Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 đặt mục tiêu đến năm 2025, kết quả dự báo luồng tiền của ngân quỹ nhà nước chênh lệch không quá 10% so với thực tế. Đến năm 2030, kết quả dự báo chênh lệch không quá 5% so với thực tế và số dư ngân quỹ nhà nước nhàn rỗi cuối ngày bình quân không vượt quá số chi ngân quỹ nhà nước bình quân 1 - 2 ngày.
Các chuyên gia từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, tại các nước phát triển, dòng tiền hàng ngày được dự báo ít nhất trong 3 tháng tiếp theo, sau đó được dự báo cuốn chiếu thường xuyên, mức chênh lệch vào khoảng 5% hoặc thấp hơn.
Tại các nước kém phát triển thường bắt đầu với việc dự báo luồng tiền hàng tuần, hoặc 10 ngày. Do đó, dựa trên thực tế của Việt Nam, các chuyên gia IMF khuyến nghị KBNN cần giảm mức chênh lệch xuống không quá 5% để việc quản lý ngân quỹ nhà nước chủ động, hiệu quả.
Từ khuyến nghị của các chuyên gia IMF cũng như để hoàn thành mục tiêu dự báo luồng tiền đã đặt ra trong Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030, theo các chuyên gia kinh tế tại Việt Nam, KBNN cần báo cáo Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xây dựng dự toán thu, chi ngân sách sát với thực tế để giảm dần số chênh lệch giữa kết quả thực hiện với dự toán được giao.
Đồng thời, cần bổ sung thêm các quy định của Luật Quản lý thuế, cho phép KBNN, ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng - nơi người nộp ngân sách nhà nước mở tài khoản tự động trích tiền từ tài khoản để nộp ngân sách. Cùng với đó, các cơ quan thu phải cung cấp các thông tin về số thu ngân sách phải nộp (bao gồm thông tin về người nộp ngân sách, địa chỉ, mã số thuế của người nộp thuế và số tiền phải nộp…) hỗ trợ các cơ quan, đơn vị có thể trích tài khoản của người nộp để nộp ngân sách.
Bổ sung quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn, yêu cầu đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước khi có nhu cầu chi lớn phải thông báo cho KBNN trước 2-3 ngày và cung cấp số liệu thu, chi của các đơn vị có giao dịch với KBNN.