Đầu tư là cần thiết, nhưng đã phải là cấp thiết chưa?

- Thứ Ba, 08/06/2010, 00:00 - Chia sẻ
Hôm nay, 8.6, QH thảo luận về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội - TP Hồ Chí Minh. Đây là dự án lớn, hội tụ nhiều mối quan hệ về kinh tế, tài chính, xã hội, văn hóa, an ninh và quốc phòng, do vậy cần phải giải trình đầy đủ và thuyết phục về sự cần thiết; những điều kiện khả thi cũng như thời điểm triển khai và hiệu quả của dự án…

ĐBQH Sùng Thị Chư (Yên Bái): Đầu tư là cần thiết nhưng chưa phải là cấp thiết

Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP Hồ Chí Minh là một dự án lớn được nhân dân và dư luận xã hội rất quan tâm. Xoay quanh vấn đề này hiện nay còn có hai luồng ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng bây giờ mới đề cập đến đường sắt là quá muộn. Nhưng cũng có nhiều ý kiến lo lắng và băn khoăn, bởi đây là dự án rất lớn phải tốn nhiều tiền của, số vốn xây dựng đường sắt chủ yếu đi vay nước ngoài cho nên phải “liệu cơm gắp mắm”.

Tôi băn khoăn 3 vấn đề: một là tại sao đến nay chỉ có 11 nước trên thế gới làm đường cao tốc mà không phải là nhiều nước làm, kể cả một số nước có nền kinh tế khá hơn chúng ta và chiều dài của các đường cao tốc của các nước đó đa phần từ 95 cho đến 417km, trong khi chiều dài đường cao tốc ở Việt Nam chúng ta là 1.750km? Thứ hai, nguồn vốn đầu tư cho dự án này lại là quá lớn đến 56 tỷ USD, một khoản kinh phí khổng lồ chiếm đến 2/3 GDP của Việt Nam mà hiện nay tỷ lệ nợ đọng Chính phủ đã lên tới 42% GDP. Dự án này có thời gian đầu tư dài, thời gian thu hồi vốn đến 45 năm thì hiệu quả kinh tế là quá thấp, tiền vé lại cao gần bằng tiền vé máy bay thì không thể phục vụ đa số người dân được. Nếu so sánh với Nhật Bản khi làm đường cao tốc thì số tiền nước này bỏ ra khoảng 2 - 3% GDP, song họ làm toàn bộ chủ đầu tư về thiết kế về thi công xây dựng. Đối với dự án đường sắt cao tốc Việt Nam, lượng vốn huy động trong toàn ngành giao thông vận tải từ nay cho đến năm 2020 chiếm 6,4%GDP. Nếu tính riêng đường sắt cao tốc thì chiếm 1,5%; chúng ta chưa có chuyên gia, công nghiệp và phục vụ các đường sắt cao tốc, mà phụ thuộc gần như toàn bộ vào nước ngoài. Đó cũng là một trong những vấn đề gây khó khăn cũng như có thể là sẽ rủi ro cho đất nước. Hiện nay chúng ta đã và đang chỉ đạo và nâng cấp các tuyến đường quốc lộ và nhất là các đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, đường quốc lộ 14, đường Hồ Chí Minh, đường sắt, đường thủy và đường hàng không đang phát huy hiệu quả cho nên chúng ta tiếp tục đầu tư tốt hơn những công trình trên. Thứ ba, tôi rất quan tâm tới đời sống của 16.529 hộ gia đình phải di cư, tái định cư, trong đó trên 9.480 hộ bị mất đất sản xuất, tổng số chi phí giải phóng mặt bằng trên 30 nghìn tỷ đồng. Do vậy, tôi đề nghị Chính phủ nên giải trình thêm để các ĐBQH có thêm căn cứ và cân nhắc việc có quyết định chủ trương đầu tư dự án này hay không. Theo tôi việc đầu tư đường sắt cao tốc Hà Nội - TP Hồ Chí Minh là cần thiết nhưng chưa phải là cấp thiết trong thời điểm này. Tôi đề nghị tại Kỳ họp này và cả nhiệm kỳ QH Khóa XII chưa nên quyết định chủ trương đầu tư dự án này.

ĐBQH Lê Văn Học (Lâm Đồng): Hiệu quả đầu tư sẽ như thế nào?

Tôi xin được nêu một vài ý kiến còn chưa rõ trong dự án Chính phủ. Về lựa chọn phương án. Đây là báo cáo tiền khả thi của dự án rất lớn về quy mô, thời gian thực hiện cũng như kinh phí, nhưng báo cáo nêu quá ngắn gọn và tóm tắt. Có thể nói nếu không phải là chuyên gia thì đọc cực kỳ khó hiểu vì thiếu những số liệu so sánh. Đặc biệt là cơ sở khoa học để có các số liệu về dự báo hành khách cho đường sắt cao tốc tuyến Bắc - Nam 48 nghìn hành khách/ngày đêm không phân chia rõ bao nhiêu cán bộ đi công tác, bao nhiêu đi làm hàng ngày, bao nhiêu đi thăm thân nhân, bao nhiêu du lịch, bao nhiêu đi nghỉ ngơi... Trong 4 phương án mà Báo cáo nêu thực ra phương án 1, phương án 2 cũng là mở rộng đường sắt. Hai phương án sau tức là nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại và làm thêm đường đôi 1.435mm của phương án 3 là chạy với tốc độ 200km/h, chạy chung cả tàu khách và tàu hàng. Phương án 4 là nâng cấp đường sắt Thống Nhất hiện tại nhưng vẫn giữ nguyên khổ 1m, xây dựng tuyến mới 1.435mm chạy cao tốc với tốc độ thiết kế 350km/h và khai thác 300km/h. Theo tôi thực ra lựa chọn phương án 4 cũng không phải, bởi vì ở đây chỉ một phần của phương án 4, tức là xây dựng đường sắt cao tốc, phần nâng cấp không đề cập gì đến, chính vì thế cho nên không có số liệu để so sánh về hiệu quả kinh tế, vì thực ra dự án này chúng ta băn khoăn nhiều chủ yếu là về hiệu quả kinh tế. Đầu tư như thế, thời gian như vậy thì hiệu quả của nó sẽ như thế nào…?

ĐBQH Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng): Đã thực sự cần thiết để xây dựng đường sắt cao tốc chưa?

Nếu nhìn về tương lai thì ai cũng mơ ước dự án này trở thành hiện thực, song với điều kiện kinh tế của nước ta, đề nghị Chính phủ cần làm rõ một số vấn đề: một là tại sao đến nay trên thế giới chỉ có 11 nước có đường sắt cao tốc, đặc biệt là một số nước phát triển như G7 cũng chưa xây dựng đường sắt cao tốc. Chúng ta đã thực sự cần thiết để xây dựng đường sắt cao tốc chưa, trong khi điều kiện ngân sách của chúng ta còn hạn hẹp và còn cần phải đầu tư cho nhiều lĩnh vực khác. Hiện một loạt các dự án lớn đang triển khai như thủy điện, điện hạt nhân, chủ yếu bằng nguồn vốn đi vay, bây giờ thêm dự án này liệu ngân sách có gánh vác nổi không? Hai là, có ý kiến cho rằng, đường sắt cao tốc Bắc - Nam trước mắt không phải là dự án ưu tiên hàng đầu, mà ưu tiên số 1 là đầu tư cho nông nghiệp để 70% nông dân được hưởng lợi; ưu tiên thứ hai là đầu tư một số ngành công nghiệp và dịch vụ khác để cho nền kinh tế đi lên một cách vững chắc.... Vậy nên đầu tư vào đâu là hiệu quả để phục vụ nhân dân? Ba là với vốn đầu tư hơn 56 tỷ USD bằng vốn vay ODA liệu dư nợ nước ngoài của chúng ta có an toàn không? Nhiều chuyên gia cho rằng, vốn ODA không phải lúc nào cũng tốt. Bốn là, có nhiều ý kiến cho rằng, nước ta có đường biển chạy dọc Bắc - Trung - Nam, với 28 tỉnh, thành phố ven biển, tại sao không xây dựng dự án chuyên chở hành khách bằng tàu thủy cao tốc, vừa khắc phục được khâu giải phóng mặt bằng, không phải di dân vừa không phải lấy đất trồng lúa. Đó là một số điều căn bản cần phải được làm rõ.

Theo tôi, trước mắt QH xem xét quyết định chủ trương đầu tư tập trung vào 2 đoạn tuyến Hà Nội - TP Hồ Chí Minh - Nha Trang.

ĐBQH Trần Hồng Việt (Hậu Giang): Là ý tưởng đẹp, là ước mơ của nhân dân…

Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP Hồ Chí Minh là ý tưởng đẹp, là ước mơ của nhân dân. Tôi đọc các Tờ trình của Chính phủ, đặc biệt là Báo cáo giải trình gần nhất ngày 4.6 mà Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng vừa trình bày sáng nay thể hiện ý chí triển khai dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam vào năm 2014 của Chính phủ rất quyết liệt, nhưng rất đáng tiếc vào thời điểm hiện nay với khả năng tiềm lực tài chính quốc gia chưa tạo được sự đồng thuận cao trong các tầng lớp dân cư, nhất là 70% cư dân nông thôn ĐBSCL. Dự báo của Chính phủ trình và tính khả thi dự án chưa đủ cơ sở tin cậy và thuyết phục.

Nếu so sánh với Nhật bản xây dựng đường sắt cao tốc tuyến Tokyo - Osaka khởi công năm 1959 hoàn thành năm 1964, lúc đó thu nhập bình quân đầu người của Nhật chỉ 500USD, nhưng giá trị sử dụng 500USD lúc đó so với nay là thế nào? 500USD lúc đó mua được 3 ounce vàng, nay mua 3 ounce vàng là gần 3.500USD. Tổng kinh phí xây dựng đường cao tốc đoạn Tokyo - Osaka là 380 tỷ chiếm 2,4% tổng sản phẩm quốc dân, Nhật Bản vay Ngân hàng thế giới 28,8 tỷ yên, tương đương 80 triệu USD bằng 7,6% tổng kinh phí xây dựng. Vậy chúng ta đầu tư 56 tỷ USD này là chiếm bao nhiêu % GDP, cơ cấu nợ vay là bao nhiêu…?

ĐBQH Trần Văn (Cà Mau): QH nên chấp thuận chủ trương…

Dự án đường sắt cao tốc Hà Nôi - TP Hồ Chí Minh đang được nghiên cứu là cơ hội để rà soát lại tổng thể chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông của nước ta cho giai đoạn phát triển cực kỳ quan trọng trong những năm tới. Việc có nhiều ý kiến trái ngược nhau là tất yếu, ai cũng mong muốn để các nguồn lực của đất nước được sử dụng có hiệu quả nhất, tạo thành hiệu ứng lan tỏa đối với toàn bộ nền kinh tế quốc dân. QH nên chấp thuận chủ trương, tuy nhiên có tính đến ý kiến đóng góp ngày hôm nay từ tất cả các tầng lớp nhân dân, các chuyên gia trong và ngoài nước.

ĐBQH Lê Đình Khanh (Hải Dương): Nên tiến hành khi thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 3.000USD/năm trở lên

Tôi nhất trí với chủ trương của Đảng và Chính phủ về việc nghiên cứu xây dựng đường sắt cao tốc cho tương lai để đáp ứng được nhu cầu vận chuyển khách bằng phương tiện hiện đại và rút ngắn thời gian đi lại. Tuy nhiên, hiện nay nước ta còn nghèo, nhiều công trình phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội cần được sớm đầu tư để đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong khi nguồn vốn có hạn, kể cả vốn đi vay. Vì vậy, nếu lo được vốn thì chúng ta nên tập trung giải quyết ngay những vấn đề cấp bách, bức xúc đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao như đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn hoặc giải quyết vấn đề ách tắc giao thông ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Hàng chục năm qua chúng ta nghiên cứu tàu điện ngầm, đường trên cao nhưng dường như chưa có chuyển biến gì đáng kể. Về dự án này, đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải đầu tư nghiên cứu sâu hơn phương án nâng cấp tuyến đường sắt cũ và xây dựng đường đôi khẩu độ 1.435mm với tốc độ 200km/h để vừa vận tải hàng hóa, vừa chuyên chở hành khách sẽ phù hợp với thực tế ở Việt Nam trong một vài chục năm tới. Chúng tôi đề nghị QH đề nghị Chính phủ làm rõ cả 4 phương án về đường sắt Bắc - Nam để kỳ họp sau QH sẽ lựa chọn. Đối với ý kiến là thời điểm đầu tư nên chọn mức nào thì tôi cho rằng với đường sắt cao tốc nếu có thì nên tiến hành khi thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 3.000USD/năm trở lên.

Minh Vân lược ghi