Thuế gián thu tăng nhưng thuế trực thu sẽ giảm
TS. Chử Văn Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cho biết, dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thảo luận tuần tới trong đợt 2 của Kỳ họp thứ Tám.
Trong quá trình thảo luận, đa số ý kiến thống nhất cần tăng thuế với đồ uống có cồn. Tuy nhiên, phải có thêm các nghiên cứu sâu hơn, toàn diện hơn, bảo đảm cả định lượng và định tính khi đánh giá về tác động của các phương án, các kịch bản tăng thuế theo các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, để nhìn nhận rõ ràng hơn mức độ tác động theo các chiều hướng: bộ phận - tổng thể; theo thời gian ngắn hạn - trung hạn - dài hạn. Trên cơ sở đó mới có thể xác định phương án tối ưu, có khả năng bảo đảm bền vững các mục tiêu cần đạt được, ông Lâm nhấn mạnh.
Theo đề xuất của cơ quan soạn thảo, đối với mặt hàng rượu từ 20 độ trở lên, có 2 phương án. Phương án 1: Tăng thuế suất từ mức hiện hành 65% lên 70%, 75%, 80%, 85%, 90% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 - 2030. Phương án 2: Tăng thuế suất từ mức hiện hành 65% lên 80%, 85%, 90%, 95%, 100% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 - 2030.
Mặt hàng bia cũng có 2 phương án. Phương án 1 là tăng thuế suất từ mức hiện hành 65% lên 70%, 75%, 80%, 85%, 90% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 - 2030. Phương án 2 là, tăng thuế suất từ mức hiện hành 65% lên 80%, 85%, 90%, 95%, 100% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 - 2030.
Theo TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế trung ương, nghiên cứu định lượng cho thấy, khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia thì nguồn thu ngân sách nhà nước từ thuế sản phẩm (thuế gián thu) tăng. Nhưng xét chung về tác động kinh tế, khi tăng thuế sẽ ảnh hưởng tới sản xuất của ngành bia, từ đó làm giảm sản xuất của các ngành trong quan hệ liên ngành. Điều này dẫn tới khấu hao tài sản cố định của doanh nghiệp giảm, kéo theo lợi nhuận giảm sút, làm giảm thu nhập của người lao động và do đó thuế trực thu giảm.
Lùi thời điểm thực thi để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị
Tăng thuế như phương án ban soạn thảo nêu sẽ gây “sốc” cho doanh nghiệp, TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia nhận xét.
Theo ông, trước tình hình khó khăn của ngành đồ uống thời gian qua, theo việc điều chỉnh tăng thuế cần được đánh giá kỹ lưỡng để có mức tăng, lộ trình tăng phù hợp. Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với ngành đồ uống có cồn có thể tăng thu ngân sách trong ngắn hạn, nhưng giảm tổng hòa lợi ích đối với ngành và nền kinh tế về trung, dài hạn. Tăng thuế càng nhanh, càng cao có thể ảnh hưởng đến hiệu quả đóng góp ngân sách nhà nước lâu dài; tạo ra tình huống “khó chồng khó” đối với doanh nghiệp và người lao động trong ngành cũng như các ngành liên quan (bao bì, vận tải, du lịch, ăn uống…).
Ngoài ra, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) còn mang tính cào bằng với đồ uống có nồng độ cồn khác nhau; khó điều tiết hành vi tiêu dùng... Ông đề xuất ban soạn thảo đưa ra các mức thuế suất khác nhau theo nồng độ cồn, nồng độ càng cao, chịu thuế suất cao hơn; đồng thời, xem xét lùi thời điểm hiệu lực của Luật đến 1.1.2027 để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị, thích nghi.
Đứng ở góc độ đơn vị nghiên cứu chính sách, ông Vương Quang Lượng, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) cho rằng, việc điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt cần có lộ trình cụ thể, đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền đến các đối tượng nộp thuế. Ngoài ra, chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt cần đi kèm với việc tăng cường công tác thực thi pháp luật, quản lý nhà nước đối với chất lượng sản phẩm, vấn đề hàng giả, buôn lậu; phải bảo đảm nguồn thu ngân sách nhà nước và thể hiện trách nhiệm xã hội khác của doanh nghiệp.
Cũng đồng tình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn, song GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam lưu ý mục tiêu của tăng thuế là nhằm thay đổi hành vi, không phải để tăng thu ngân sách. Do đó, cần có phương án hài hòa, hợp lý để bảo đảm doanh nghiệp có thời gian thích ứng, không gây ra ảnh hưởng "sốc" trong bối cảnh còn nhiều khó khăn như hiện nay. Cùng với đó, cần có các đánh giá tác động kỹ hơn của việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thu ngân sách, tình hình việc làm... để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế.