Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải chủ trì hội nghị.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Huỳnh Thanh Xuân, một số ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và hơn 100 chủ tịch, phó chủ tịch Liên đoàn Lao động, các cán bộ làm công tác tư vấn pháp luật ở các tỉnh, thành phố, công đoàn ngành tham gia hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải cho biết, hoạt động tư vấn pháp luật và hỗ trợ người lao động rất quan trọng. Thời gian qua, nhiều Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành đã thực hiện công tác này, nhưng còn những điều phải đổi mới để đáp ứng yêu cầu tình hình mới.
Theo báo cáo của Ban Tổ chức Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đến hết năm 2022, đã có 58/63 Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, 16/19 công đoàn ngành trung ương, công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn thành lập 76 trung tâm, văn phòng, tổ vấn pháp luật.
Hiện có 2.945 cán bộ tư vấn pháp luật trong hệ thống tổ chức Công đoàn Việt Nam, trong đó có 425 cán bộ tại cấp tỉnh, chiếm 14,43% và 2.520 cán bộ tại cấp trên trực tiếp cơ sở, chiếm 85,57%.
Bên cạnh những mặt đã làm được, các đại biểu cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của trung tâm tư vấn và hỗ trợ người lao động và nêu những kiến nghị.
Ông Lê Xuân Trường, Trưởng Ban Tổ chức Liên đoàn Lao động TP Hà Nội đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần ban hành hoặc kiến nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu ban hành danh mục vị trí việc làm, khung năng lực vị trí việc làm các đơn vị sự nghiệp để thống nhất chung trong hệ thống. Cần sớm nghiên cứu, ban hành quy định cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ của các cấp công đoàn cho trung tâm tư vấn pháp luật và hỗ trợ người lao động thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất; quy định cơ chế đặc thù, đủ sức thu hút đối với đội ngũ luật sư và các cán bộ khác làm việc tại hệ thống các trung tâm tư vấn pháp luật và hỗ trợ người lao động tạo điều kiện để trung tâm thực hiện được chức năng, nhiệm vụ được giao…
Ông Nguyễn Anh Tuân, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hải Phòng cũng cho biết, việc tự chủ tài chính của trung tâm Tư vấn pháp luật còn rất khó. “Nếu không nhất thiết phải áp dụng cơ chế tự chủ đối với mô hình trung tâm tư vấn pháp luật và hỗ trợ người lao động thì sẽ là điều kiện thuận lợi để các trung tâm trong hệ thống Công đoàn phát triển nhanh, mạnh và phát huy hiệu lực hiệu quả trong việc thúc đẩy phát triển quan hệ lao động hài hòa, ổn định, góp phần thực hiện các mục tiêu chính trị của tổ chức Công đoàn”, ông Tuân kiến nghị.
Sau khi lắng nghe các kiến nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải đề nghị Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành, Công đoàn ngành cần bám sát chủ trương của Đảng để thành lập, tổ chức lại các trung tâm tư vấn và hỗ trợ người lao động và có lộ trình tính toán đầu tư đào tạo, xây dựng đội ngũ tư vấn pháp luật, luật sư hoạt động, hỗ trợ một phần cho hoạt động của tổ chức Công đoàn địa phương.
Ông Hải cũng lưu ý các khi tổ chức Công đoàn, khi xây dựng vị trí việc làm cần tính toán đến nhu cầu hiện tại và phát triển tương lai, phải tạo ra nguồn lực của tổ chức Công đoàn để chăm lo, dịch vụ tốt các nhu cầu thiết yếu, cốt lõi nhất của người lao động. Bên cạnh đó, phải chú ý truyền thông tốt để đoàn viên Công đoàn, người lao động biết đến hoạt động dịch vụ của tổ chức Công đoàn và xã hội nhìn nhận, đánh giá đúng về vai trò, vị trí của tổ chức Công đoàn.