụng khoa học công nghệ, coi đây là yếu tố quan trọng trong nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí đầu tư

Trong quá trình phát triển kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX thì vai trò của khoa học, công nghệ và chuyển đổi số là một trong những nhân tố cốt lõi, quan trọng, quyết định đến sự phát triển này. Quá trình ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong phát triển kinh tế tập thể, HTX gắn với sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị hàng hóa tại tỉnh An Giang trong những năm gần đây đã được các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, chỉ đạo và thực hiện đồng bộ, hiệu quả.

Hiện nay, toàn tỉnh có 33 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, như cơ giới hóa đồng bộ trên cánh đồng (máy bay không người lái); trồng dưa lưới, rau màu trong nhà màng; hệ thống tưới phun tự động kết hợp phun thuốc...

Một trong những HTX điển hình trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đó là HTX nông nghiệp Long Bình (huyện An Phú). Theo đó, HTX sản xuất xoài xuất khẩu theo nhu cầu thị trường, hỗ trợ xã viên ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, áp dụng triệt để phương pháp tưới nhỏ giọt Israel, không sử dụng thuốc trừ sâu, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí đầu tư.

Cụ thể, với 620ha xoài keo vàng sản xuất theo hướng hữu cơ, sản lượng 18.600 tấn/năm, HTX chọn thị trường khó tính nhất, đưa ra quy trình sản xuất cho nông dân. Đây là hướng đi đúng giúp HTX nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường, kết nối doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, chinh phục thị trường hơn 10 quốc gia: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Úc, Liên minh Châu Âu (EU), Nga… và thường xuyên cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến rau quả Nafoods, Doveco, Antesco…

An Giang: Ứng dụng khoa học công nghệ là nhân tố cốt lõi trong phát triển kinh tế tập thể -0
Dịch vụ máy bay không người lái chuyên dụng để xử lý mùa vụ tại vùng nguyên liệu lúa cho nông dân An Giang. Nguồn: ITN

Cơ giới hoá hoàn toàn, sử dụng máy bay không người lái

Tháng 4.2022, HTX An Phước Lộc (xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn), được thành lập với 24 thành viên. Chỉ 6 tháng sau, HTX An Phước Lộc đã triển khai phương án sản xuất, kinh doanh; hướng dẫn thành viên liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản với Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời (Công ty Lộc Trời) và nhiều doanh nghiệp khác, sản xuất 430ha lúa giống OM18 và OM5451.

Theo ông Cao Văn Tiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX An Phước Lộc cho biết, các mô hình mà HTX đang triển khai, như “bao lợi nhuận”, “không dấu chân”, “truyền thống nâng cao” đều được Công ty Lộc Trời cung cấp giống, vật tư; đồng thời, thu mua nông sản với giá thỏa thuận, bước đầu tạo được niềm tin trong thành viên HTX và các hội viên nông dân.

Đặc biệt, mô hình “không dấu chân” trên mặt ruộng được cơ giới hóa hoàn toàn, sử dụng máy bay không người lái trong gieo sạ lúa, rải phân và phun thuốc. Khi thu hoạch, cũng dùng máy hoàn toàn. Hiện, mô hình đem lại lợi nhuận cao hơn sản xuất truyền thống từ 10-15%. Nhờ đó, bà con nông dân yên tâm canh tác, ông Tiền chia sẻ.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời Nguyễn Duy Thuận cho biết, việc xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh liên kết HTX, đã tạo thuận lợi trong việc ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa, hiện đại hóa trong hoạt động mùa vụ. Hiện, Tập đoàn Lộc Trời tiếp tục mở rộng diện tích canh tác đạt điểm tuyệt đối SRP-100 trên cây lúa tại Đồng Tháp, An Giang, áp dụng mô hình “không dấu chân” trên 3.700ha cây lúa.

Với HTX Dịch vụ Nông nghiệp Bến Bà Chi (huyện Tri Tôn), chỉ sau 3 năm đi vào hoạt động, HTX đã thu hút 36 thành viên, là các nhà vườn trồng xoài ở 2 xã Lê Trì, Ba Chúc, với diện tích hơn 56ha, vốn góp của các thành viên đạt trên 700 triệu đồng.

Ông Bùi Văn Quý, Giám đốc HTX cho biết, “để các thành viên trồng xoài đạt năng suất cao, HTX phối hợp với ngành nông nghiệp huyện, tổ chức các hội thảo khoa học, các lớp tập huấn trên cây ăn quả. Đồng thời, triển khai ứng dụng 3 mô hình công nghệ cao do Sở Khoa học Công nghệ tỉnh An Giang hỗ trợ, với tổng kinh phí trên 800 triệu đồng”.

Đến nay, HTX Bến Bà Chi đã thành công với thương hiệu “trái xoài Bến Bà Chi”, được sản xuất theo quy trình VietGAP. HTX cũng ký kết hợp đồng mua bán, tiêu thụ xoài cho nhiều công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Năm 2021, HTX đã góp phần đưa xoài An Giang xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Thảo Anh
#