Quốc hội với sự phát triển của đất nước, của dân tộc
-Thưa Phó Chủ tịch, năm nay, nước ta kỷ niệm 44 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Thắng lợi này đã đánh một dấu son chói lọi trong công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước, giành độc lập, tự do cho dân tộc. Phó Chủ tịch nhìn nhận như thế nào về sự kiện trọng đại này?
|
Nhìn lại 14 khóa của Quốc hội Việt Nam, nhất là từ Quốc hội Khóa VI đến nay, chúng ta đã trải qua một chặng đường rất quan trọng mang tính lịch sử. Và lịch sử đã minh chứng vai trò đồng hành của Quốc hội với quá trình tiến triển của đất nước. Quốc hội Việt Nam đã làm tròn trách nhiệm của mình và ngày càng có được niềm tin yêu của cử tri và nhân dân. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển |
- Nhiều người Việt Nam đều không thể quên thời khắc 11 giờ 30 phút ngày 30.4.1975 khi Quân giải phóng cắm cờ trên Dinh Độc Lập, đánh dấu Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là sự thống nhất rất quan trọng về mặt chủ quyền của đất nước ta.
Cũng giống như thời điểm diễn ra Cách mạng tháng Tám năm 1945, để bảo đảm tính pháp lý, tính chính danh của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ, trước đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ chức Đại hội Tân Trào, tiền thân của Quốc hội Việt Nam ngày nay.
30 năm sau cuộc khởi nghĩa “long trời lở đất” ấy, chúng ta đạt thêm một dấu mốc lịch sử mới: Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc bảo đảm tính pháp lý của chiến thắng vĩ đại vừa giành được, từ ngày 15 - 21.11.1975, Hội nghị hiệp thương chính trị thống nhất đất nước được tổ chức tại Sài Gòn. Hai đoàn đại biểu đại diện cho hai miền tham dự Hội nghị. Đoàn đại biểu miền Bắc gồm 25 đại biểu, do Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Chủ tịch Quốc hội) Trường Chinh làm Trưởng đoàn; đoàn miền Nam gồm 25 đại biểu do Bí thư Trung ương Cục Miền Nam Phạm Hùng làm Trưởng đoàn.
Hội nghị đã tiến hành thảo luận và đi đến nhất trí hoàn toàn mọi vấn đề thuộc về chủ trương, bước đi, biện pháp nhằm thống nhất đất nước về mặt nhà nước, và ngay trong nửa đầu năm 1976 phải tiến hành tổng tuyển cử bầu Quốc hội. Đúng tinh thần đó, ngày 25.4.1976, cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội được diễn ra trên phạm vi cả nước. 492/605 ứng cử viên đã trúng cử. Ngày 24.6.1976, Quốc hội Khóa VI, với ý nghĩa kế tục sự nghiệp của 5 khóa Quốc hội trước, họp kỳ đầu tiên tại Hà Nội. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã quyết định đổi tên nước thành Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, thủ đô là Hà Nội và đổi tên Sài Gòn thành TP Hồ Chí Minh...
Với kết quả của Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa VI, khâu chính trong toàn bộ quá trình hoàn thành thống nhất Tổ quốc là thực hiện thống nhất nước nhà về mặt pháp lý - thống nhất về mặt nhà nước đã hoàn thành.
-Rõ ràng, trong những dấu mốc lịch sử của dân tộc đều có vai trò, dấu ấn của Quốc hội, thưa Phó Chủ tịch?
- Cần khẳng định rằng, suốt chiều dài đấu tranh cách mạng của dân tộc, đặc biệt kể từ năm 1976 đến nay, Quốc hội Việt Nam đã luôn đồng hành cùng cả dân tộc, tiếp tục thực hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ được ghi trong Hiến pháp và pháp luật của mình với những dấu son mới. Trong đó, với chức năng lập hiến và lập pháp, Quốc hội đã hoàn thiện và thông qua các bản Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2003), và Hiến pháp năm 2013. Và, mỗi giai đoạn xây dựng Hiến pháp đó đều gắn chặt với quá trình chuyển đổi trên các lĩnh vực về kinh tế, xã hội, văn hóa… của đất nước. Đặc biệt như thời điểm năm 1992, bản Hiến pháp do Quốc hội thông qua đã cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng từ tinh thần Đổi mới của Đại hội VI và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991). Đây là bản Hiến pháp của thời kỳ xây dựng một đất nước đổi mới, phát triển kinh tế nhiều thành phần, xây dựng một nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và đi lên chủ nghĩa xã hội.
Với mốc năm 1992, hay nhìn rộng hơn là sau hơn 30 năm đổi mới, đến nay, Quốc hội Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống pháp luật tương đối hoàn chỉnh, đầy đủ, cụ thể hóa quan điểm xây dựng Nhà nước pháp quyền, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Quan điểm này tiếp tục được khẳng định trong lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2003 và được hoàn thiện ở tầm cao mới trong bản Hiến pháp năm 2013. Trên cơ sở Hiến pháp năm 2013, Quốc hội đã và đang sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các đạo luật để cụ thể hóa nội dung, tinh thần của Hiến pháp thành pháp luật.
- Quốc hội đồng hành cùng dân tộc - cụ thể sự đồng hành ấy nên hiểu như thế nào cho chuẩn xác, thưa Phó Chủ tịch?
- Đảng đề ra chủ trương, đường lối. Muốn chủ trương, đường lối ấy đi vào cuộc sống thì phải được cụ thể hóa thành pháp luật. Quốc hội được giao chức năng, nhiệm vụ là cơ quan lập hiến, lập pháp, để tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng. Và thực tế, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, đạt nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Như Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định, “đất nước ta chưa bao giờ chúng ta có được cơ đồ như ngày nay”. Chưa khi nào dân tộc ta độc lập tự chủ, có vị thế trên thế giới và tăng trưởng tốt như hôm nay.
Tất nhiên, bên cạnh những thành tựu, thuận lợi là cơ bản, chúng ta cũng còn không ít hạn chế, tồn tại. Đây là những khó khăn, thách thức tất yếu trong quá trình phát triển đi lên. Và điều quý nhất, đó là niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với Nhà nước ngày càng được củng cố và nâng lên. Chúng ta tiếp tục tin tưởng con đường đi của chúng ta là đúng đắn.
![]() Toàn cảnh Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XIV |
Đổi mới của Quốc hội có chiều sâu vững chắc và toàn diện
- Niềm tin - đây chính là động lực để Quốc hội Việt Nam không ngừng cải tiến, đổi mới các hoạt động của mình, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của đất nước trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể, thưa Phó Chủ tịch?
- Quốc hội Việt Nam luôn luôn đổi mới một cách có chiều sâu vững chắc và toàn diện - đổi mới về “chất”, chứ không chỉ về “lượng”. Chất lượng xây dựng pháp luật của chúng ta hiện nay như thế nào? Rõ ràng là được nâng lên, ngày một toàn diện hơn. Đương nhiên, trong quá trình đó không thể tránh được hiện tượng chồng chéo. Nhưng đây là tất yếu biện chứng của sự phát triển. Bởi, cuộc sống luôn vận động, thực tiễn luôn phát triển. Nhất là trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 hiện nay, tình hình thế giới, khu vực biến đổi nhanh chóng. Đây là thực tế đặt ra yêu cầu, đòi hỏi để chúng ta phải tiếp tục làm tốt hơn.
Hay với chức năng quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, rõ ràng, các quyết đáp của Quốc hội ngày càng thực quyền hơn, nhất là trong lĩnh vực tài chính - ngân sách. Thông qua chất vấn và trả lời chất vấn, các hoạt động giám sát thường xuyên và giám sát chuyên đề, Quốc hội đi sâu vào các vấn đề cử tri và ĐBQH quan tâm. Qua đó, chúng ta thấy rằng, Chính phủ và hệ thống chính trị đã có sự thay đổi, điều chỉnh, góp phần phát huy những mặt tốt, khắc phục tồn tại, kể cả trong hệ thống pháp luật cũng như tổ chức thực hiện, đồng thời chỉ rõ trách nhiệm. Thế nên, đúng với chức năng, nhiệm vụ và vai trò của mình, hoạt động của Quốc hội trở thành một trong những cơ quan có sức mạnh, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng; là nơi tập trung trí tuệ của nhân dân, thể hiện khát vọng của nhân dân và truyền tải ý chí, khát vọng đó thành hiện thực cuộc sống.
Đương nhiên, trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới như hiện nay, hội nhập kinh tế quốc tế, tự do thương mại là xu thế tất yếu, đang đặt ra cho nước ta, trong đó có Quốc hội yêu cầu phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và sâu sắc hơn nữa, hành động phải mau lẹ hơn nữa.
-Vậy, nội hàm của đổi mới này là gì, thưa Phó Chủ tịch?
- Trước hết, đó là sự đổi mới về tư duy - tư duy của những nhà làm luật của Quốc hội. Theo đó, phải đổi mới toàn diện cả về phương thức, nội dung và phong cách hoạt động, đổi mới từ cách thức, phương pháp thảo luận, trao đổi, tranh luận. Chất lượng xây dựng pháp luật phải được nâng lên, các nghị quyết của Quốc hội phải sát hơn, các quyết đáp phải gần hơn với cử tri và nhân dân hơn.
Thứ hai, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cần có sự phối hợp tốt hơn với các cơ quan hành pháp, tư pháp cùng với hệ thống đoàn thể - chính trị và cả hệ thống chính trị để tạo nên sức mạnh tổng hợp.
Thứ ba, cần thay đổi hơn trong lựa chọn vấn đề để xử lý, giải quyết theo hướng có trật tự ưu tiên. Cùng với đó là sự đổi mới trong hoạt động truyền thông của Quốc hội, đặc biệt phải triển khai mạnh hơn Quốc hội điện tử.
Và một điều rất quan trọng nữa, đó là phải nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất của các đại biểu, đúng như lời Bác Hồ đã dạy: Phải “thạo về chính trị, giỏi về chuyên môn”. Nhìn một cách biện chứng, thì Quốc hội mạnh chính từ các ĐBQH mạnh, các Ủy ban của Quốc hội mạnh và ngược lại Quốc hội mạnh là “điểm tỳ” cho hoạt động của các ĐBQH, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của UBTVQH.
- 44 năm đã qua kể từ đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu non sông về một mối, với cá nhân Phó Chủ tịch, giá trị lớn nhất mà sự kiện lịch sử này để lại cho hôm nay là gì?
- Giá trị lớn nhất, mà chúng ta đã phát huy được truyền thống từ thời Hùng Vương đến thời đại Hồ Chí Minh, đó chính là: Dân tộc Việt Nam là một, nước Việt Nam là một, như Bác Hồ đã nói “Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng chân lý đó không bao giờ thay đổi”. Đó chính là sức mạnh của sự đoàn kết, thống nhất.
Không biết có dân tộc nào trên thế giới có từ “đồng bào” như Việt Nam ta hay không? Tuy cũng là nghĩa nhân dân, nhưng đồng bào bao trùm hơn, cho thấy chúng ta cùng chung một gốc, cùng là con Rồng cháu Tiên sinh ra từ bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ. Vậy không cớ gì chúng ta lại không đoàn kết, không thống nhất. Lịch sử đã cho thấy, những lúc chúng ta yếu chính là lúc chúng ta không thống nhất, không đoàn kết. Vì thế, dân tộc Việt Nam đoàn kết thành một khối vững chắc thì không một sức mạnh, thế lực nào có thể chia rẽ, đè bẹp được.
- Xin chân thành cảm ơn Phó Chủ tịch!
Ông Nguyễn Ngọc Lan, một trí thức tôn giáo tham gia đoàn đại biểu miền Nam dự Hội nghị hiệp thương chính trị thống nhất đất nước năm 1975, khi ra Hà Nội đã viết bài “Hà Nội của tôi thế đó”, chia sẻ những cảm nhận về một Hà Nội còn nghèo, thiếu thốn về điều kiện vật chất, nhưng vô cùng kiêu hãnh. Ông đã viết rằng, Hàng Đào thì không có lụa, Hàng Bạc lại không có vàng, thế nhưng café vẫn có đường. Rồi ông cũng kể câu chuyện một nhà báo nước ngoài phỏng vấn ông Trần Lâm năm 1972, đang phỏng vấn thì máy bay đến và điện tắt hết, mọi người phải xuống hầm trú ẩn, vừa tối vừa nóng. Thấy nhà báo nước ngoài nóng quá, ông Trần Lâm lấy chiếc quạt cầm theo phe phẩy quạt cho hai người và nói với nhà báo rằng, Nixon (Tổng thống Mỹ khi đó) có thể đánh tan hết các nhà máy điện của chúng tôi, nhưng người dân Việt Nam vẫn có cái quạt này này để mà quạt mát. Lúc đó, chúng ta biết rằng, quạt điện ít hơn quạt giấy. Như thế để thấy rằng, một câu nói thôi nhưng đã thể hiện một tinh thần của sự oanh liệt. Ông còn nói rằng, với ý nghĩa đó thì chiếc quạt giấy xứng đáng đưa vào bảo tàng như là những chiếc cọc trên sông Bạch Đằng. Từ đó đến nay, Hà Nội đã khác rất nhiều rồi, cả nước cũng vậy. Chúng ta đã thực hiện đúng tinh thần của Bác Hồ: “… Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!” |