Dấu ấn y tế trong cuộc chiến chống Covid-19

- Thứ Bảy, 23/01/2021, 05:13 - Chia sẻ
Năm 2020 là một năm đầy biến động với toàn thế giới bởi đại dịch Covid-19, song trong khó khăn lại sáng ngời tinh thần quyết tâm, đồng lòng, sẻ chia và từng bước khống chế được dịch bệnh của nước ta. Bước sang năm 2021, đại dịch Covid-19 được nhận định vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tái bùng phát, công tác phòng chống dịch cần tiếp tục tăng cường và đẩy mạnh. Đó là khẳng định của các chuyên gia tại buổi giao lưu "Dấu ấn Y tế 2020" do Bộ Y tế phối hợp với VTV Digital tổ chức.

Đồng lòng vượt thách thức

Tại buổi giao lưu “Dấu ấn Y tế 2020”, Phó Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh Trần Thanh Linh cho biết, nói về những dấu ấn đặc sắc của ngành y tế, không thể không nhắc đến khoảnh khắc điều trị cho bệnh nhân số 91 - phi công người Anh Stephen Cameron. Thời điểm đó, tỷ lệ tử vong đối với bệnh nhân 91 là quá cao, lại không có người thân nên chỉ cần một thay đổi nhỏ, cũng có thể ngưng tim bất cứ lúc nào. Đến khi bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, có thể giao tiếp được thì văn hóa vùng miền, quốc gia cũng là khó khăn phải đối mặt, từ chế độ ăn, tới nền nếp sinh hoạt hay giao tiếp.

Các y, bác sĩ luôn nỗ lực cùng toàn dân trong cuộc chiến chống Covid -19

Hành trình chiến đấu không ngừng nghỉ chống lại dịch Covid-19 của những chiến sĩ áo trắng trên mọi miền đất nước từ hậu phương đến tuyến đầu thực sự là dấu ấn đặc sắc của ngành y tế Việt Nam năm 2020.

“Đó là những ngày tháng mà chúng tôi không thể nào quên!” là chia sẻ của Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội PSG.TS. Đào Xuân Cơ về thời điểm khó khăn nhất khi bệnh viện trở thành ổ dịch. Thế nhưng, tập thể bệnh viện và toàn bộ nhân viên không ngã gục mà đứng dậy dưới dự chỉ đạo đúng đắn của đội ngũ lãnh đạo. Khi phát hiện ra ca bệnh 86, 87, Bệnh viện Bạch Mai đã chọn phương án phong tỏa toàn bộ, phân luồng bệnh nhân nguy cơ cao, nguy cơ thấp và bệnh nhân nguy kịch tiếp tục được điều trị tại bệnh viện; lập tức chia ra 3 nhóm làm việc, gồm nhóm thường trực, cách ly tại bệnh viện; nhóm thường trực, cách ly ở nhà và nhóm sẵn sàng ứng phó.

Nhớ lại những ngày, tháng truy vết và tìm ra các ca F1, F2, F3 tại Đà Nẵng, bác sĩ Trần Công Thông tại Trung tâm Cấp cứu 115 TP Đà Nẵng chia sẻ, “trạng thái làm việc của tập thể nhân viên trong đợt dịch bùng phát lần 2 là không có khái niệm về thời giờ trong ngày, chỉ có khái niệm sau 1 ngày chống dịch, không làm theo ca mà tại bất kỳ thời điểm nào, có lệnh là đáp ứng. Đợt bùng phát lúc ấy, Đà Nẵng chưa có bệnh viện dã chiến, chưa có Bệnh viện Phổi. Chính những áp lực công việc, không có thời gian nghỉ cùng nhiệt độ thời tiết khi đó, đã khiến cho rất nhiều nhân viên, đồng nghiệp mất sức, ngã quỵ trong quá trình làm việc”.

Trở thành hình mẫu chống dịch

Chủ động vào cuộc nhanh chóng, chống dịch công khai, minh bạch với thông tin, xét nghiệm rộng rãi, đoàn kết và sức mạnh quốc tế là những yếu tố giúp Việt Nam khống chế thành công dịch bệnh. Với phương pháp, chiến lược đúng đắn, hiệu quả, Việt Nam đã trở thành hình mẫu chống dịch của nhiều quốc gia. Ngay sau khi bệnh nhân số 91 Stephen Cameron được xuất viện và lên máy bay về nước vào ngày 11.7, nhiều hãng truyền thông lớn trên thế giới đã đưa tin về sự kiện này và coi đây là một “biểu tượng chống đại dịch thành công của Việt Nam”.

Mặc dù đứng trước nhiều trở ngại, thách thức, song dưới sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Đảng, các biện pháp phòng, chống dịch được triển khai đồng bộ, được người dân đồng lòng ủng hộ và đạt nhiều kết quả ấn tượng. Theo thống kê đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã thực hiện cách ly cho hơn 730.000 người; thực hiện xét nghiệm cho 1,7 triệu người, lập 1.608 điểm chốt biên giới với gần 10.000 người bám biên. Mặc dù dịch diễn biến phức tạp và tái bùng phát thành nhiều đợt nhưng Việt Nam đã sớm khoanh vùng và kiểm soát dịch thành công với số lượng lớn các y bác sĩ, sinh viên trường y được huy động chi viện cho tâm dịch.

Những nỗ lực được ghi nhận bởi thành quả ấn tượng đó sẽ tạo động lực và niềm tin để Việt Nam bước sang một năm mới, khởi đầu và hy vọng mới cho Việt Nam nói chung và ngành y tế nói riêng.

Hoàng Yến