Bài 1: Nhiệm vụ bức thiết
Từ khi thành lập đến nay, cùng với việc xây dựng và tổ chức thực hiện đường lối chính trị, Đảng ta luôn coi trọng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Ở mỗi thời kỳ, nhất là những bước ngoặt, thời điểm khó khăn của cách mạng, Đảng ta càng chú trọng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện nhiệm vụ quan trọng này.
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên môi trường mạng xã hội - mặt trận nóng bỏng nhất, phức tạp nhất
Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là vỉa tầng quý giá nhất, là nền móng vững chãi nhất cho việc thiết kế, thi công mô hình chủ nghĩa xã hội. Nền tảng tư tưởng là kim chỉ nam, là ánh sáng soi đường cho cách mạng Việt Nam bởi trên cơ sở nền tảng đó, Đảng ta bằng cương lĩnh chính trị, đường lối, chính sách của mình, xác định mục tiêu, định hướng, bước đi và phương pháp thực hiện cho từng chặng đường đi lên chủ nghĩa xã hội tươi đẹp.
Thực tế chứng minh rằng, dựa trên nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã xây dựng cương lĩnh, đường lối, chính sách đúng đắn để lãnh đạo cách mạng Việt Nam thắng lợi oanh liệt trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đạt nhiều thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp đổi mới và đưa đất nước ta lên tầm cao mới: chưa bao giờ cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của Việt Nam có được như ngày nay.
“Cây muốn lặng, gió không muốn đừng”, kẻ thù giai cấp, kẻ thù tư tưởng không bao giờ để cho chúng ta yên ổn để tiến lên chủ nghĩa xã hội. Sau nhiều phương thức, thủ đoạn, hành động chống đối chủ nghĩa xã hội không có hiệu quả, các thế lực thù địch đẩy mạnh việc thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” với những chiêu thức thâm độc; phá hoại tư tưởng, tác động vào nội bộ, lôi kéo các phần tử thoái hóa biến chất gây kích động, rối loạn về an ninh, trật tự xã hội, bạo loạn.
Chiến lược “diễn biến hòa bình” là chiến lược nguy hiểm, thực hiện lâu dài như “mưa dầm thấm lâu”, kiên trì thực hiện đấu tranh tổng lực phi quân sự để từng bước chống phá chủ nghĩa xã hội, tiến tới xóa bỏ chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới.
Các thế lực thù địch luôn đặt lên hàng đầu mục tiêu phá hoại cách mạng nước ta về chính trị, tư tưởng, tiến tới phá hoại nội bộ, tác động nhiều chiều phá hoại chủ trương, đường lối chính sách nhằm làm cho cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng cộng sản, mơ hồ lập trường giai cấp, tạo các khuynh hướng tư tưởng dân chủ tư sản để phân hóa trong Đảng, làm chệch hướng suy nghĩ, hành động để cán bộ đảng viên “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” dẫn tới đảng cộng sản tự đổi màu, sụp đổ theo công thức “đảng cộng sản lật đổ cộng sản”.
Bên cạnh sự nguy hiểm của chiến lược “diễn biến hòa bình” do các thế lực đế quốc hiếu chiến thực hiện, một số phần tử đã “tự chuyển hóa” trong nước cũng là những đối tượng thường xuyên chống phá các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Một số đối tượng lá mặt, lá trái cơ hội chính trị, số phần từ bất mãn, thoái hóa, biến chất cực đoan quá khích đang sống, làm việc, thụ hưởng những thành quả cách mạng do Đảng và nhân dân mang lại, nhưng lại bí mật cộng tác với những phần tử bất mãn khác hoặc cấu kết với các thế lực bên ngoài để chống phá chúng ta.
Trước tình hình như vậy, cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ được xác định là nhiệm vụ cấp bách, trọng yếu của Đảng ta và nhân dân ta. Trong giai đoạn hiện nay, cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên môi trường mạng xã hội là mặt trận nóng bỏng nhất và phức tạp nhất.
Nhận diện đúng nguồn gốc, bản chất, âm mưu, thủ đoạn, hoạt động và tác hại của sự chống phá
Mạng xã hội là một môi trường rộng lớn thông qua dịch vụ Internet để kết nối mọi người, mọi cơ quan, tổ chức ở bất cứ đâu có thể kết nối, chia sẻ, trao đổi thông tin với nhau. Mạng xã hội có rất nhiều đối tượng sử dụng khác nhau; từ tuổi nhỏ đến lớn tuổi, không phân biệt giới tính, vùng miền. Người sử dụng mạng xã hội liên kết với nhau hoặc truy cập thông tin qua điện thoại, máy tính bàn, máy tính bảng, máy tính xách tay. Mạng xã hội được tạo nên bởi các chủ thể hoặc các cá nhân. Mỗi người cũng có thể tự tạo ra nội dung của trang Web để những thành viên khác có thể truy cập, kết nối, trao đổi. Hiện nay có nhiều loại hình mạng xã hội khác nhau (YouTube, Facebook, Zalo, Tiktok).
Theo thống kê, hiện nay trên thế giới có tới hơn 7,7 tỷ người, trong đó hơn 5 tỷ người dùng điện thoại di động. 4,5 tỷ người sử dụng Internet, gần 4 tỷ người sử dụng mạng xã hội. Ở nước ta, trong số hơn 100 triệu người, đã có khoảng hơn 70 triệu tài khoản mạng xã hội. Mạng xã hội đang trở thành một môi trường thông tin quan trọng đối với người dân Việt Nam.
Môi trường mạng xã hội hay còn gọi là không gian mạng đang trở thành một nguồn tài nguyên ngày càng quan trọng của mỗi quốc gia. Không gian mạng quốc gia được các Chính phủ xác lập, quản lý và kiểm soát với mục tiêu trở thành một công cụ hiệu quả cho các hoạt động kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng.
Đó là một không gian rộng lớn cho mọi người thể hiện quan điểm và giao tiếp với nhau, không bị giới hạn bởi khoảng cách địa lý và thời gian thông qua mạng Internet. Nó tạo nên một thế giới kết nối, cung cấp thông tin phong phú, đa dạng làm thay đổi cách giao tiếp cũng như cách nghiên cứu, học tập truyền thống.
Môi trường mạng xã hội đóng góp vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội như: hỗ trợ giao dịch thương mại, mở rộng thị trường, tăng cường liên kết. Càng ngày môi trường mạng xã hội càng tác động rộng hơn, sâu sát hơn đến mọi mặt đời sống của nhân dân, đến tất cả các vùng miền, từ thành thị đến nông thôn, miền núi, hải đảo, ngày càng có giá trị to lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Bên cạnh những lợi ích to lớn, môi trường mạng xã hội cũng có những tác động tiêu cực. Nguy hiểm nhất là, các thế lực thù địch, các tổ chức phản động và các đối tượng cơ hội chính trị lợi dụng mạng xã hội để chống phá Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ của chúng ta. Đối tượng chống phá trên môi trường mạng xã hội hiện nay là lực lượng phản động ở một số quốc gia, tổ chức quốc tế chống phá Việt Nam, các tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài; các đối tượng bất mãn, phản đối; các phần tử cơ hội, chính trị có quan điểm đối lập với Đảng, Nhà nước ta. Các đối tượng này thông qua môi trường mạng xã hội để thực hiện những thủ đoạn thâm độc như: phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, phát tán thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch, tác động đến nhận thức của nhân dân bằng những thông tin sai lệch về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; truyền bá những tư tưởng sai trái, thù địch nhằm thúc đẩy tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ cán bộ, đảng viên.
Âm mưu cơ bản, xuyên suốt và lâu dài của các thế lực thù địch, phản động thực hiện trên môi trường mạng xã hội là phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phủ nhận chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta nhằm tạo ra “khoảng trống chính trị” trong nhận thức, tư tưởng, lý luận để đưa ý thức hệ tư sản xâm nhập ngày càng sâu rộng vào đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân ta, lái nước ta đi theo quỹ đạo phát triển của chủ nghĩa tư bản. Vì vậy, nhận diện đúng nguồn gốc, bản chất, âm mưu, thủ đoạn, hoạt động và tác hại của sự chống phá, đặc biệt là đối tượng chống phá từ các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị có ý nghĩa quan trọng vì nó liên quan trực tiếp đến sinh mệnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ, lợi ích quốc gia - dân tộc và hạnh phúc của nhân dân.