Khắc phục tình trạng đùn đẩy trách nhiệm
Kết quả giám sát tại các huyện Hậu Lộc, Hà Trung, Bá Thước, Vĩnh Lộc cho thấy, chính quyền địa phương các cấp đã chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và pháp luật đất đai nói riêng nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý Nhà nước. Đồng thời, đã rà soát, xác định chính xác số liệu để có bức tranh tổng thể các trường hợp còn vướng mắc liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ ở đối với các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có nguồn gốc giao đất không đúng thẩm quyền trên địa bàn.
Đối với những trường hợp đủ điều kiện, UBND cấp huyện và các xã, thị trấn đã thông báo để công dân hoàn thiện hồ sơ nếu có nhu cầu cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Đồng thời, hướng dẫn UBND các xã, thị trấn khắc phục khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ trong công tác cấp giấy chứng nhận QSDĐ; làm rõ trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan, đơn vị; khắc phục tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, chuyển hồ sơ lòng vòng, nhiều lần, yêu cầu bổ sung thành phần hồ sơ khác ngoài quy định, kéo dài thời gian gây bức xúc cho người dân. Trường hợp phát hiện cơ quan, đơn vị nào không thực hiện hoặc thực hiện không đúng trách nhiệm, không bảo đảm quy trình, thời gian xử lý công việc thì kiến nghị xử lý.
Theo đó, từ ngày 1.6.2022 đến ngày 30.6.2024 tại huyện Hà Trung, tổng số hồ sơ tiếp nhận là 5.238 hồ sơ (đã giải quyết 5.046 hồ sơ, đạt 96,3%); tại huyện Bá Thước tổng số hồ sơ tiếp nhận là 2.783 hồ sơ (đã giải quyết 2.279 hồ sơ, đạt 81,9%); tại huyện Vĩnh Lộc tổng số hồ sơ tiếp nhận là 5.482 hồ sơ (đã giải quyết 4.756 hồ sơ, đạt 86,76%)...
Tăng cường kiểm tra, giám sát
Bên cạnh những kết quả đạt được, Đoàn giám sát đã chỉ rõ, công tác cấp giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Đó là: Một số trường hợp tồn đọng là do không phù hợp quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị hoặc quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn, quy hoạch xây dựng nông thôn mới đã được phê duyệt; số trường hợp được cấp giấy chứng nhận lần đầu đạt thấp so với kế hoạch; việc xác minh các thông tin về QSDĐ gặp khó khăn do thiếu thông tin chính xác, tài liệu không đầy đủ hoặc các vấn đề pháp lý phức tạp; quyết định giao đất, biên bản giao đất của đơn vị giao trái thẩm quyền nên không có cơ sở xác định nguồn gốc đất để xem xét công nhận QSDĐ.
Tại các buổi giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Lê Quang Hùng ghi nhận, đánh giá cao những kết quả các địa phương đã đạt được. Để tiếp tục triển khai, đẩy nhanh tiến độ việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, các địa phương cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức về quyền lợi, nghĩa vụ của người sử dụng đất trong việc đăng ký, cấp giấy chứng nhận. Đồng thời, tiếp tục triển khai, chỉ đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường về việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tại địa phương...
Bên cạnh đó, thống kê, rà soát, phân loại cụ thể về những trường hợp được cấp và những trường hợp không được cấp, từ đó giao cho các địa phương để triển khai thực hiện. Đặc biệt, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trách nhiệm của UBND huyện đối với UBND các xã, thị trấn trong việc lập hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính trong cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn; xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân có vi phạm theo quy định.