Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Phạm Công Tạc đánh giá cao kết quả của chương trình đã có những đóng góp mới về lý luận cũng như thực tiễn trong chiến lược phòng, tránh thiên tai, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên của nước ta. Đồng thời, các nghiên cứu của chương trình trong việc đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, tạo thêm việc làm, tăng doanh thu, giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao sức khoẻ cho cộng đồng... góp phần quan trọng vào sự phát triển nhiều ngành kinh tế trong công cuộc công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước.
|
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng - Chủ nhiệm Chương trình, trong quá trình thực hiện chương trình đã tuyển chọn, triển khai 34 đề tài, 2 dự án sản xuất thử nghiệm phân bố theo 3 lĩnh vực nghiên cứu là phòng tránh thiên tai (chiếm 50%), bảo vệ môi trường (chiếm 33%) và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên (chiếm 17%).
Theo đó, 36 nhiệm vụ của chương trình đã đạt được 4 mục tiêu đề ra gồm: Áp dụng, phát triển và hoàn thiện được các công nghệ dự báo tiên tiến để nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo sớm và quản lý rủi ro một số dạng thiên tai nguy hiểm; Ứng dụng có hiệu quả và tạo ra được công nghệ tiên tiến, phù hợp với điều kiện Việt Nam để xử lý ô nhiễm môi trường, kết hợp với xử lý và tận dụng nguồn thải; Xác lập cơ sở khoa học cho việc nhận dạng đầy đủ và đánh giá đúng vị thế của các dạng tài nguyên thiên nhiên quan trọng, nâng cao hiệu quả khai thác tổng hợp, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế - xã hội; Tạo được các công nghệ, các giải pháp khoa học có tính khả thi và có tính ứng dụng cao.