Kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh Lai Châu Khóa XIV

Đẩy mạnh hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản

- Thứ Tư, 23/12/2020, 07:11 - Chia sẻ
Tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thảo luận tại kỳ họp, đại biểu cho rằng tỉnh cần rà soát lại, tính toán phân cấp công tác tuyển dụng cho các huyện, sở, ngành; quyết liệt triển khai chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản; xem xét lại cơ chế phân bổ, sử dụng nguồn vốn xây dựng NTM…

Phân cấp tuyển dụng cho các huyện, sở, ngành

Thảo luận tại kỳ họp, đại biểu Hoàng Quốc Khánh, Bí thư Huyện ủy Tam Đường quan tâm đến câu chuyện chậm tuyển dụng, bố trí công chức, viên chức cho các đơn vị vẫn chưa có phương án giải quyết, trong khi nhiều huyện, sở, ban ngành vẫn thiếu biên chế. Đại biểu cho rằng, hiện biên chế vẫn còn nhiều, trong năm 2021, UBND tỉnh nên rà soát lại, tính toán phân cấp công tác tuyển dụng cho các huyện, sở, ngành. Vì theo Nghị định 24, Nghị định 138 ban hành tháng 11.2020 quy định rất rõ cơ quan được phép tuyển dụng là cơ quan được phân cấp, cơ quan quản lý sử dụng con người đó, có tài khoản, con dấu là được tuyển dụng. Hơn nữa, ngân hàng đề thi tỉnh ban hành, việc phê duyệt kế hoạch do tỉnh phê duyệt, quá trình tuyển dụng thi sát hạch do Sở Nội vụ giám sát, thanh tra. Thực tế, nhiều tỉnh trên cả nước cũng đã phân cấp như Điện Biên, Lào Cai. Trước mắt, phân cấp một số đơn vị trước để rút kinh nghiệm. Từ đó, tháo gỡ được cho các huyện về vị trí việc làm.

Đại biểu thảo luận tại Kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh Lai Châu Khóa XIV

Dự toán phân bổ kế hoạch vốn năm 2021, có 21 dự án khởi công mới năm 2021, trong đó 20 dự án từ nguồn vốn tái định cư. Cần xem xét thứ tự ưu tiên, không nên dàn trải... Đối với Nghị quyết về tình hình thu chi ngân sách địa phương năm 2020 và dự án phân bổ ngân sách địa phương năm 2021, dù Trung ương đã có định mức nhưng về địa phương phải có sự linh hoạt trong phân bổ nguồn vốn. Tổ chức các ngày hội văn hóa chi đến hơn 6 - 7 tỷ đồng là lãng phí, trong khi đó ở một số nơi trên địa bàn như ở huyện Mường Tè, Nậm Nhùn đường sá, nhà cửa, đời sống Nhân dân còn vô cùng khó khăn. Sở Tài chính phải xem xét cho thật kỹ để phân bổ nguồn vốn cho hợp lý.

Đại biểu Khoàng Thị Thanh Nga - Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam tỉnh Lai Châu

Liên quan đến Nghị quyết số 14/2020/NQ-HĐND quy định chức danh, số lượng, mức phụ cấp, chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách và các chức danh khác ở cấp xã, thôn, bản tổ dân phố trên địa bàn, đại biểu Lý Anh Hừ, Bí thư Huyện ủy Mường Tè cho rằng: Quy định hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các thôn, bản, tổ dân phố để thực hiện chi trả cho người trực tiếp tham gia công việc ở thôn, bản, tổ dân phố là 13 triệu đồng/thôn, bản, tổ dân phố/năm; với mức bồi dưỡng cho người trực tiếp tham gia công việc ở thôn, bản, tổ dân phố 50.000 đồng/buổi/người, dẫn tới mức chi trả thấp, khó trong việc chấm công và thẩm định chấm công (khi chưa quy định rõ ai là người chấm công và thẩm định chấm công).

Hệ lụy là, các phong trào, hoạt động ở các thôn, bản gặp khó khăn, bởi nhiều đối tượng hoạt động không chuyên trách không còn mặn mà với hoạt động ở địa phương, tìm hướng đi làm ăn xa để có thu nhập; dẫn tới không có người tổ chức và thực hiện các hoạt động. Đại biểu  Lý Anh Hừ đề nghị HĐND tỉnh xem xét, sửa đổi nghị quyết cho phù hợp.

Không nặng mục tiêu trong xây dựng nông thôn mới

Liên quan đến hoạt động của các hợp tác xã, đại biểu Mùa A Trừ, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Tính đến nay, có 5 huyện được phân bổ 10,6 tỷ đồng hỗ trợ cho hoạt động của các HTX nhưng đến thời điểm này, chỉ có huyện Than Uyên có 2 HTX được hỗ trợ với số tiền 1,7 tỷ đồng. Các HTX trên địa bàn các huyện khác được hưởng chính sách hỗ trợ rất ít. Đại biểu đề nghị tỉnh quan tâm hơn, rà soát lại hoạt động của các HTX, điều chỉnh lại các tiêu chí hỗ trợ để các HTX được hưởng chính sách.

Cũng liên quan đến sản xuất nông nghiệp, đại biểu Phong Vĩnh Cường (Tổ đại biểu huyện Tam Đường) phản ánh bất cập liên quan đến việc triển khai chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 13/2019/NQ-HĐND tỉnh. Cụ thể, năm 2020, tỉnh bố trí 30 tỷ đồng nhưng chưa thực hiện được do thiếu hướng dẫn cụ thể nên khó triển khai trên thực tế. Đơn cử, về hợp đồng liên kết, chưa có sự thống nhất, UBND tỉnh cần chỉ đạo các sở, ngành liên quan ban hành hướng dẫn mẫu hợp đồng liên kết áp dụng chung trên địa bàn tỉnh… Nhấn mạnh Nghị quyết rất phù hợp cho doanh nghiệp và người dân, đại biểu đề nghị tỉnh cần quyết liệt hơn nữa để sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống.

Quan tâm đến phong trào NTM, đại biểu Lý Anh Hừ, Bí thư Huyện ủy Mường Tè cho rằng, huyện và xã không hề mắc bệnh thành tích mà là đang chịu áp lực lớn nên phải tập trung làm cố, bởi để hoàn thành mục tiêu nghị quyết đề ra không hề dễ. Khi đã làm ép, làm cố thì phần nào ảnh hưởng đến chất lượng một số tiêu chí. Nếu không ép, không cố thì có huyện 2 - 3 năm liên tiếp không đăng ký, không hoàn thành được xã nào. Theo đại biểu, HĐND tỉnh cần thảo luận, thống nhất hàng năm các huyện vẫn đăng ký, xã sẽ phấn đấu hoàn thành nhưng có được hay không phải dựa trên đánh giá thực tế khách quan, dựa trên chất lượng, chứ không nặng về mục tiêu kế hoạch. Tỉnh cần xem xét lại cơ chế phân bổ và sử dụng nguồn vốn xây dựng NTM theo hình thức dồn nguồn lực đầu tư, hỗ trợ cho xã nào đã xác định hoàn thành trước để làm đến đâu chắc đến đó.

NGUYỄN HOÀNG