Nhìn lại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV

Dấu ấn đặc biệt của kỳ họp đầu tiên

- Chủ Nhật, 08/08/2021, 14:51 - Chia sẻ
Dấu ấn đặc biệt nhất được nhiều cử tri nhắc đến khi nhìn lại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội Khóa XV chính là việc Quốc hội đã tiến hành một quy trình đặc biệt để xem xét, ban hành Nghị quyết trao thêm thẩm quyền cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phòng, chống dịch Covid-19. Với quyết nghị quan trọng này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được bảo đảm căn cứ pháp lý chắc chắn hơn, có dư địa rộng hơn để chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp cần thiết, kể cả biện pháp chưa được luật quy định hoặc có quy định khác, nhằm kiểm soát, đẩy lui dịch bệnh.
Biểu quyết thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV - Ảnh: Quang Khánh
Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV
Ảnh: Quang Khánh

Chủ động xử lý tình huống phức tạp

Kể từ thời điểm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt vấn đề với Chính phủ, đến khi có hồ sơ chính thức để trình Quốc hội xem xét các đề xuất tăng cường phòng, chống dịch Covid -19, chỉ gần 2 ngày. Với thời gian ngắn kỷ lục, lại đề cập đến vấn đề phức tạp khi liên quan việc trao thêm thẩm quyền áp dụng các biện pháp khác với quy định của luật hoặc thậm chí chưa được luật quy định, nhưng Tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội, báo cáo tham gia thẩm tra của các Ủy ban Kinh tế, Tài chính - Ngân sách, Pháp luật… đã thuyết phục được tất cả đại biểu Quốc hội. Để có được kết quả đó, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan của Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ, làm việc xuyên trưa, xuyên đêm với tinh thần “thần tốc” và đặt lợi ích quốc gia, Nhân dân lên trên hết, trước hết.

Với Nghị quyết Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội không chỉ thể hiện sự đồng hành, ủng hộ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đã thực hiện thời gian qua mà còn trao thêm cho các chủ thể này những thẩm quyền rất lớn trong việc áp dụng một số biện pháp đặc biệt để chủ động xử lý những tình huống phức tạp, khó dự lường.

Cụ thể, Quốc hội cho phép Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp về áp dụng cơ chế “đặc biệt”, “đặc thù”, “đặc cách” trong cấp phép, đăng ký lưu hành, sản xuất, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, hóa chất và đầu tư cơ sở vật chất phòng, chống dịch Covid-19. Quyết định áp dụng biện pháp hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định, tại một số khu vực, địa bàn cần thiết; tổ chức các lực lượng để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong vùng có dịch; biện pháp đặc biệt về thông tin liên lạc và sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc và các biện pháp khác có thể áp dụng trong tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan.

Quốc hội cũng giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ cấp bách nhằm bảo đảm nguồn lực chống dịch Covid-19. Trong đó, cho phép chuyển nguồn 1.237 tỷ đồng kinh phí chi sự nghiệp y tế còn lại năm 2020 của Bộ Y tế để mua vaccine phòng dịch Covid-19 và quyết toán vào chi ngân sách nhà nước năm 2021. Ưu tiên sử dụng ngân sách nhà nước và huy động mọi nguồn lực hợp pháp khác cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Bảo đảm an sinh xã hội, việc làm, chăm lo sức khỏe và đời sống Nhân dân, đặc biệt là người có công, gia đình chính sách, người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người yếu thế và lực lượng tuyến đầu chống dịch. Nghiên cứu miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19…

Ngoài các biện pháp được quy định tại Nghị quyết Kỳ họp thứ Nhất, trường hợp cần thiết phải ban hành quy định về phòng, chống dịch Covid-19 khác với quy định của luật trong thời gian Quốc hội không họp, Quốc hội cũng “mở” cơ chế cho phép Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục rút gọn trước khi thực hiện.

Phải đồng bộ, nhất quán

Với việc được Quốc hội trao thêm nhiều quyền hơn, thậm chí là những thẩm quyền vượt ra khỏi khuôn khổ pháp luật hiện hành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có cơ sở pháp lý chắc chắn và có thêm dư địa để thực hiện mọi biện pháp cần thiết trong cuộc chiến chống lại “kẻ thù vô hình” mang tên Covid-19. Một cơ chế kiểm soát nhằm bảo đảm các thẩm quyền này được áp dụng minh bạch, hiệu quả cũng đã được Quốc hội xác lập. Vấn đề còn lại là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ sử dụng các thẩm quyền được trao như thế nào để thực sự đạt được mục tiêu mà Quốc hội đã đề ra, “ứng phó kịp thời, có hiệu quả với diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19, sớm ổn định và kiểm soát dịch bệnh, đưa đất nước trở lại trạng thái “bình thường mới”?

Diễn biến vô cùng phức tạp của đại dịch Covid-19 những ngày gần đây dẫn đến những tình huống chưa từng có tiền lệ. Sự lúng túng, không kịp thời, thiếu quyết đoán, hay chiều ngược lại, sự cứng nhắc, cực đoan trong thực thi các biện pháp phòng, chống dịch, đều sẽ để lại những hệ lụy khó lường. Hơn lúc nào hết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải sử dụng linh hoạt, minh bạch, hiệu quả các thẩm quyền đã được Quốc hội giao để điều phối nhịp nhàng, hiệu quả công tác phòng, chống dịch trong cả nước, trên tất cả các mặt trận y tế, kinh tế, an sinh xã hội…

Việc phân cấp, phân quyền, giao trách nhiệm cho người đứng đầu các địa phương về áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch là cần thiết nhưng phải bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, nhất quán, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương.

Nghị quyết Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV chính là “thượng phương bảo kiếm” mà Quốc hội đã tin tưởng trao cho các “vị tướng ra trận”. Nhấn mạnh điều này, ĐBQH Trần Văn Lâm (Bắc Giang) bày tỏ: “Chúng tôi trông đợi những quyết đáp mạnh mẽ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”.

Mộc Miên