Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 3.366 tỷ đồng
Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng của Trung ương, chung sức, đồng lòng, nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024. Nhờ đó, đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Toàn, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 6 tháng đầu năm ước đạt 1,81%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 36.150 tỷ đồng, tăng 16,14% so với cùng kỳ. Hoạt động du lịch ước có 2,6 triệu lượt khách. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 3.366,5 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ. Tỉnh đã duy trì thực hiện việc đẩy mạnh các hoạt động kết nối, tạo việc làm cho người lao động; quan tâm triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Toàn tỉnh cũng đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM); thúc đẩy giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công thực hiện chương trình. Đến nay, đã có 80/129 xã đạt chuẩn NTM (đạt 62%), bình quân tiêu chí NTM toàn tỉnh đạt 16,2 tiêu chí/xã; 28 xã NTM nâng cao; 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 75 khu dân cư kiểu mẫu, 258 vườn mẫu; 158 sản phẩm OCOP.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Toàn cũng thẳng thắn chỉ rõ những khó khăn, thách thức cần tập trung khắc phục, tháo gỡ. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt thấp; ngành công nghiệp xây dựng giảm 0,34%; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công rất thấp (đạt 12% kế hoạch giao); tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp còn chậm; thu hút đầu tư gặp khó khăn; hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng xét về tổng thể vẫn còn lạc hậu, thiếu đồng bộ…
Nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công
Trước những khó khăn, thách thức trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, tại kỳ họp thường lệ giữa năm, các đại biểu HĐND tỉnh đã phát huy tinh thần trách nhiệm, tích cực thảo luận nhiều chính sách quan trọng, cấp bách. Đồng thời, phân tích, làm rõ nguyên nhân của những hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Từ đó, đưa ra những giải pháp hữu hiệu nhằm phát huy tối đa tiềm năng, duy trì ổn định kinh tế, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến sự phát triển được các đại biểu chỉ ra một phần do công tác chỉ đạo, điều hành để thúc đẩy đầu tư tư nhân của tỉnh chưa đủ mạnh và kịp thời; các dự án đầu tư ngoài ngân sách triển khai luôn gặp vướng mắc; tiến độ giải ngân đầu tư công, giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia đạt thấp là nguyên nhân làm cho tăng trưởng không đạt như kỳ vọng...
Mặt khác, những bất cập trong công tác quản lý đất đai, tài nguyên cũng là “điểm nghẽn” lớn kìm hãm sự phát triển. Cụ thể là những chậm trễ, lúng túng trong thể chế hóa quy hoạch sử dụng đất; xây dựng và phê duyệt kế hoạch sử dụng đất tại các địa phương. Công tác giải phóng mặt bằng; hoạt động cấp phép khai thác khoáng sản đất đắp làm vật liệu cho các công trình, dự án đầu tư công trên địa bàn chưa được khắc phục dù đã được chỉ ra và tích cực tháo gỡ từ năm 2023 đến nay. Nhiều dự án lớn gặp vướng mắc về thủ tục xác định giá đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất không thể triển khai thực hiện…
Để đạt được các mục tiêu kế hoạch đề ra, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Toàn khẳng định, UBND tỉnh sẽ tích cực, chủ động rà soát, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp theo mục tiêu đã đề ra trong năm. Cùng với đó, tập trung hoàn thành xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ thực hiện các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm; cơ cấu lại kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 phù hợp với khả năng thu ngân sách; hướng dẫn và tháo gỡ các vướng mắc trong triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia...
Cùng với đó, nâng cao chất lượng lựa chọn nhà đầu tư gắn với việc thực hiện rà soát, thu hồi các dự án chậm triển khai, không triển khai, dự án có dấu hiệu giữ đất, chờ thời. Đặc biệt, tăng cường kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, nhất là là các dự án trọng điểm, như: Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ Km19+000 - Km53+000 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình), Dự án Đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu), Dự án Đường kết nối thị trấn Lương Sơn - Xuân Mai, Hà Nội (giai đoạn 1)…