Theo TS. Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam; Giám đốc Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng: DANAFF II hân hạnh được giới thiệu đến công chúng 7 tác phẩm của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh, từ bộ phim mà tên tuổi ông lần đầu tiên được vinh danh trong và ngoài nước là "Bao giờ cho đến tháng Mười" cho đến bộ phim cuối cùng là "Hoa nhài".
Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh là gương mặt tiêu biểu, xuất sắc của điện ảnh Việt Nam. Ông có sự nghiệp sáng tác kéo dài hơn nửa thế kỷ, đạt nhiều thành tựu nổi bật tại các liên hoan phim ở Việt Nam và quốc tế.
Bắt đầu được biết đến từ phim truyện “Thị xã trong tầm tay” nói về những đổ nát hữu hình trong cuộc sống và vô hình trong tâm hồn sau chiến tranh biên giới phía Bắc (1983, Bông Sen vàng Liên hoan phim Việt Nam), nhưng bộ phim đưa tên tuổi của Đặng Nhật Minh nổi danh trong và ngoài nước là “Bao giờ cho đến tháng Mười” (1984, Bông Sen vàng Liên hoan phim Việt Nam, Giải Đặc biệt của Ban giám khảo Liên hoan phim quốc tế Hawaii, Top 18 bộ phim châu Á xuất sắc nhất mọi thời đại theo bình chọn của CNN).
Phong cách sáng tác của Đặng Nhật Minh bộc lộ rõ nét: tinh tế, sâu lắng, làm rung động khán giả và thể hiện bản sắc Việt Nam trong sự kết nối số phận người phụ nữ với số phận đất nước, tâm hồn con người với tâm linh dân tộc.
Bộ phim đoạt nhiều giải tại quốc tế nhất là “Thương nhớ đồng quê” (1995, Giải Đạo diễn Liên hoan phim Việt Nam và nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim quốc tế: Giải NETPAC tại Liên hoan phim Rotterdam, Giải Montgolfiere vàng tại Liên hoan phim Ba châu lục Nantes, Khán giả tại các Liên hoan phim Nantes, Fribourg, Versoul, Giải KODAK tại Liên hoan phim châu Á Thái Bình Dương). Chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Huy Thiệp, bộ phim mô tả tinh tế và ấn tượng cuộc sống buồn bã nhưng xao động của làng quê Việt Nam bước vào thời đổi mới.
Sáng tác của Đặng Nhật Minh phong phú khi ông có cơ hội làm nhiều phim về đề tài lãnh tụ, chiến tranh cách mạng, hậu chiến tranh. Đó là “Hà Nội mùa đông năm 46” (1997) về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày đất nước đang “ngàn cân treo sợi tóc” - đêm trước ngày toàn quốc kháng chiến. Hay “Đừng đốt” (2009) lấy cảm hứng từ Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm, về cuộc sống và sự hy sinh của những người chiến sĩ, bác sĩ trong chiến tranh và cuộc chu du của cuốn nhật ký từ tay cựu chiến binh Mỹ về Việt Nam. Bên cạnh đó là những nét khác biệt trong bộ phim ông làm từ ngày đầu Đổi mới là “Cô gái trên sông” (1987) về những số phận trớ trêu, những bi kịch chiến tranh - một bộ phim từng gây ý kiến trái chiều.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh cũng có duyên nợ với đề tài Hà Nội. Ngoài phim “Hà Nội mùa đông năm 46”, ông làm “Trở về” (1994), “Mùa ổi” (2000), “Hoa nhài” (2022). Các phim về Hà Nội của ông là những câu chuyện gia đình hoặc cá nhân của những con người bình thường, thậm chí “nhỏ bé” trong xã hội. Cuộc sống với những mâu thuẫn, biến cố hay hạnh phúc, khát vọng của họ được thể hiện nhỏ nhẹ và tinh tế, tạo được sức thuyết phục.
Các bộ phim được giới thiệu tại Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ hai năm 2024 gồm: “Bao giờ cho đến tháng Mười”, “Cô gái trên sông”, “Thương nhớ đồng quê”, “Đừng đốt”, “Hà Nội mùa đông năm 46”, “Mùa ổi”, “Hoa nhài”. Các phim được trình chiếu từ ngày 2 - 6.7 tại rạp Lê Độ, rạp Galaxy Cinema Đà Nẵng và CGV Vincom Đà Nẵng.