
Tôi thể hiện ba đồng tình: thứ nhất, lấy tên gọi là Luật Giáo dục nghề nghiệp, điều này phù hợp với Luật Giáo dục; thứ hai là về sắp xếp lại các trình độ của giáo dục nghề nghiệp, theo đó có sự hợp nhất trình độ trung cấp chuyên nghiệp với trung cấp nghề và cao đẳng với cao đẳng nghề - điều này cũng phù hợp với Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học; thứ ba là phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Chúng tôi thống nhất là giao cho một cơ quan làm đầu mối để giúp Chính phủ quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, điều này sẽ giúp giải quyết những bất cập hiện nay. Trong những phiên thảo luận về tình hình KT-XH năm 2014 có một chỉ tiêu hiện nay chưa đạt là người lao động chưa qua đào tạo, vậy nên việc này kiểm điểm Bộ Giáo dục và Đào tạo hay Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - chúng tôi thấy chưa rõ. Vì vậy, chúng tôi thống nhất với ý kiến của các ĐBQH là giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, bởi nó khắc phục được những ý sau:
Một là, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã được Quốc hội và Chính phủ giao.
Hai là, không phải chia cắt hệ cao đẳng khỏi bậc đại học và không phải sửa lại Luật Giáo dục cũng như Luật Giáo dục đại học vừa thông qua. Nếu sửa đổi thì rất tốn kém về thời gian cho QH và tiền của của Nhà nước.
Ba là, khắc phục được những quy định tại điểm d, Điều 72, dự thảo Luật, nghĩa là giao cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức một bộ máy quản lý nhà nước để quản lý về giáo dục nghề nghiệp. Theo cá nhân tôi thì không nên hình thành một bộ máy mới tại Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ để quản lý giáo dục nghề nghiệp. Nếu bộ máy này hình thành, ta hình dung 63 tỉnh, thành sẽ có 63 Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và 63 phòng giáo dục chuyên nghiệp, mà mỗi phòng quản lý mảng này ít nhất từ 5-6 biên chế - như vậy ta sẽ có khoảng 300-350 biên chế. Đồng thời, tại Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phải có các vụ, các phòng chức năng, các viện, cơ quan nghiên cứu để phục vụ cho mảng giáo dục nghề nghiệp. Vậy từ Trung ương đến địa phương con số tăng biên chế này không dưới 500. Vậy thì QH bấm nút thông qua như Điều 72 trong dự thảo Luật, đồng nghĩa QH cũng bấm nút cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tuyển thêm gần 600 biên chế nữa (?). Trong khi tình hình biên chế, tiền lương của chúng ta như vậy, đề nghị QH xem xét. Trong khi đó, tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, hệ thống quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương hết sức chặt chẽ. Hiện nay ở Trung ương và địa phương về mặt quản lý, chúng tôi thấy hết sức có trách nhiệm, cũng hoàn thành được nhiệm vụ của mình. Bên cạnh đó cũng có những vụ như Viện Nghiên cứu khoa học Việt Nam, tất cả các bộ phận sự nghiệp khác đều tham mưu cho Bộ Giáo dục và Đào tạo để ban hành những chính sách về giáo dục. Chúng tôi thấy làm việc có hiệu quả và làm tròn trách nhiệm của mình, chúng tôi cũng đề nghị QH xem xét.
Cuối cùng là tạo điều kiện thuận lợi để ta thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Hiện nay toàn Đảng đang triển khai công việc này. Chính phủ đã giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị các điều kiện để thí điểm chương trình sách giáo khoa mới. Công cụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo để thực hiện việc này là các trường cao đẳng sư phạm ở địa phương. Nếu giao các trường cao đẳng sư phạm cho ngành lao động, thương binh và xã hội thì rất khó khăn cho Bộ Giáo dục và Đào tạo để thực hiện nhiệm vụ này theo Nghị quyết 29 của Trung ương. Và chắc chắn lộ trình và tiến độ thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương sẽ chậm lại và khó hoàn thành. Với nhận thức của chúng tôi: đây là vấn đề trọng đại của đất nước, tôi đề nghị UBTVQH, Chính phủ xem xét lại vấn đề giao cho bộ nào quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.