Không để ai bị bỏ lại phía sau
- Tại sao Liên Hợp Quốc chọn chủ đề “Đầu tư cho phụ nữ: Thúc đẩy tiến bộ” cho Ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3 năm nay, thưa ông?
“Năm nay chúng ta kỷ niệm 30 năm Hội nghị quốc tế về dân số và phát triển. Tại hội nghị năm 1994 ở Cairo, rất nhiều lãnh đạo các nước đã nhấn mạnh tầm quan trọng của quyền con người và bình đẳng giới, đặc biệt mỗi cặp vợ chồng có quyền quyết định có bao nhiêu con, khoảng cách giữa các lần sinh con. Vì thế, đây là dịp để nhìn lại, đánh giá và tôn vinh những thành tựu đã đạt được”.
Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam MATT JACKSON
- Ngày Quốc tế Phụ nữ được tổ chức hàng năm trên toàn cầu là dịp để toàn thế giới tôn vinh vai trò của phụ nữ, đồng thời đánh giá những nỗ lực, thành công thời gian qua trong việc trao quyền cho phụ nữ cũng như bảo đảm các quyền của họ. Chủ đề của năm nay là “Đầu tư cho phụ nữ: thúc đẩy tiến bộ”, chúng tôi mong muốn có thêm nhiều nguồn tài trợ để hỗ trợ các hoạt động, đặc biệt là các hoạt động nhằm nâng cao, tăng cường thực hiện các quyền của phụ nữ và thúc đẩy việc trao quyền cho phụ nữ.
- Ông nhận thấy vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại như thế nào?
- Phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong gia đình, trong xã hội, trong phát triển kinh tế. Vì vậy, đầu tư cho phụ nữ sẽ góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội. Đầu tư không chỉ nhằm nâng cao năng suất lao động mà còn phải tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động.
Chúng ta có thể thấy năng lực của phụ nữ, kể cả phụ nữ lớn tuổi, phụ nữ các dân tộc ít người, những nhóm người dễ bị tổn thương… Nhưng hiện tại còn nhiều phụ nữ sống nghèo đói và quyền của họ chưa được thực hiện. Vì thế, quan trọng nhất là phải có các giải pháp để không một ai bị bỏ lại phía sau.
Bảo đảm quyền tự quyết của phụ nữ
- Theo ông, làm thế nào để bảo đảm quyền và phát huy vai trò của phụ nữ? Và với vai trò của mình, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc sẽ làm gì để thúc đẩy tiến bộ bình đẳng giới ở Việt Nam, để phụ nữ và trẻ em gái “có tiếng nói và quyền lựa chọn”?
- Có rất nhiều việc chúng ta có thể làm để bảo đảm và thúc đẩy vai trò, quyền của phụ nữ. Trước tiên là cần nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới thông qua các chính sách, quy định pháp luật. Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu lớn trong lĩnh vực này, đặc biệt là năm 2022 Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Tuy vậy, theo điều tra về bạo lực trên cơ sở giới năm 2019, cứ 3 phụ nữ thì gần 2 người từng bị bạo lực trên cơ sở giới, và 90% phụ nữ bị bạo lực không đi tìm sự hỗ trợ trong cộng đồng xã hội.
UNFPA đã và sẽ tiếp tục hợp tác với Chính phủ Việt Nam nhằm ngăn chặn, tiến tới chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới, đồng thời bảo vệ những người bị bạo lực. Chúng tôi đã hỗ trợ thành lập 4 Trung tâm dịch vụ một cửa (Ngôi nhà Ánh Dương) ở Thanh Hóa, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Quảng Ninh. Những người bị bạo lực chỉ cần đến Ngôi nhà Ánh Dương là có thể nhận được các dịch vụ hỗ trợ cần thiết.
Ở Việt Nam còn có vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh. Một trong những nguyên nhân là chưa đánh giá cao vai trò của phụ nữ cũng như bình đẳng giới. Theo thống kê, mỗi năm có tới gần 46.000 trẻ em gái không được sinh ra do quan niệm trọng nam khinh nữ. Đó cũng là vấn đề chúng tôi thấy cần tiếp tục hỗ trợ.
Ngoài các nỗ lực nêu trên, ở Việt Nam chúng tôi cũng có chương trình hợp tác với nhiều tỉnh, thành phố để hỗ trợ phụ nữ. Ví dụ, chúng tôi có dự án triển khai ở 6 tỉnh miền núi và nông thôn, hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ dân tộc ít người, giúp giảm tử vong mẹ; tập huấn nâng cao năng lực cho cô đỡ thôn bản. Qua đó, giúp phụ nữ có thể tiếp cận không những dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục, mà còn cả dịch vụ về kế hoạch hóa gia đình…
- Một trong những Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc đến năm 2030 là đạt được bình đẳng giới, trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái. UNFPA có khuyến nghị gì với Chính phủ Việt Nam để đạt được mục tiêu này?
- Kiến nghị đầu tiên của chúng tôi là tăng cường cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành có liên quan. Đây là điều kiện cơ bản để Việt Nam đạt được Mục tiêu Phát triển bền vững về bình đẳng giới.
Thứ hai, bảo đảm, tạo điều kiện cho phụ nữ và trẻ em gái có quyền tự quyết những vấn đề liên quan đến cơ thể của họ hay sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của họ, gia đình họ và của xã hội. Điều đó bao gồm cả lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ, kế hoạch hóa gia đình.
Chúng ta đã biết, cứ 1 USD đầu tư cho chăm sóc bà mẹ có thể thu lại 8 USD lợi nhuận kinh tế. Tương tự, nếu đầu tư 1 USD cho kế hoạch hóa gia đình thì sẽ thu lại 10 USD lợi nhuận kinh tế. Vì thế, đây là một trong những giá trị mà Việt Nam có thể có được cho mỗi cá nhân và cho nền kinh tế.
- Xin cảm ơn ông!