Ngày 24.11, tại TP Cần Thơ, Báo Đại Đoàn Kết tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Vật liệu nào thay thế cát sông?”. Chủ trì buổi tòa đạm do Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết Lê Anh Đạt và Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ Dương Tấn Hiển.
Tại buổi tọa đàm Nhà báo Lê Anh Đạt cho rằng, việc thiếu cát sông trong xây dựng cũng gián tiếp thúc đẩy tình trạng khai thác cát quá mức ở các con sông. Việc khai thác quá mức ở các con sông chính là cách chúng ta đang chống lại thiên nhiên, làm thay đổi tự nhiên và làm thay đổi mạnh mẽ cuộc sống của con người.
Do vậy, Nhà báo Lê Anh Đạt mong muốn buổi toạ đàm cần tập trung nêu rõ thực trạng thiếu cát hiện nay và tìm ra được những giải pháp, cách thức để tìm ra vật liệu thay thế cát sông hiện nay.
Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ Dương Tấn Hiển thông tin, TP Cần Thơ được Trung ương, Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải quan tâm đầu tư 2 công trình cao tốc trên địa bàn: đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông đoạn Cần Thơ – Hậu Giang và đường cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1 thành phần 2 đi qua địa bàn TP Cần Thơ. Lượng cát của đường cao tốc Bắc-Nam khoảng là 6 triệu m3, còn đoạn cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng cũng trên 5 triệu m3 cát. Tuy nhiên, qua nghiên cứu đánh giá, lượng cát trên địa bàn hiện nay chỉ còn khoảng 5,3 triệu m3 nhưng chất lượng cát không đủ quy chuẩn để làm đường cao tốc.
Trước những khó khăn như thế, TP Cần Thơ đã giao các sở ngành nghiên cứu sử dụng cát biển để thay thế cát sông. Nhưng việc này phải qua nghiên cứu sâu trong thời gian dài để làm sao sử dụng cát mà không ảnh hưởng tới môi trường.
PGS-TS Lê Anh Tuấn - Giảng viên cao cấp Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên, Đại học Cần Thơ cho rằng, vấn đề sử dụng cát hiện nay đang mất cung cầu nghiêm trọng. Nạn khai thác cát cũng đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân ven sông, khu vực chịu ảnh hưởng bởi nạn sạt lở; gây ảnh hưởng đến môi trường, an ninh.
Để giảm vật liệu thay thế cát, PGS-TS Lê Anh Tuấn đề xuất nghiên cứu, áp dụng những những phương án, như: xay đá thành cát; nghiên cứu thay đổi kết cấu công trình; phát triển giao thông đường thuỷ; dụng trộn tro xỉ thay thế cát sử dụng ở một số công trình,…Và nhập cát nơi khác về Việt Nam.
Chủ tịch Hiệp hội Vật liệu xây dựng Việt Nam Tống Văn Nga kêu gọi Bộ Giao thông vận tải có những phương pháp hay trong việc thay thế hiệu quả. Không chỉ tập trung vào thay đổi vật liệu mà cần thay cả đổi tư duy, áp dụng công nghệ và sáng tạo trong vấn đề này. Ngoài ra, theo ông Nga, cá nhân,
Tại buổi tọa đàm nhiều chuyên gia nhận định, cán cân cung - cầu cát ở Đồng bằng sông Cửu Long đang mất cân bằng hết sức nghiêm trọng. Do đó, các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực xây dựng cần giảm hoặc cân bằng cung - cầu hoặc nhất là hiện nay một số nhu cầu cát sông chưa chắc đã chính đáng. Ngoài ra, hiện nay còn bất cập trong khai thác, quản lý tài nguyên cát.
Các chuyên gia còn lưu ý, lãnh đạo Bộ, ngành trung ương và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cần xem xét Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong đó đặt con người là trung tâm và tài nguyên nước làm cốt lõi. Tài nguyên nước có liên quan tới vấn đề cát sông, do đó, cần phải lồng ghép trong các giải pháp để phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo Nghị quyết 120 của Chính phủ.
Sau hơn 11 tháng khởi công, sản lượng thi công Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và đoạn Hậu Giang - Cà Mau, thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 (Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau) chỉ đạt khoảng 13% giá trị hợp đồng và đang chậm khoảng 5 tháng so với kế hoạch. Nguyên nhân chính là do thiếu cát san lấp.
Theo báo cáo, dự án này cần hơn 18 triệu m3 cát. Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long ưu tiên bố trí ngay nguồn cát cho dự án. Trong đó, tổng khối lượng cát cấp trong năm 2023 là khoảng 9 triệu m3. Tuy nhiên, đến giữa tháng 11/2023, các bên liên quan mới thực hiện xong thủ tục và đang khai thác hơn 3,5 triệu m3. Đáng chú ý, khối lượng đã khai thác cho dự án chỉ mới đạt hơn 700.000 m3.
Còn đối với đường cao tốc Sóc Trăng - Cần Thơ - Châu Đốc, có 2 tỉnh tự đảm bảo cát được là An Giang và Sóc Trăng. Riêng Hậu Giang và Cần Thơ không có cát san lấp. Tháo gỡ khó khăn này, Thủ tướng Chính phủ đã giao tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long hỗ trợ 13 triệu m3 cho Cần Thơ và Hậu Giang.