Đồng bào thương nhau ngày khó
Trên bản vùng cao biên giới xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) vốn vẫn chưa có điện lưới quốc gia về tận nhà, sóng điện thoại chập chờn lúc có lúc không. Vậy nhưng, trong những ngày bão Yagi đổ bộ vào các tỉnh miền Bắc, gây ra những thiệt hại và đau thương khó có thể đong đếm, thì trong bản, bất kỳ khi nào bắt được sóng điện thoại, có vô tuyến, lại vào xem ngay tin tức và nghe đài cập nhật tình hình.
Đây cũng là địa bàn thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lụt định kỳ mỗi khi vào mùa. Bản làng bị chia cắt bởi mưa lớn, nước lũ chảy xiết các ngầm tràn và hoạt động của người dân trong thời gian này cũng bị ngưng trệ. Sống giữa đại ngàn vùng lõi Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và đối diện với bão lũ hàng năm, người dân hiểu thấu những khó khăn mà đồng bào các tỉnh phía Bắc đang phải trải qua sau khi cơn cuồng phong Yagi đi qua, để lại những mất mát.
Cũng chính vì vậy mà khi Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) xã Thượng Trạch tổ chức lễ phát động ủng hộ đồng bào phía Bắc khắc phục hậu quả do bão lụt, đông đảo bà con nhân dân, ở các thế hệ, đều tập trung về nhà văn hoá, gặp trưởng bản,… để quyên góp.
“Trước kia, khi lũ về thì các nơi đều ủng hộ, trao tặng nhiều đồ dùng, thực phẩm cho bản làng Thượng Trạch rồi. Nay, đồng bào, bà con ở ngoài kia khó khăn chúng tôi cũng muốn ủng hộ, trao gửi, để chúc mọi người sớm ổn định cuộc sống”, bà Y Loan, người dân bản Cà Roòng I, xã Thượng Trạch cho biết.
Cùng với các bản cao của xã Thượng Trạch, đồng bào A Rem, Ma Coong cũng như các xã đã từng nhận tình cảm và ủng hộ của cả nước khi địa phương có bão lụt, đều đã hưởng ứng Lễ phát động, ủng hộ và trao gửi tri ân trong khả năng của người dân.
Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN huyện Bố Trạch Nguyễn Quốc Hạnh cho biết, toàn địa bàn huyện Bố Trạch đều chịu ảnh hưởng do thiên tai, bão lụt. Đặc biệt, các cơn bão khắc nghiệt gây ảnh hưởng nặng nề nhất ở khu vực Phong Nha.
“Hàng năm, trong điều kiện có thiên tai, bão lũ, người dân huyện Bố Trạch đã nhận được sự hỗ trợ và giúp đỡ của các tỉnh trên cả nước, trong đó có các tỉnh phía Bắc. Nay, người dân phía Bắc gặp khó khăn, bà con địa phương đều đồng lòng quyên góp, hỗ trợ để đồng hành cùng đồng bào vượt qua ngày khó, như một ân tình sắc son của người dân vùng lũ Quảng Bình”, Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN huyện Bố Trạch Nguyễn Quốc Hạnh cho biết.
Đặc biệt, Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN huyện Bố Trạch cho biết thêm, nhằm kịp thời và hỗ trợ nhanh chóng một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất do bão lụt, đơn vị đã gửi trực tiếp 500 triệu đồng đến huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai để địa phương này tái thiết lại những điều kiện sống cơ bản cho người dân.
Tình ruột thịt, nghĩa đồng bào
Cũng trong đợt phát động “Ủng hộ đồng bào các tỉnh phía Bắc khắc phục hậu quả bão, lụt”, tổng số tiền mà các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong tỉnh Quảng Bình ủng hộ, đăng ký ủng hộ là hơn 31,1 tỷ đồng (tính đến 16 giờ ngày 16.9).
Nhằm kịp thời chia sẻ, động viên đồng bào bị thiệt hại do thiên tai, với số tiền tiếp nhận được, Ban vận động Cứu trợ tỉnh đã phân bổ 8 tỷ đồng (đợt 1) về Ban vận động Cứu trợ Trung ương (2,5 tỷ đồng) để hỗ trợ chung và hỗ trợ trực tiếp cho các tỉnh phía Bắc (5,5 tỷ đồng). Cùng với đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh và Ban vận động cứu trợ tỉnh đang tiếp tục kêu gọi, tiếp nhận sự ủng hộ, chia sẻ về vật chất, tinh thần từ các tổ chức, đơn vị, người dân và cân đối nguồn kinh phí để chuyển hỗ trợ đến các địa phương bị thiệt hại với mong muốn góp phần giúp nhân dân các tỉnh phía Bắc từng bước khắc phục khó khăn để ổn định cuộc sống.
Tại các lễ phát động trên toàn tỉnh, có hình ảnh các em nhỏ học sinh mang theo lợn đất tiết kiệm để dành tặng người bạn đồng trang lứa ở vùng cao đang không còn cuốn tập khô để chép bài; có người bà đã 102 tuổi, dù còn khó khăn, vẫn mang ít tiền tiết kiệm để gửi đến đồng bào;… Tại các nhà văn hoá, các dì, các bà trong các khu phố của TP. Đồng Hới tập trung cùng nhau nấu ăn, chuẩn bị thực phẩm gửi đến vùng lụt để “người ruột thịt” trước hết no bụng, sau còn bắt tay vào công cuộc khắc phục hậu quả bão lụt.
Trai tráng, các cán bộ, nhân viên nhiều doanh nghiệp, đơn vị trên toàn tỉnh cũng xung phong nhận nhiệm vụ nặng nhọc, cùng dọn dẹp đường làng, lối xóm, phố thị ở các tỉnh phía Bắc. Những con thuyền gắn với mùa lũ lụt ở rốn lũ huyện Lệ Thuỷ, quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cũng băng băng vượt hàng trăm km để xông pha vào rốn lũ của tỉnh bạn.
Cảm động biết bao khi khúc ruột miền Trung của cả nước từng được nhận bao hỗ trợ, tình cảm, giờ “run” lên từng hồi với thiệt hại, mất mát của các tỉnh miền Bắc.
Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh từng viết bài kêu gọi "Sẻ cơm nhường áo" đăng trên Báo Cứu Quốc số ra ngày 28.9.1945: "Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hành trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo" (Hồ Chí Minh, toàn tập, Tập 4, NXB Chính trị quốc gia, H. 2011, tr.33).
Tấm lòng nhân ái, yêu thương từ bao đời của dân tộc Việt Nam được bồi đắp qua thời gian, và thêm sâu sắc và sáng rõ hơn trong ngày khốn khó. Cũng chính sự nhân văn, nhân ái ấy đã tạo nên sức mạnh của dân tộc, để người dân cùng thế nước vượt qua nhiều khó khăn.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ nay đến hết năm 2024, số bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào đất liền có thể cao hơn so với trung bình nhiều năm và tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ, khu vực phía Nam. Trong điều kiện thời tiết ngày một khắc nghiệt, bên cạnh nỗ lực phòng tránh, ứng phó với thiên tai một các khẩn trương, nghiêm túc,… tình ruột thịt, nghĩa đồng bào sẽ cùng người dân các địa phương chịu thiệt hại do bão lụt sớm vượt qua ngày khốn khó, mau chóng ổn định cuộc sống và vững tin xây dựng, phát triển trở lại.