Khó khăn chưa suy giảm
Tại diễn đàn Phát triển bền vững thị trường bất động sản và Trao chứng nhận “Dự án đáng sống” ngày 22.9, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, thị trường bất động sản có vị trí và vai trò quan trọng đặc biệt đối với nền kinh tế.
Tuy nhiên, doanh nghiệp bất động sản hiện vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực này suy giảm: quý I.2023 có 940 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 63,2% so với cùng kỳ năm 2022. Số doanh nghiệp giải thể, ngừng kinh doanh có thời hạn lần lượt là 341 doanh nghiệp, tăng 30,2% và 1.816 doanh nghiệp, tăng 60,7% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, hệ thống chính sách liên quan đến lĩnh vực đất đai có nhiều hạn chế, đặc biệt là Luật Đất đai 2013, dẫn tới chưa khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, cho rằng, bất động sản thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn nhưng khoảng cách giữa chính sách, định hướng phát triển và thực tế vận động của thị trường không thể giải quyết ngay trong một sớm một chiều. Sức mua giảm mạnh cũng làm gia tăng thêm khó khăn của thị trường. Nhiều dự án gặp khó khăn, vướng mắc, triển khai chậm do quy định về phương pháp định giá đất. Nguyên nhân liên quan đến pháp luật về quy hoạch, về thẩm quyền điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung; về điều kiện, thời điểm rà soát, cập nhật, điều chỉnh quy hoạch đảm bảo đồng bộ quy hoạch xây dựng bao gồm quy hoạch chung, quy hoạch phân khu… hay những nguyên nhân liên quan đến pháp luật về đầu tư.
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu cho rằng, 70% các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp bất động sản xuất phát từ pháp lý. Có 12 luật điều chỉnh trực tiếp lĩnh vực bất động sản và 20 luật điều chỉnh gián tiếp như Luật Quy hoạch, Luật Phòng cháy, chữa cháy… Các bộ, ngành chịu trách nhiệm soạn thảo luật nhưng chưa có cơ chế thống nhất nên hiệu quả không cao.
Tháo gỡ vướng mắc về thủ tục
Thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành rất nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính nhận xét. Nhờ đó, niềm tin của các nhà đầu tư dần phục hồi. Nhiều dự án mới bắt đầu mở bán trên thị trường, dẫn đến gia tăng số lượng giao dịch. Tuy vậy, việc cải thiện nguồn cung nhà ở và sự ổn định của tâm lý của người mua vẫn diễn ra chậm chạp, cần nhiều thời gian. Tâm lý của nhà đầu tư vẫn khá thận trọng, đặc biệt là những người đang đối diện với áp lực tài chính từ các khoản đầu tư trước đây. Qua khảo sát, 70% doanh nghiệp cho biết, các chính sách về nguồn vốn vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả.
Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản Hoàng Hải cho biết, thời gian tới, các bộ, ngành và địa phương vẫn cần tập trung rà soát, tháo gỡ vướng mắc về thủ tục để tăng nguồn cung nhà ở, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản trên địa bàn. Đồng thời, khẩn trương tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng đô thị, nông thôn, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Thực hiện nghiêm quy định về việc dành 20% quỹ đất ở đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư phát triển nhà ở xã hội.
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, thị trường bất động sản đang có 4 vướng mắc lớn: vấn đề giải phóng mặt bằng, quy hoạch, định giá đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Pháp luật cần tập trung vào các vấn đề này để tháo gỡ cho thị trường. Cùng với đó, thủ tục hành chính cũng là một trong những vướng mắc, gây khó cho doanh nghiệp hiện nay. Việc Bộ Xây dựng dự kiến xử lý việc rút gọn thủ tục hành chính và một số chính sách liên quan là rất thiết thực - ông Hiệp nhấn mạnh.
Khó khăn của thị trường bất động sản có thể kéo dài đến quý II, quý III năm sau, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, dự báo. Chính phủ đang quyết liệt tháo gỡ khó khăn nhưng kết quả chưa cao do chưa vào “tâm bão”. Giải pháp trong thời gian tới ngoài việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, phải đẩy mạnh nguồn cung của phân khúc nhà ở giá rẻ, TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.