Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Quản lý, sử dụng đất tín ngưỡng, đất tôn giáo

Nghiên cứu quy định chi tiết hơn về đất tín ngưỡng

- Thứ Hai, 13/03/2023, 07:27 - Chia sẻ

Nguyễn Khắc Huy - Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra, Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Nội vụ

Để quản lý, sử dụng đất tín ngưỡng, đất tôn giáo hiệu quả hơn, cần nghiên cứu, cân nhắc bổ sung một số khái niệm hoặc quy định cụ thể hơn trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Thứ nhất, về đất tôn giáo, đề nghị cân nhắc bổ sung “chùa” tại Khoản 5, Điều 136, dự thảo Luật và “cộng đồng dân cư” tại Khoản 3, Điều 203, dự thảo Luật. Đề nghị bổ sung cụm từ “cơ sở thờ tự của tôn giáo khác” vào Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3, Điều 203, dự thảo Luật ở sau các đoạn “chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường” để bảo đảm cơ sở thờ tự của các tôn giáo được giao đất không thu tiền sử dụng đất theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW.

Về giao đất tôn giáo, đề nghị cân nhắc việc quy định hạn mức tối đa, tối thiểu chung cho mục đích tôn giáo ở các vùng miền, khu vực (tương tự quy định về hạn mức đất nông nghiệp) để tránh việc “tùy khả năng quỹ đất” của từng địa phương sẽ dẫn đến tình trạng bất bình đẳng trong quản lý, sử dụng đất giữa các tổ chức tôn giáo ở các địa phương, vùng miền khác nhau.

Về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, đề nghị cân nhắc bổ sung “tổ chức tôn giáo” vào Điều 42, dự thảo Luật (tương tự Điều 181, Luật Đất đai 2013) để có cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các điều về bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất có liên quan đến tổ chức tôn giáo (Điều 90, Điều 91, Điều 93 và Điều 96, dự thảo Luật).

Thứ hai, đất sử dụng cho mục đích tín ngưỡng của cộng đồng dân cư và dòng họ còn nhiều bất cập trong quá trình thực hiện, cần có những quy định cụ thể hơn để giúp bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng của mọi người, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này.

Đề nghị cân nhắc việc quy định chi tiết hơn về đất tín ngưỡng để giúp chấn chỉnh hiệu quả quản lý, sử dụng đất trong hoạt động tín ngưỡng. Cụ thể, có thể quy định về đất tín ngưỡng với những nội dung tương tự như quy định về đất tôn giáo tại Điều 203, dự thảo Luật. Đặc biệt, cần giải thích rõ cụm từ “khu rừng tín ngưỡng” trong quy định về đất rừng đặc dụng tại Điểm d, Khoản 1, Điều 180 và “đất rừng tín ngưỡng” tại Khoản 1, Điều 204, dự thảo Luật.

Thứ ba, về đất sử dụng đa mục đích, đề nghị Nghị định quy định chi tiết cần làm rõ một số nội dung để bảo đảm việc thực hiện đúng quy định của Luật, đáp ứng thực tiễn đặt ra về nhu cầu tâm linh của cộng đồng.

Việc sửa đổi, bổ sung các nội dung về quản lý, sử dụng đất tín ngưỡng, đất tôn giáo trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để thống nhất, đồng bộ với Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và thực tiễn hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo thời gian qua là phù hợp và cần thiết để bảo đảm thực hiện hiệu quả, đồng bộ chính sách của Nhà nước về đất đai liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo.