Để Thủ đô xanh, sạch, đẹp bền vững...

- Thứ Hai, 05/07/2010, 00:00 - Chia sẻ
Giải quyết ô nhiễm môi trường đang là thách thức đối với Hà Nội. Điều cần thiết là xây dựng, phát triển Thủ đô xanh, sạch, đẹp theo hướng bền vững, chứ không chỉ trong những dịp lễ lớn, hay chú trọng vào khu trung tâm...

Môi trường Hà Nội: những con số đáng buồn

Tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP hiện đang có xu thế gia tăng và ngày càng trở nên nghiêm trọng, nhất là ô nhiễm chất thải rắn, nước thải và không khí. Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt toàn TP hiện nay ước tính khoảng 5.000 tấn/ngày; công cụ, phương tiện nhân lực, phương thức thu gom vận chuyển hạn chế, chưa triệt để nên còn rác thải tồn đọng ở đô thị cũng như nông thôn; nhiều bãi rác chôn lấp rác ở vùng nông thôn không hợp vệ sinh gây ô nhiễm môi trường; 3/5 bãi chôn lấp rác của TP sắp đầy... Bên cạnh đó, chất lượng môi trường nước, nước mặt và nước thải và nước ngầm của TP đều đang bị ô nhiễm ở mức độ khác nhau. Nước thải ô nhiễm của hàng loạt các khu đô thị, các khu công nghiệp cùng với hoạt động tiểu thủ công nghiệp và chất thải bệnh viện, các khu dân cư đông đúc, làng nghề... đã làm chất lượng môi trường nước sông biến đổi theo chiều hướng tiêu cực và xu hướng bị ô nhiễm ngày một tăng cao: hàm lượng BOD5 ở sông Tô Lịch vượt 7,13 lần; sông Kim Ngưu vượt 6,64 lần; sông Lừ vượt 5,28 lần... Ngoài ra, một số hồ nội thành cũng bị ô nhiễm nặng do phải trực tiếp nhận nước thải xả vào. Theo các kết quả nghiên cứu, nước ngầm đang bị ô nhiễm bởi các hợp chất vô cơ, các hợp chất hữu cơ và nhiễm bẩn vi sinh, mà chủ yếu là amoni (NH4+) phân bố trên diện rộng với hàm lượng cao, diện tích nhiễm bẩn và hàm lượng các chất bẩn tăng dần theo thời gian.

Một dạng ô nhiễm khác đó là bụi, khí thải giao thông và tiếng ồn. Hiện nay tình trạng ô nhiễm này đang ở mức báo động đỏ. Nồng độ bụi lơ lửng ở các quận nội thành đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép từ 2 - 3 lần. Theo kết quả quan trắc 6 tháng đầu năm 2009, có 180/250 điểm đo kiểm có hàm lượng bụi lơ lửng vượt tiêu chuẩn cho phép. Cụ thể, đường Nguyễn Trãi vượt tiêu chuẩn cho phép 11 lần, đường Nguyễn Văn Linh vượt 10,8 lần... Bên cạnh đó, tốc độ phát triển các phương tiện giao thông cơ giới ở Hà Nội cũng là một tác nhân gia tăng mức độ ô nhiễm môi trường, đặc biệt các phương tiện chuyên chở vật liệu, đất đá phục vụ xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng.

Hà Nội sẽ đẹp hơn vào mốc 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội?

Chỉ còn chưa đầy 100 ngày nữa sẽ diễn ra Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. TP đã thấy rõ tầm quan trọng và đã xây dựng chương trình, kế hoạch nhằm từng bước kiềm chế, ngăn chặn tình trạng gia tăng ô nhiễm và cải thiện cảnh quan môi trường để Thủ đô xanh, sạch đẹp, thiết thực kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội thông qua những hành động cụ thể như ban hành các văn bản pháp quy, xây dựng các chương trình, kế hoạch đề án vừa có tính trước mắt và lâu dài nhằm kiềm chế, ngăn chặn tình trạng gia tăng ô nhiễm môi trường; khuyến khích nghiên cứu khoa học, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới, thân thiện với môi trường vào các hoạt động bảo vệ môi trường Thủ đô; phấn đấu 100% các xã, thị trấn có tổ chức thu gom chất thải rắn sinh hoạt; 100% khối lượng chất thải rắn sinh hoạt của các xã, thị trấn được thu gom phải chôn lấp và xử lý vệ sinh...; đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng các nhà máy xử lý chất thải rắn, chất thải rắn sinh hoạt tại Sóc Sơn, Sơn Tây; cải tạo nạo vét khơi thông dòng chảy các sông, bảo đảm cân bằng nguồn nước phục vụ việc tưới tiêu nông nghiệp và thoát lũ, chống úng ngập cho TP. Đặc biệt, tập trung ưu tiên xử lý ô nhiễm nước sông Tô Lịch bảo đảm các tiêu chí về thoát nước, môi trường và cảnh quan... Đối với vấn đề ô nhiễm không khí do bụi và khí thải giao thông, giải pháp chung là xây dựng hệ thống quan trắc chất lượng không khí; phát triển giao thông công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân; đồng thời quy hoạch mở rộng các khu không gian công cộng và phát triển không gian xanh đô thị để điều hoà khí hậu...

Tuy nhiên, để thực hiện được những giải pháp trên cần một quãng thời gian dài, cần có sự chỉ đạo sát sao của chính quyền TP, sự vào cuộc của các cấp ngành địa phương và đặc biệt là sự tham gia của người dân. Làm sao xây dựng, phát triển Thủ đô xanh, sạch, đẹp theo hướng bền vững, chứ không chỉ trong những dịp lễ lớn, hay chú trọng vào những khu trung tâm của Thủ đô.

Linh Phương