- Xin ông cho biết Dự án Hỗ trợ dạy và học tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài đang được triển khai như thế nào?
- Hiện nay, ở các nước trên thế giới có khoảng hơn 3,5 triệu người Việt Nam sinh sống, trong đó có nhiều gia đình đã sống nhiều thế hệ, và cũng có trường hợp người Việt lấy người nước ngoài, con cái mang hai dòng máu. Đại bộ phận đồng bào ta ở nước ngoài có nguyện vọng cho con em mình nói được tiếng Việt, nắm được văn hóa Việt Nam, qua đó giáo dục con em tình cảm gắn bó với quê hương đất nước.
Trước nguyện vọng đó, Chính phủ đã quyết định xây dựng Dự án hỗ trợ dạy tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài. Mục tiêu của dự án là biên soạn chương trình dạy tiếng Việt, cung cấp tài liệu và phương tiện (băng đĩa VCD, DVD, các chương trình trên internet, truyền hình,...), giúp đồng bào tiếp cận tiếng Việt, văn hóa Việt một cách tốt nhất. Dự án do Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm làm Trưởng ban chỉ đạo, trong Ban có đại diện các bộ, ngành liên quan, Bộ GD-ĐT được giao nhiệm vụ chủ trì. Đến nay, Dự án đã tổ chức biên soạn được 2 chương trình dạy tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài. Trên cơ sở 2 chương trình đó, đã tổ chức biên soạn 2 bộ sách dạy Tiếng Việt cho người nước ngoài. Một bộ dành cho lứa tuổi thanh, thiếu niên, đó là cuốn Tiếng Việt vui, một bộ dạy cho người lớn, là Quê Viêt.
Dựa vào các bộ sách trên, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam đã xây dựng các chương trình dạy tiếng Việt phù hợp với từng đối tượng cụ thể. Dự án cũng đang chuẩn bị dạy trên mạng internet. Đây được xem là phương tiện hỗ trợ rất tiện ích cho bà con học tiếng Việt, kể cả ở những nơi không bắt được sóng của Đài Truyền hình, Đài Tiếng nói Việt Nam. Dự án cũng đã cử một số đoàn sang các nước để hướng dẫn sử dụng sách. Sách không có chú giải bằng tiếng Anh hay tiếng Pháp mà hoàn toàn sử dụng tiếng Việt vì sách này có thể sử dụng cho bà con ở nhiều nơi không dùng tiếng Anh, tiếng Pháp (như Trung Quốc, Lào, Thái Lan,...). Thậm chí, một số tên riêng nước ngoài còn được thêm hình thức phiên âm tiếng Việt để giúp bà con dễ dàng tiếp cận với cách viết của sách báo trong nước.
- Sau 2 năm triển khai, ông đánh giá như thế nào về kết quả Dự án?
- Đầu năm 2008, tôi cùng một số anh em sang mấy tỉnh Đông Bắc Thái Lan và có đến đây mới hiểu hết khao khát của đồng bào ởã nước ngoài mong muốn cho con em học và nói tiếng Việt. Việc dạy tiếng Việt cho người Việt đã được tiến hành từ nhiều năm nay. Trước đây, đồng bào dạy theo bộ sách giáo khoa ở trong nước, từ tiểu học đến phổ thông. Cách làm này có điểm yếu là con em kiều bào sẽ tiếp thu chậm hơn vì sách giáo khoa trong nước là sách dành cho trẻ em đã nói được tiếng Việt, lần đầu tiên học chữ. Trẻ em ở nước ngoài chưa nói, nghe được tiếng Việt thì khó có thể phát triển nhanh kĩ năng sử dụng tiếng Việt với bộ sách này. Sau khi có bộ sách Tiếng Việt vui, các em đã được tiếp cận với chương trình phù hợp hơn. Bộ sách Tiếng Việt vui giúp các em học nói qua những đoạn hội thoại vui, dễ hiểu, dễ nhớ. Gắn liền với việc học nói, các em cũng được tiếp cận nền văn hóa, cuộc sống ở Việt Nam với những gì đang diễn ra. Chúng tôi hy vọng qua đó các em sẽ có được nhiều hiểu biết về quê hương và gắn bó tình cảm với quê hương nhiều hơn.
- Sau chuyến đi khảo sát về việc dạy - học tiếng Việt ở Thái Lan, ông có thể kể rõ hơn sự khao khát học tiếng Việt của bà con Việt kiều tại đó?
- Chuyến đi đã để lại cho tôi nhiều xúc động. Đồng bào có kể trước đây, trong kháng chiến, khi quan hệ Việt Nam – Thái Lan chưa cải thiện, việc dạy tiếng Việt không được phép, thậm chí thầy trò phải giấu sách vở để đi dạy, đi học. Nhưng từ khi quan hệ Thái Lan - Việt Nam cải thiện, đồng bào có nhiều thuận lợi trong việc dạy chữ, dạy văn hóa cho con em mình. Có những Việt kiều, chỉ là nhà kinh doanh hay người lao động, nhưng với lòng mong muốn dạy chữ, dạy văn hóa cho con em mình đã đứng ra bỏ tiền, lập trường dạy tiếng Việt cho con em mình. Qua đó có thể thấy đồng bào rất tâm huyết. Khi biết Chính phủ có Dự án hỗ trợ việc dạy tiếng Việt, đồng bào rất phấn khởi. Bà con đã tạo mọi điều kiện cho đoàn công tác của chúng tôi được giới thiệu bộ sách và phương pháp giảng dạy. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương ở các tỉnh cũng tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho bà con, cho đoàn. Một số tỉnh đưa tiếng Việt vào dạy trong chương trình chính quy như một ngoại ngữ. Một số trường còn kết nghĩa với một số tỉnh miền Trung của Việt Nam. Tôi đã đến một số trường ở Noọng Khai, Nakhon Phanom, nơi có nhiều học sinh người Thái chọn tiếng Việt như một ngoại ngữ. Có những trường duy trì tương đối tốt như Trường trung học Pathunthep ở Noọng Khai.
- Bên cạnh việc hoàn thiện chương trình dạy học thì đội ngũ giáo viên cũng rất quan trọng. Ông nhận xét như thế nào về đội ngũ này?
- Đội ngũ giáo viên là những người rất tận tụy, nhiệt tình. Đây là điều đáng quý nhất. Còn về chuyên môn nghiệp vụ thì rất đa dạng, gồm người Việt ở nước ngoài, người bản địa biết tiếng Việt và giáo viên từ Việt Nam được cử sang giảng dạy. Ở Lào, phần lớn người dạy đều được đào tạo theo chuyên ngành sư phạm, có chuyên môn về tiếng Việt. Ở Thái Lan, giáo viên chủ yếu là nhà kinh doanh, người lao động vì tình cảm cộng đồng, tình yêu quê hương mà tự nguyện đứng ra mở lớp, lập trường.
- Nhưng chắc là việc dạy học ở nước ngoài vẫn có những khó khăn?
- Đúng vậy. Khó khăn lớn nhất là thời gian bố trí giảng dạy tiếng Việt không nhiều. Do trẻ em ở nước nào cũng phải dành nhiều thời gian học ngôn ngữ bản địa và hoàn thành chương trình học tập của nước đó, nên các em chỉ có thể học tiếng Việt ngoài giờ, trừ một số nước đưa tiếng Việt vào chương trình chính khóa. Một khó khăn nữa là cộng đồng người Việt ở nước ngoài không thuần nhất. Có một bộ phận bà con ở một số nước phương Tây chưa thật sự gắn bó với trong nước nên tuy có nguyện vọng dạy tiếng Việt cho con em nhưng chưa sẵn sàng sử dụng tài liệu từ trong nước đưa sang. Để khắc phục tình trạng này, khi biên soạn chương trình dạy cho trẻ em, chúng tôi luôn luôn chú ý làm sao cho nội dung dạy học hấp dẫn, khơi gợi tình cảm quê hương một cách khéo léo nhất.
- Nhằm khắc phục những khó khăn vừa nêu, Dự án đã có những giải pháp nào thưa ông?
- Sau khi về nước, anh em ở các đoàn công tác luôn nhận được thư từ, tin tức của bà con phản ánh tình hình dạy học. Qua đó, Dự án sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp. Để hỗ trợ đội ngũ giáo viên, từ ngày 3 đến ngày 15-8 vừa qua, Dự án đã tổ chức lớp tập huấn cho giáo viên dạy tiếng Việt ở Lào, Thái Lan tại Cửa Lò, Nghệ An. Chúng tôi hy vọng, với sự nỗ lực từ nhiều phía, việc dạy tiếng Việt cho bà con ở Thái Lan, Lào nói riêng và các nước khác trên thế giới nói chung ngày một thuận lợi hơn, đáp ứng nguyện vọng tha thiết và tình yêu quê hương đất nước của bà con từ khắp nơi trên thế giới.
- Xin cảm ơn ông!