Dấu tích Văn Lang và “hỏa tự”

- Thứ Ba, 01/03/2011, 07:58 - Chia sẻ
Khi Hà Nội chào mừng Thủ đô nghìn năm tuổi thì chúng tôi lại tìm lên thành phố Việt Trì để tìm kiếm những dấu vết còn lại của kinh đô cổ Văn Lang, thời các vua Hùng dựng nước.


Nguồn: vinhcity.gov.vn

Xe đến Việt Trì vào lúc hơn 11 giờ, chúng tôi hỏi đường vào đền Tiên. Hiện ra trước mắt lúc này là một ngôi đền khá to đẹp mới xây, tọa lạc trên một khu đất rộng. Đây là ngôi đền thờ Thủy tổ Quốc Mẫu Thần Long, người là vợ của Kinh Dương Vương, thân sinh của Lạc Long Quân, mẹ chồng của âu Cơ, bà nội của Vua Hùng đời thứ nhất. Cụ Nguyễn Văn Bén trong ban quản lý đền giới thiệu với khách: đền Tiên năm xưa là một ngôi đền xây bằng đá, các pho tượng và đồ thờ cũng đều bằng đá, rồi cả chiêng đá, trống đá, voi đá, ngựa đá... Qua các thời kỳ chiến tranh, đều bị đổ nát biến thành phế tích. Rồi đến năm 1961, người ta đã giải phóng mặt bằng khu vực đền Tiên thuộc phường Tiên Cát ngày nay để xây nhà máy bê tông đúc sẵn, ngọc phả của đền cũng bị thất lạc. Đền Tiên vừa được xây và tạc tượng đều do khách thập phương công đức hàng tỷ đồng. Thế mới biết sức mạnh tâm linh của nòi giống Tiên Rồng luôn hướng về đất Tổ. Có một bài thơ dài của một vị cán bộ cao niên nói về sự kiện tôn tạo đền Tiên, tôi chỉ còn nhớ được hai câu kết đầy xúc động:

... Bây giờ con cháu non trăm triệu
Chẳng lẽ không xây nổi mộ bà.

Chúng tôi kính cẩn vào đền làm lễ dâng hương, không gian ngào ngạt mùi thơm của khói hương, và tiếng chiêng, trống được gióng lên âm vang, tưởng tiếng trống đồng vọng lên từ thời tiền sử.

Trong bữa cơm trưa do các cụ trong ban quản lý đền đãi khách, chúng tôi bàn nhau để sáng mai, khi đất trời thanh khiết, hồn người thư thái hãy đến lễ Thiên Cổ Miếu, nơi thờ vị thầy dạy học thời Hùng Vương. Thế là buổi chiều chúng tôi như lạc vào một vùng cổ tích, một số di tích của kinh đô Văn Lang, lung linh bao huyền thoại: nào là di chỉ Làng Cả, nơi khai quật được hàng trăm rìu đá, dao đá, mác đồng và mảnh trống đồng minh khí. Nào là hồ nước gần cầu Việt Trì, nơi công chúa Ngọc Hoa tiễn chị gái Tiên Dung về xuôi. Giờ đây nước hồ vẫn trong xanh một màu nguyên thủy. Nào là bãi cát Trường Sa, nơi Hai Bà Trưng luyện tập quân sĩ chống giặc Hán những năm đầu Công nguyên. Chúng tôi còn được dẫn đến thăm một quả đồi xanh rợp bóng cây, nơi Hùng Vương thứ 18 lập lầu kén rể. Thì ra câu chuyện hai chàng Sơn Tinh và Thủy Tinh cùng đến cầu hôn công chúa Mỵ Nương diễn ra ở nơi này. Trên đường trở lại, xe chúng tôi rẽ sang một con đường tắt vào thôn Quýt, nơi vẫn còn cái giếng thơi long lanh huyền thoại. Chuyện rằng: một buổi chiều hè, vua Hùng đi săn về qua đây, dân địa phương đã hái quýt vườn nhà dâng người và múc nước giếng này cho người rửa mặt. Nước giếng mát lạnh khiến vua rùng mình. Người vui vẻ phán truyền: từ nay ta đặt cho xóm này là xóm Quýt vì trồng được giống quýt ngon, còn giếng nước này là giếng Rùng! Chúng tôi đã múc nước giếng Rùng rửa mặt, nước vẫn trong veo mà mát rượi thuở vua Hùng. Tương truyền, giếng Rùng có mạch nước ngầm thông với giếng Tiên trên đền Hùng. Ngày xưa, khi thả một quả bưởi xuống giếng Tiên, quả bưởi sẽ bị hút xuống đáy và trôi về tận giếng Rùng...

Sáng hôm sau chúng tôi đến thôn Hương Lan, nơi có tòa miếu cổ tọa lạc trên một quả đồi, ẩn mình dưới hai cây táu trước cửa miếu như hai vệ sĩ khổng lồ, gốc to năm - sáu người ôm không xuể mà cây lại chỉ cao khoảng 10 - 12 mét, tán lá lòa xòa che rợp khoảng trời xanh, khiến không gian càng thêm u tịch. Giữa gian thờ treo bức hoành phi “Thiên Cổ Miếu”.

Hai bên có đôi câu đối:

Hùng Lĩnh trung chi thắng tích
Nam thiên chính khí linh từ

Khiến ta phải ngạc nhiên: cớ sao một ngôi đền nhỏ này lại là thắng tích, là chính khí linh từ của cả cõi trời Nam?

May thay, trải qua bao biến thiên lịch sử mà dân thôn Hương Lan vẫn còn giữ được nguyên vẹn bản Ngọc phả do Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn năm Hồng Phúc nhị niên (1573), giúp ta tìm được về quá khứ: ấy là vào thời Hùng Duệ Vương, ở đất Mộ Trạch có vợ chồng Vũ Công thuộc gia đình có học. Cha mẹ mất sớm, cảnh nhà sa sút, hai người tìm về đất Phong Châu, tới thôn Hương Lan làm nghề dạy học. Dân trong vùng góp ruộng học điền trả công thầy.

Vợ chồng Vũ Công sinh được một người con trai tên là Vũ Thê Lang. Khi lớn lên, Vũ Thê Lang kết duyên cùng Nguyễn Thị Thục, một cô gái xinh đẹp, dịu dàng, người đất Đông Ngàn Kinh Bắc, thạo nghề canh cửi.

Khi người cha qua đời, Vũ Thê Lang kế nghiệp cha và trở thành một thầây giáo nổi tiếng, học trò theo học ngày một đông. Rồi ông được nhà vua tuyển mộ vào dạy cho các hoàng tử và công chúa. Còn vợ ông - bà Thục Nương - thì giúp dân phát triển nghề nông tang canh cửi. Hai vợ chồng sinh hạ được ba người con trai đều thông minh, khỏe mạnh, nhưng khi các con chưa kịp trưởng thành thì hai ông bà bất ngờ tạ thế cùng trong một ngày - ngày mùng 2 tháng 2 năm Quý Dậu - Dân làng và triều đình thương tiếc đã tổ chức an táng và lập miếu thờ. Dưới nền Thiên Cổ Miếu ngày nay vẫn còn mộ của ông bà Vũ Thê Lang. Ba người con trai khi lớn lên đều theo Hùng Duệ Vương làm đô sĩ cận vệ. Về sau Thục Phán An Dương Vương nối nghiệp nhà Hùng, đổi quốc hiệu là âu Lạc. Sau đó dời đô về Cổ Loa. Ba anh em đã trở về thôn Hương Lan làm nghề chài lưới và có tài bắt cá anh vũ trên vùng ngã ba sông. Khi An Dương Vương sai người đi bắt phu về xây thành Cổ Loa, ba người đã chống lệnh, cùng buộc đá vào người trầm mình xuống hồ tự vẫn. Dân thôn Hương Lan đã vớt ba ông lên chôn cất. An Dương Vương nghe tin hết lòng cảm phục những con người trung nghĩa, đã phong thần cả ba vị và giao cho dân thờ phụng. Chúng tôi cũng đã đến đây thắp hương ngôi mộ chôn chung này được xây bên một sườn đồi dưới một gốc cây da bò cổ thụ.

Như vậy là từ triều đại các vua Hùng, nước Nam ta đã có chữ? Thì ngọc phả vẫn còn đó, và trên ban thờ tại Thiên Cổ Miếu không chỉ có tượng thầy cô giáo mà còn có cả tượng của hai cô học trò ngày ấy: Tiên Dung và Ngọc Hoa công chúa với hai thị nữ theo hầu. Tuy chỉ là một ngôi miếu thầm lặng song lại là một di tích chứng minh cho nền văn hiến lâu đời của dân tộc ta. Được biết UBND tỉnh Phú Thọ đã cấp bằng chứng nhận nơi đây là di tích lịch sử văn hóa, và đang hoàn tất các thủ tục trình lên nhà nước công nhận. Ngôi đền sẽ tiếp tục được tôn tạo theo thiết kế đã có để xứng đáng là một “Nam thiên chính khí linh từ”.

Di tích kinh đô Văn Lang đã có Đông tràng và Tây tràng, là những trường dạy chữ tất phải có chữ Việt cổ. Và chúng ta đã có những căn cứ chứng minh. Sự kiện này được ghi lại như sau:

Vào năm 1915, Tổng đốc Thanh Hóa lúc ấy là Vương Duy Trinh đã tìm được một tấm bia cổ, đó là bài thơ khắc bằng một thứ chữ lạ trông như ngọn lửa vờn mà ông gọi là “hỏa tự”. Thư tịch cổ Trung Quốc cũng có nói đến chữ viết của người Việt cổ phương Nam trông như những con nòng nọc. Một học giả người Pháp cũng nói: đã tìm được một mảnh gốm ở Việt Nam có khắc chữ cổ này.

Chúng tôi nghĩ rằng, thời Văn Lang nước ta tuy đã có chữ viết riêng nhưng dân số thưa thớt, trình độ lạc hậu, phương tiện để khắc ghi rất hạn chế, nền học vấn phải chăng chỉ mới được truyền bá ở nơi đô hội, và học trò cũng chủ yếu là con em tầng lớp trên. Khi nhà Hán sang cai trị nước ta với âm mưu đồng hóa người Việt, Sĩ Nhiếp đã triệt phá không để lại dấu vết gì của các văn tự cũ và bắt dân ta học chữ Hán. May chăng chỉ những vùng biên giới xa xôi thì còn lưu giữ được ít nhiều dấu tích chữ Việt cổ, nên tổng đốc Vương Duy Trinh đã tình cờ tìm được tấm bia (Hiện tại tấm bia cũng đã thất lạc).

Qua nhiều năm tìm tòi nghiên cứu, gần đây nhà văn Khánh Hoài đã lần tìm ra một thứ chữ Việt cổ. Ông đã dịch nội dung bài Hịch khởi nghĩa của Hai Bà Trưng từ quốc ngữ ra kiểu chữ này - một kiểu chữ “hỏa tự” giống ngọn lửa vờn. Tôi nhận thấy “hỏa tự” của Khánh Hoài phần nào gần giống với kiểu chữ Thái cổ của người Thái Tây Bắc nước ta, mà tôi đã bắt gặp trong bản Trường ca Sống chụ son sao. Tuy nhiên chúng tôi nghĩ cũng chưa có đủ căn cứ khoa học khi ta chưa có trong tay một văn tự gốc.

Trước khi rời Thiên Cổ Miếu, tôi còn chép lại bài thơ Đường luật của một nhà giáo về hưu đến lễ đền, như sau:

Một đấng tôn sư sáng nghiệp thầy
Hai ngàn năm lẻ vẫn còn đây
Dấu son hỏa tự in rồng lượn
Bút thảo đường văn dáng phượng bay
Trí tuệ mở đường văn hiến cũ
Tinh hoa xây dựng nước non này
Nam thiên chính khí soi thiên cổ
Hùng lĩnh trung chi sáng nghiệp thầy

Bút ký của Duy Khoát