Công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông có vai trò rất quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, giao thông vận tải đường bộ là lĩnh vực trọng yếu của quá trình phân phối và lưu thông hàng hóa, giúp các hoạt động sản xuất, kinh doanh, giao thương, vận chuyển diễn ra thuận lợi. Tại Kỳ họp thứ Sáu vừa qua, Quốc hội đã thông qua nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ (Nghị quyết). Theo đó, Quốc hội đã tiếp tục cho phép thí điểm một số chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ, tạo thuận lợi tối đa trong tổ chức đầu tư 21 dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm đường bộ kết nối vùng và liên tỉnh.
Để tổ chức thực hiện, Quốc hội giao Chính phủ chịu trách nhiệm toàn diện về danh mục dự án tại Phụ lục kèm theo Nghị quyết; thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo đảm hiệu quả của chính sách; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2025. Bộ Giao thông Vận tải, địa phương tiếp nhận công trình sau khi cơ quan chủ quản hoàn thành việc xây dựng, quyết toán dự án để quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì theo quy định. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được giao làm cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm bảo đảm năng lực, kinh nghiệm của cơ quan, tổ chức được giao triển khai thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật có liên quan…
Các chính sách đặc thù này được áp dụng từ ngày 28.11.2023 và được thực hiện đến hết ngày 30.6.2025. Như vậy, thời gian chỉ có hơn 1 năm rưỡi để thực hiện một số cơ chế chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ. Do đó, cần phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện để phát huy hiệu quả chính sách này.
Việc Quốc hội ban hành nghị quyết với các chính đặc thù có ý nghĩa rất lớn nhằm bảo đảm thực hiện thành công chủ trương của Đảng về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ hiện đại. Với sự phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, Nghị quyết đã tạo cơ chế linh hoạt để các địa phương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án, bảo đảm việc giải ngân nguồn vốn đã được Chính phủ giao theo tiến độ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện liên kết vùng giữa các địa phương. Trong khi nguồn lực còn có hạn, Nghị quyết đã tạo điều kiện để thu hút tối đa nguồn lực đầu tư, đa dạng hóa các hình thức huy động nguồn lực, nhất là các nguồn lực ngoài nhà nước để phát triển các dự án, công trình giao thông trọng điểm.
2024 được xác định năm “tăng tốc” xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia với tổng mức đầu tư 422.000 tỷ đồng. Khó khăn về cơ chế pháp lý đã được Quốc hội tháo gỡ bởi các cơ chế, chính sách đặc thù. Bài toán về vốn cũng đã được giải quyết. Vấn đề còn lại chính là khâu triển khai thực hiện.
Công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải là đòn bẩy rất quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong khi đó, thời gian để thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù lại “hữu hạn”. Điều này đòi hỏi Chính phủ, các bộ, ngành quyết tâm cao để phát huy hiệu quả các chính sách trên thực tế.
Cần nhấn mạnh rằng, việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải là rất cần thiết. Nhưng điều quan trọng là hiệu quả của các cơ chế, chính sách đặc thù, các dự án, công trình mang lại. Muốn vậy, ngoài việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, rất cần có sự kiểm tra, giám sát, thanh tra bảo đảm không để xảy ra việc trục lợi chính sách, lợi ích nhóm, thất thoát, lãng phí. Cùng với đó là xử lý nghiêm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân nếu để xảy ra vi phạm trong quá trình thực hiện.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, tin rằng, những cơ chế chính sách đặc thù được Quốc hội ban hành sẽ sớm phát huy hiệu quả trên thực tế, những công trình dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm giao thông sẽ về đích đúng hạn.