Đầu tư cho y tế dự phòng là yêu cầu cấp thiết

- Thứ Tư, 10/11/2021, 04:33 - Chia sẻ
Thảo luận tại hội trường về công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh vai trò của y tế dự phòng. Trong bối cảnh Việt Nam là quốc gia có nhiều bệnh truyền nhiễm, các chuyên gia cho rằng cần quan tâm đầu tư cho y tế dự phòng và huy động y tế tư nhân cùng tham gia chống dịch.
Cán bộ y tế dự phòng quận Hai Bà Trưng, Hà Nội hướng dẫn giáo viên vệ sinh khử khuẩn lớp học để phòng, chống dịch Covid-19
Nguồn: Báo Hà Nội Mới

PGS. TS. Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam:
Có cơ chế đãi ngộ thỏa đáng

Bài học phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua, nhất là ở TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam cho thấy, chúng ta đã bị “vỡ trận” dự phòng dẫn tới “vỡ trận” điều trị. Nguyên nhân là y tế dự phòng quá khó khăn cả về năng lực đến cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực khiến người bệnh không được tiếp cận y tế kịp thời dẫn đến bệnh chuyển nặng và tử vong.

Trong bối cảnh Việt Nam là quốc gia có nhiều bệnh truyền nhiễm nên việc quan tâm tới y tế dự phòng đóng vai trò đặc biệt quan trọng và là yêu cầu cấp thiết. Trước mắt, cần bổ sung những máy móc, thiết bị cần thiết, tập huấn về phòng, chống dịch, đãi ngộ cho hệ thống y tế dự phòng. Về lâu dài, phải nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cũng như chất lượng nguồn nhân lực (thông qua đào tạo, chính sách đãi ngộ giúp họ yên tâm cống hiến).

Nhìn từ công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua có thể thấy, nhiều quy định đã không còn phù hợp, gây khó khăn trong triển khai, thậm chí dẫn đến thiếu trang thiết bị, vật tư y tế, đặc biệt nhân lực… Do vậy, đã đến lúc cần xem xét các luật liên quan, như Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Khám bệnh, chữa bệnh… để rà soát, sửa đổi kịp thời vì chống dịch không chỉ là vấn đề y tế mà còn là đầu tư, an sinh xã hội… Đặc biệt, lãnh đạo một số địa phương cần có nhìn nhận, quan niệm bình đẳng về y tế dự phòng với các lĩnh vực y tế khác để quan tâm đầu tư hợp lý.

Chuyên gia kinh tế NGÔ TRÍ LONG:
Trước tiên phải dẹp “loạn giá”

Trong phiên thảo luận tại hội trường hôm qua, một số đại biểu Quốc hội đề xuất thu một phần hoặc toàn bộ chi phí xét nghiệm để giảm gánh nặng cho ngân sách. Theo tôi, trước khi tính đến việc này, cần xem xét giá xét nghiệm đã hợp lý chưa, bởi hiện nay mỗi nơi một giá. Điều này cho thấy có sự buông lỏng quản lý, thiếu chủ động ban hành quy định giá dịch vụ xét nghiệm Covid-19. Bộ Y tế cần nhanh chóng, quyết liệt dẹp "loạn giá", giúp người dân sớm được thụ hưởng mức giá ổn định.

Trên cơ sở đó, đối chiếu với các quy định hiện hành để xem xét trường hợp nào được miễn phí, trường hợp nào phải chi trả phí xét nghiệm. Theo quy định, khi xét nghiệm diện rộng để phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 sẽ được miễn phí, nhưng xét nghiệm tự nguyện thì phải trả tiền. Nếu muốn thay đổi, cần rà soát, sửa đổi quy định hiện hành.

PGS. TS. NGUYỄN HUY NGA, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế:
Cần huy động y tế tư nhân

Đối chiếu các quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, nếu muốn thu phí xét nghiệm, điều trị Covid-19 (bệnh truyền nhiễm loại A) thì có hai cách. Cách thứ nhất là chuyển sang bệnh loại B, khi đó sẽ được thu tiền như các bệnh khác và được bảo hiểm y tế chi trả. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là nếu chuyển sang bệnh loại B thì công tác phòng, chống dịch sẽ khó đạt hiệu quả và Nhà nước cũng sẽ không huy động được nguồn lực bên ngoài. Cách thứ hai là phải sửa Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Điều cần quan tâm lúc này là chúng ta phải có giải pháp căn cơ về phòng, chống dịch. Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 nhưng theo tôi rất cần một chiến lược phòng, chống dịch mang tính chất dài hơi. Bộ Y tế đang xây dựng chiến lược này nhưng cần phải được đẩy nhanh và sớm ban hành. Lưu ý, chiến lược phải tập trung về kế hoạch lâu dài, cả về huy động nguồn lực, chiến lược vaccine.

Trong chiến lược đó, cần huy động sự tham gia của y tế tư nhân trong việc tiêm chủng, xét nghiệm và điều trị bệnh nhân Covid-19. Bởi lẽ, nguồn lực này hiện rất lớn, đóng góp một phần rất quan trọng vào việc tiêm chủng, khám chữa bệnh song đối với khám chữa bệnh Covid-19 chưa có cơ chế cho họ. Do vậy, cần có cơ chế huy động phù hợp. Chẳng hạn, đối với tiêm vaccine Covid-19 vốn được miễn phí, Nhà nước có thể huy động tư nhân tham gia bằng cách trả tiền bông băng, gạc, thuê mặt bằng, trả tiền nhân công. Đối với điều trị, Nhà nước chuyển tiền cho bệnh viện tư nhân giống như chuyển cho các bệnh viện công; hoặc phải sửa Luật để cho phép y tế tư nhân thu tiền của người dân, khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

N. Quỳnh - M. Châu